Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Đưa cải lương đến với sinh viên

Tạp Chí Giáo Dục

Vở Dấu ấn giao thời sẽ mở màn phục vụ sinh viên. Ảnh: T.Hiệp

Vào cuối tháng 4 này, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang sẽ chính thức thực hiện chương trình Đưa cải lương đến với học đường. Nếu như trước đây, việc đưa sân khấu cải lương và hát bội vào học đường chỉ được thực hiện trong một thời điểm ngắn thì lần này chương trình có một kế hoạch lâu dài với những cách làm mới, thiết thực hơn.
Giáo dục lịch sử cho sinh viên
Vở cải lương Dấu ấn giao thời của tác giả Triệu Trung Kiên, đạo diễn NSƯT Hoa Hạ do nhóm Thắp sáng niềm tin thuộc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang biểu diễn sẽ mở màn cho chương trình này. Ông Phan Quốc Hùng – Giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang cho biết “Trước đây, Bộ GD-ĐT đã từng làm đề án Đưa sân khấu cải lương vào học đường dành cho học sinh cấp II rất thành công. Đây là một phương pháp dạy học rất hay, đã được thực hiện từ lâu trên thế giới. Đối tượng chính mà chúng tôi đến phục vụ vở diễn này là sinh viên của các Trường ĐH – CĐ trong địa bàn TP.HCM, sau đó sẽ tiến tới việc đưa cải lương đi phục vụ cho sinh viên các tỉnh phía Bắc. Những năm vừa qua, giới sinh viên hầu hết đã xao lãng với bộ môn nghệ thuật truyền thống cải lương, điều này làm cho chúng tôi rất đau lòng. Giới trẻ cần phải hiểu biết nhiều về bộ môn nghệ thuật này, nhất là những vở diễn về lịch sử Việt Nam. Chính vì thế khi soạn giả Hoàng Song Việt, chủ nhiệm nhóm Thắp sáng niềm tin trình với tôi đề án này, tôi tán thành ngay. Thông qua các vở diễn, các nhân vật do các diễn viên thể hiện, sinh viên sẽ được “học” lịch sử nước nhà một cách nhẹ nhàng và hiệu quả hơn”.
 Dấu ấn giao thời là vở cải lương lịch sử Việt Nam nói về thời cuộc của đất nước trong buổi giao thời giữa nhà Lý và nhà Trần với những khó khăn cùng những âm mưu của các nịnh thần nhằm lật đổ triều đại. Các nhân vật Lý Huệ Tông, Trần Thị Dung, Trần Thủ Độ, Đàm Thái Hậu… được các diễn viên Trọng Nghĩa, Lê Tứ, Lê Hồng Thắm, Võ Minh Lâm… nhập vai rất đạt. Cách dàn dựng của Hoa Hạ cũng rất nhẹ nhàng, hấp dẫn, dễ đi vào lòng của khán giả trẻ. Cũng nằm trong chương trình này, sắp tới Nhà hát Trần Hữu Trang sẽ tiếp tục dàn dựng vở cải lương Hoàng đế Quang Trung của tác giả Hoàng Song Việt, Hoa Hạ đạo diễn cùng một số vở cải lương lịch sử có sẵn như Tô Hiến Thành xử án, Chiếc áo thiên nga để làm dày thêm kịch mục. Sau các buổi biểu diễn, các sinh viên sẽ có những buổi đối thoại trực tiếp với tác giả, đạo diễn, các diễn viên tham gia để hiểu rõ hơn về các nhân vật lịch sử cũng như thu thập cho mình những kiến thức cần thiết.
 Soạn giả Hoàng Song Việt rất hào hứng: “Trung tuần tháng 3 vừa qua, Nhà hát Trần Hữu Trang đã biểu diễn chiêu đãi hai vở Dấu ấn giao thờiChiếc áo thiên nga cho lãnh đạo, Bí thư Đoàn – Hội của các trường đại học trong thành phố đến xem để thấy rõ tính khả thi của nội dung từng vở diễn. Các trường sẽ đăng ký cụ thể ngày giờ, phổ biến rộng rãi trong sinh viên và Nhà hát sẽ mang vở đến phục vụ tại trường. Đạo diễn Nguyên Đạt – giảng viên Khoa Cải lương Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP.HCM cũng cho biết: “Khi biết được chương trình này, Khoa Cải lương của chúng tôi cũng sẽ chung tay với Nhà hát bằng cách cho các em sinh viên của trường tham gia vào một số vở diễn để cọ xát với thực tế. Đây cũng là cách giúp các em thực tập với nghề để khi ra trường khỏi bỡ ngỡ.
Kinh phí thực hiện lấy ở đâu?
Để thực hiện dự án này, bằng tâm huyết của mình, trước mắt Nhà hát Trần Hữu Trang “tự thân vận động”. Dự tính trong mỗi suất mang đến trường phục vụ miễn phí cho sinh viên, Nhà hát sẽ chi khoảng 15 triệu đồng. Các diễn viên tham gia chỉ lấy tiền cát-xê tượng trưng. Về tương lai xa, các trường đại học nếu thấy chương trình khả thi có thể ủng hộ một ít kinh phí cho Nhà hát, nếu không Nhà hát cũng sẽ tự xoay xở. Diễn viên Hoài Nam tâm sự: “ Tôi cũng là một sinh viên vừa rời khỏi ghế nhà trường, được tham gia vào chương trình này tôi cảm thấy thật hào hứng. Cải lương gặp nhiều khó khăn, đời sống của nghệ sĩ cũng không được cải thiện, nhưng được diễn cho sinh viên xem, tôi luôn cảm thấy mình được truyền “lửa” nhiệt tình rất lớn. Vấn đề cát-xê không còn quan trọng nữa”.
“Đào tạo cho thế hệ tương lai của đất nước, xây dựng một nền tảng vững chắc cho xã hội, trách nhiệm này không chỉ của riêng ngành giáo dục mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Nhà hát Trần Hữu Trang cũng muốn đóng góp một phần trong sự nghiệp chung với mức kinh phí thực hiện phù hợp. Trong thời gian tới, chúng tôi mong có nhiều đơn vị tài trợ cùng chung tay thực hiện đề án đầy ý nghĩa này” – ông Quốc Hùng cho biết.
ĐẶNG TIỀN GIANG

Bình luận (0)