Có thể nói, năm nay, trong các lĩnh vực kinh tế, xuất khẩu là một điểm sáng bởi tốc độ tăng trưởng thực tế vượt gấp hơn ba lần chỉ tiêu của Quốc hội giao.
May giày xuất khẩu Công ty Nike Việt Nam |
Tuy nhiên, sự tăng trưởng này không đem lại niềm vui trọn vẹn bởi vẫn còn đó những nghịch lý, có cái tồn tại đã lâu, có cái mới xuất hiện gần đây, nhưng tất cả đều ngày càng trầm trọng.
Số liệu của Bộ Công Thương công bố tại cuộc họp giao ban vào đầu tuần trước (26/10) cho biết 10 tháng qua kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 57,8 tỉ USD, dự kiến cả năm có thể đạt 70 tỉ USD, tăng 22,6% so với năm 2009 (trong khi chỉ tiêu Quốc hội giao cho năm
nay chỉ là tăng 6%).
nay chỉ là tăng 6%).
Bộ Công Thương đánh giá trong những tháng cuối năm, ngoài các mặt hàng công nghiệp tiếp tục tăng trưởng thì việc xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản cũng có thể tăng so với cùng kỳ nhờ có sự thuận lợi nhất định về giá cả và nguồn cung.
Đại diện các hiệp hội củng cố thêm cho nhận định trên bằng những con số rất khả quan. Chẳng hạn như Hiệp hội Dệt may cho biết năm nay ngành dệt may sẽ thu về 11 tỉ USD, tăng 500 triệu USD so với kế hoạch, còn Hiệp hội Lương thực cũng đưa ra con số hơn 2,6 tỉ USD là kim ngạch xuất khẩu gạo của năm 2010…
Đúng là tình hình xuất khẩu đang có những thuận lợi nhất định nhưng dường như, việc thiếu một chiến lược thương mại phù hợp đã khiến cho những kết quả đó không còn nhiều ý nghĩa. Những đồng ngoại tệ thu về đầy khó nhọc từ xuất khẩu cũng đang chảy ngược trở ra để mang về những thứ mà trong nước hoàn toàn có thể làm được.
Hàng chục năm qua, Việt Nam lựa chọn hướng phát triển là đẩy mạnh xuất khẩu với mục tiêu là giảm nhập siêu, thế nhưng đến nay tình trạng nhập siêu đã không giảm mà còn có xu hướng tăng cho dù xuất khẩu có tăng cao.
Nguyên nhân là do chúng ta phải nhập đến 60% nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu, thậm chí có ngành nhập đến 80%. Vì vậy, mang tiếng là kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng giá trị thực sự mang lại cho nền kinh tế chẳng bao nhiêu.
Rất nhiều ngành xuất khẩu rơi vào tình trạng này như gỗ, dệt may, giày dép…nhưng đây đều là những ngành mà lâu nay các chuyên gia kinh tế cũng như báo chí đã phân tích sự bất cập của chúng.
Ở đây chỉ xin nêu một trường hợp nghịch lý nhưng có thể được xem là điển hình của năm nay, đó là lĩnh vực xuất khẩu nông sản và nhập khẩu thức ăn chăn nuôi gia súc.
Trước hết lại nhìn vào các con số và so sánh chúng. Theo số liệu của Bộ Công Thương, 10 tháng đầu năm nay cả nước đã xuất khẩu 5,7 triệu tấn gạo, thu về gần 2,7 tỉ USD; ngoài ra chúng ta còn xuất được 1,4 triệu tấn sắn và các sản phẩm từ sắn nên có thêm được 420 triệu USD nữa. Tổng cộng khoảng 3,1 tỉ USD.
Trong khi đó, cùng thời gian này, Việt Nam đã nhập gần 1,8 triệu tấn lúa mì, tốn khoảng hơn 400 triệu USD. Bên cạnh đó, lượng thức ăn gia súc và nguyên liệu được nhập về trong 10 tháng qua cũng hơn 1,8 tỉ USD. Tất cả là 2,2 tỉ USD.
Vậy là, giá trị mà nền kinh tế thực hưởng chỉ chưa đầy một tỉ USD. Kế đến hãy nhìn vào cách mà người ta tạo ra những giá trị nói trên.
Với 2,7 tỉ USD có được từ xuất khẩu gạo, phải ghi nhận công đầu thuộc về những người nông dân chân lấm tay bùn của chúng ta. Còn doanh nghiệp xuất khẩu làm gì?
Có thể nói phần lớn họ chỉ là những người trung gian mua bán và kiếm lợi nhuận chứ chưa có những đóng góp đáng kể để nâng giá trị hạt gạo. Vậy Nhà nước ở đâu? Thực ra, Nhà nước cũng có nhiều chương trình hỗ trợ nông dân nhưng hiệu quả chẳng bao nhiêu bởi người hưởng lợi trực tiếp từ sự hỗ trợ này thường là doanh nghiệp thay vì nông dân.
Ở đây có thể dẫn ra một vài ví dụ để thấy rõ hơn những bất cập. Trong lĩnh vực xuất khẩu gạo, đầu tư hệ thống silo để bảo quản lúa gạo và chủ động điều tiết xuất khẩu là vấn đề hết sức cần thiết và đã được đặt ra từ cả chục năm trước nhưng đến nay vẫn chưa làm được.
Năm ngoái, chuyện xây kho lại được đề ra trong một chương trình của Chính phủ về cơ giới hóa và giảm tổn thất sau thu hoạch với tổng kinh phí lên đến 40.000 tỉ đồng.
Theo đó, mục tiêu đặt ra là xây thêm các kho mới với sức chứa khoảng 2,8 triệu tấn trong hai năm 2009-2010, nhưng gần hết năm 2010 hệ thống kho mới xây này đạt chưa tới nửa triệu tấn.
Hơn nữa, các kho mới xây này cũng không theo dạng silo mà chỉ là những căn nhà hai mái để chứa mấy bao lúa gạo. Cách làm này phù hợp với lợi ích của doanh nghiệp trước hết, còn lợi ích của nông dân và cả nền kinh tế phải chịu đứng sau.
Cũng do không thể chủ động được xuất khẩu vì thiếu hệ thống bảo quản và dự trữ nên hạt gạo Việt Nam luôn bị thua thiệt về giá. Theo tính toán, chỉ từ tháng 4 đến tháng 8/2010, các doanh nghiệp đã bán ra hơn 3,5 triệu tấn gạo với mức giá thấp hơn giá sàn hiện tại hoảng 120 USD/tấn, tính ra số tiền bị thiệt cũng lên đến 420 triệu USD.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại không phải tự nhiên mà lượng thức ăn gia súc và nguyên liệu ồ ạt vào Việt Nam, mà phải thấy là đã vào Việt Nam một cách rất bài bản.
Đơn cử, mới đây, các chuyên gia Mỹ sang Việt Nam để giới thiệu với các doanh nghiệp trong nước về Chương trình bảo lãnh tín dụng dành cho các nhà nhập khẩu nông sản Mỹ cho năm tài chính 2011.
Không phải vô cớ mà họ làm chuyện này, mà Việt Nam đang là thị trường nhập khẩu quan trọng đối với hàng nông sản Mỹ. Nếu như vào năm 2005, xuất khẩu nông sản vào Mỹ cao gấp bốn lần chiều ngược lại thì tới năm ngoái, con số chênh lệch giữa xuất và nhập chỉ còn 440 triệu USD, và quý I năm nay lần đầu tiên Việt Nam nhập siêu nông sản từ Mỹ, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ.
Biểu đồ: Xuất, nhập khẩu và nhập siêu 10 tháng đầu năm 2010 (Đvt: tỉ USD); Nguồn: Tổng cục Thống kê |
Một chi tiết khác cũng đáng chú ý là doanh thu của toàn ngành công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc của Việt Nam lên đến 60.000 tỉ đồng/năm (năm 2009, tương đương hơn 3 tỉ USD), dự báo nhu cầu tăng trưởng khoảng 8 – 9%/năm, nhưng khả năng trong nước chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu.
Vì vậy chuyện nhập khẩu là điều không thể tránh khỏi. Và không chỉ nhập khẩu thành phẩm mà cả nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt Nam cũng phải nhập hơn 30%. Đây đúng là một nghịch lý ở một nước vốn có lợi thế về nông nghiệp như Việt Nam.
Xét ở góc độ vĩ mô, sau khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và là đối tác tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, thực tế cho thấy các doanh nghiệp chưa tận dụng được những lợi thế từ những cam kết này.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, sự thiếu đồng bộ trong chiến lược, chính sách và cách điều hành thị trường đã khiến cho thị trường trong nước phải vất vả chống đỡ với hàng ngoại ngay trên sân nhà.
Phát biểu trong một cuộc họp của Ủy ban Kinh tế Quốc hội hồi cuối tháng 9 vừa qua, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng sau khủng hoảng các nước đều sử dụng công cụ hàng rào kỹ thuật để bảo vệ thị trường nội địa còn Việt Nam lại đang sa vào “cái bẫy” của tự do thương mại – một trong những yếu tố góp phần tạo ra nghịch lý xuất khẩu.
QUỲNH NHƯ / DNSG
Bình luận (0)