Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

TPHCM: NHNN đang bội thu tiền mặt

Tạp Chí Giáo Dục

Những năm trước cứ đến thời điểm Giáng sinh là nhu cầu tiền mặt của các ngân hàng tại TPHCM bắt đầu tăng lên để đáp ứng nhu cầu chi trả lương thưởng của các doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên, đến thời điểm này của năm 2010 nhu cầu tiền mặt của các ngân hàng vẫn chưa có gì tăng đột biến.
Bà Lê Thị Thanh Hằng, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, cho biết đến giờ này mà nhu cầu tiền mặt của các ngân hàng vẫn “chưa nhúc nhích gì”. Cho đến ngày 28-12, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM vẫn đang bội thu tiền mặt.
“Các ngân hàng thương mại nộp tiền vào nhiều hơn lấy ra. Chúng tôi phải liên tục điều chuyển bớt tiền mặt về trung ương. Những ngày cận tết, có thể sau tết Dương lịch thì nhu cầu tiền mặt sẽ tăng nhiều hơn. Năm nay, một số ngân hàng đã kết nối hệ thống thanh toán POS, sẽ giúp việc thanh toán mua sắm hàng hóa của người dân qua thẻ tiện lợi hơn. Điều này cũng giúp hạn chế phần nào nhu cầu thanh toán tiền mặt cuối năm”, bà Hằng nói.

Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Tín ông Hoàng Văn Toàn cũng cho biết rằng chắc chắn như mọi năm các ngân hàng đều có các kế hoạch chuẩn bị tiền mặt khi nhu cầu tăng cao vào dịp cuối năm âm lịch. “Việc đáp ứng nhu cầu tiền mặt thời điểm cuối năm của Đại Tín sẽ được đảm bảo”, ông Toàn nói.

Thông thường các năm trước, nhu cầu tiền mệnh giá nhỏ và mới loại 10.000 và 20.000 đồng rất được ưa chuộng để làm tiền mừng tuổi đầu năm. Tuy nhiên theo bà Hằng, mọi năm Ngân hàng Nhà nước vẫn có chủ trương phục vụ một phần cơ bản nhu cầu tiền mới của người dân, nhưng từ 2009 Thống đốc chỉ đạo tập trung chi tiền mặt để đảm bảo đủ cơ cấu các loại tiền trong lưu thông chứ không đặt vấn đề nhu cầu tiền mới lên hàng đầu.
Năm nay chủ trương chi tiền mới bằng văn bản từ Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có nhưng phía Ngân hàng Nhà nước đang muốn tuyên truyền để thay đổi thói quen mừng tuổi bằng tiền mới của người dân. “Việc này không đơn giản nhưng phải thực hiện từ từ tránh lãng phí lớn. Đơn cử, tiền mệnh giá 10.000 đồng – 20.000 đồng cuối năm ngoái Ngân hàng Nhà nước chi ra rất nhiều nhưng qua tết thì đồng loạt các ngân hàng nộp trở về và hầu như trong năm nhu cầu cho tiền loại này không cao. Đa số người đến ngân hàng nhận tiền kể cả vay tiền đều thích tiền mệnh giá lớn. Trong khi tiền polymer dòng đời gấp 5-10 lần so với tiền cotton, nếu không tận dụng hết mà cứ in mới liên tục sẽ rất lãng phí”, bà Hằng nói.
Hiện giờ khoảng 70-80% loại tiền mệnh giá 5.000 đồng trở xuống Ngân hàng Nhà nước chi ra đều là tiền mới, còn tiền 20.000 đồng và 10.000 đồng là tiền lưu kho của tết năm rồi vẫn còn. Bà Hằng cũng khẳng định tiền mệnh giá nhỏ để chi tiêu trong năm nay sẽ không thiếu do 2 năm gần đây Ngân hàng Nhà nước đã có sự điều tiết, có kế hoạch chi thường xuyên và liên tục tiền mệnh giá nhỏ trong suốt năm chứ không để dồn vào cuối năm như những năm trước.
Theo TBKTSG


Bình luận (0)