Bất chấp biện pháp yêu cầu ngân hàng hạn chế cho vay nhập khẩu hàng hóa thuộc diện không khuyến khích nhập khẩu theo yêu cầu của Chính phủ và các quy định của ngành công thương đã đưa ra trong năm 2010, lượng hàng tiêu dùng xa xỉ vẫn tăng mạnh
Chi gần 1,1 tỉ USD nhập hàng cần hạn chế
Theo Bộ Công thương, các mặt hàng trong mục nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu hiện nay gồm: nguyên phụ liệu thuốc lá, ôtô, xe máy và linh kiện, hàng tiêu dùng, rượu bia, mỹ phẩm… Hai tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu nhóm này đạt gần 1,1 tỉ USD, chiếm 7,4% tổng kim ngạch nhập khẩu và tăng 24,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu gồm sản phẩm chế tạo từ gang thép, đá quý, kim loại quý… cũng đạt kim ngạch khoảng 0,95 tỉ USD, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
|
Tăng cả giá và lượng
Ghi nhận thị trường mỹ phẩm tại TP.HCM cho thấy ở các trung tâm thương mại như Vincom, Parkson, Diamond Plaza, Zen Plaza…, mỹ phẩm nhập khẩu từ Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia… được bày bán phổ biến, chủng loại đặc biệt phong phú.
Trước đây, những mặt hàng như kem dưỡng da chân, kem massage chân, tẩy trang mắt, tẩy trang môi… đã xuất hiện nhưng chưa phổ biến thì gần đây trở thành mặt hàng thông dụng trong giới phân phối mỹ phẩm.
Trên thị trường, các sản phẩm dưỡng da chân nhập khẩu từ Mỹ, Thụy Sĩ có giá khá cao, từ 500.000-2 triệu đồng/hộp. Công ty TNHH ĐH (trụ sở tại TP.HCM) cho biết từ chỗ chỉ buôn hàng xách tay nay đã chính thức nhập khẩu. Lượng hàng về ngày càng tăng được tiêu thụ rộng rãi tại TP.HCM và phân phối cả các tỉnh miền Bắc.
Nhiều loại sữa tắm, dầu gội ngoại nhập cũng đang cạnh tranh gay gắt với hàng sản xuất trong nước trên quầy kệ của các điểm bán hóa mỹ phẩm. Anh Hiền, phụ trách bán hàng một doanh nghiệp tại TP.HCM chuyên nhập khẩu và phân phối các mặt hàng sữa tắm, dầu gội xuất xứ từ Úc, Malaysia, Mỹ…, cho biết hiện mỗi tháng công ty nhập khẩu đều đặn bảy container hàng dầu gội, sữa tắm các loại, trị giá các lô hàng khoảng 14 tỉ đồng.
Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I cho biết nhập khẩu mỹ phẩm đang tăng mạnh cả về số lượng và giá trị. Cụ thể, tính từ ngày 1-1 đến 10-3-2011, đã có khoảng 2,79 triệu đơn vị sản phẩm mỹ phẩm được nhập về cảng Cát Lái, kim ngạch đạt gần 3,42 triệu USD, tăng 36,1% về lượng và 54,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, kim ngạch nhập khẩu mỹ phẩm trang điểm tăng tới 111,3%, các loại dầu gội, ủ, dưỡng tóc tăng 69,9%…
Chi bạo cho điện thoại “xịn”
Mặc dù gặp khó khăn trong việc mua USD, chịu lãi suất vay vốn cao, đồng thời tiếp tục phải xin giấy phép nhập khẩu tự động… nhưng hàng thực phẩm nhập khẩu vẫn được nhập về đều đặn. Ông Nguyễn Xuân Bình, giám đốc Cơ quan thú y vùng 6, cho biết do tháng 2 rơi vào thời điểm nghỉ tết nên lượng thịt đông lạnh nhập khẩu trong tháng 2 giảm mạnh so với tháng 1-2011. Tuy nhiên, trong hai tháng đầu năm nay, tổng lượng thịt nhập về khu vực phía Nam vẫn đạt 12.740 tấn, tăng tới 196,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tương tự, thị trường điện thoại di động vẫn nhộn nhịp. Ông Nguyễn Quốc Bảo, chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần điện thoại di động Thành Công – sở hữu hệ thống phân phối Thành Công mobile, cho biết mỗi tháng công ty nhập khoảng 5.000 chiếc điện thoại.
Theo ông Bảo, nếu như ba năm trước, người tiêu dùng có xu hướng mua các loại điện thoại giá rẻ, bình dân thì nay bắt đầu chịu chi tiền mua các sản phẩm ở phân khúc trung cấp, cao cấp. “Với giá 2 triệu đồng, chiếc điện thoại đã có chức năng đa phương tiện. Người tiêu dùng mua những sản phẩm này cũng với tâm lý mua đồ tốt, ít phải thay máy” – ông Bảo cho biết.
Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I – nơi đang chiếm gần 80% hàng nhập khẩu về khu vực phía Nam, hai tháng đầu năm nay kim ngạch nhập khẩu hàng tiêu dùng qua đơn vị này đạt 577,4 triệu USD, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có nhiều mặt hàng xa xỉ, hàng trong nước sản xuất được, với trên 266.000 chiếc điện thoại di động được thông quan, tăng trên 200% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch nhập khẩu đạt gần 6,96 triệu USD, tăng 177,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Bạch Hoàn
Báo Tuổi trẻ
Bình luận (0)