Công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp đã được quan tâm, đầu tư nhiều, nhưng kết quả chỉ đạt ở một số trường, số còn lại nhiều năm tuyển sinh ì ạch phải ngưng tuyển, thậm chí ngưng hoạt động.
Trường TC Kỹ thuật Nghiệp vụ Nam Sài Gòn cung cấp thông tin ngành nghề cho thanh niên, học sinh trong một ngày hội |
Vì sao khó tuyển sinh?
Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến bậc học TC-CĐ khó tuyển sinh, theo bà Nguyễn Thị Lý (Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức), đó là các trường không thể tiếp cận được dữ liệu thi THPT quốc gia và thí sinh cũng không thể đăng ký vào các trường TC-CĐ (trừ trường sư phạm) vì không cùng hệ thống. Đây là khó khăn lớn đối với các trường trong việc tiếp cận thông tin và thống kê số thí sinh đăng ký với trường. Nói cách khác là thí sinh đăng ký xét tuyển nhưng nhà trường hoàn toàn không biết vì không tiếp cận được thông tin trong hệ thống dữ liệu tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT. Một nguyên nhân nữa là đối tượng tuyển sinh trình độ TC là học sinh THCS trở lên, nhưng trên thực tế hàng năm tỷ lệ học sinh vào lớp 10 THPT rất cao (nếu rớt lớp 10 công lập, các em vào học GDTX, trường tư thục, có cả đi du học…).
Bên cạnh đó, bà Lý cũng đề cập đến một nguyên nhân khác khiến việc tuyển sinh ở bậc học TC-CĐ khó khăn là các trường ĐH có xu thế giảm các tiêu chí xét tuyển, quy chế tuyển sinh ĐH không khống chế về số lượng nguyện vọng đăng ký nên khả năng trúng tuyển ĐH là rất cao. Chính vì vậy, nguồn tuyển của các trường TC-CĐ ngày càng thu hẹp.
Đại diện bộ phận tuyển sinh của Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng cũng thừa nhận, những chính sách ưu đãi cho người lao động trình độ TC-CĐ, đặc biệt là chế độ lương hiện nay chưa đủ thuyết phục phụ huynh và học sinh lựa chọn bậc học này để lập nghiệp.
Báo cáo với Sở LĐ-TB&XH TP.HCM về kết quả tuyển sinh 6 tháng đầu năm 2017, các trường TC-CĐ nhìn nhận nội dung hoạt động hướng nghiệp ở trường phổ thông (THCS, THPT) đều tập trung vào các trường ĐH, hạn chế trong việc định hướng học sinh đi vào trường TC-CĐ. Mặt khác, do thay đổi về cơ chế chính sách, các trường ĐH thành lập nhiều, điểm chuẩn đầu vào thấp, chỉ tiêu tuyển ngày càng tăng đã thu hút phần lớn học sinh vào ĐH. Việc đăng ký học TC-CĐ là một lựa chọn cuối cùng khi không thể vào đâu được. Tương tự, các trung tâm dạy nghề, cơ sở đào tạo nghề ngắn hạn cũng kêu khó vì thực tế nhiều doanh nghiệp mở ra tại địa phương nhưng số lao động cần tuyển là lao động phổ thông hơn là số đã qua đào tạo nghề.
Ở góc độ khác, theo ông Trần Ngọc Cường (Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Thủ Đức), nguyên nhân tuyển sinh nghề khó liên quan đến quy định về đào tạo liên thông giữa các cấp trình độ trong giáo dục nghề nghiệp và liên thông lên ĐH.
Phân luồng thế nào cho hiệu quả?
Từ thực trạng tuyển sinh nghề đến hẹn lại…lo, bà Nguyễn Thị Lý đề xuất cần nâng cao hiệu quả công tác hướng nghiệp, trong đó chú trọng giới thiệu ngành nghề, các nhu cầu của xã hội về nguồn nhân lực trong tương lai. Bên cạnh đó cần tư vấn về xu thế và năng lực cá nhân, từ đó giúp các em học sinh THCS và THPT định hướng lựa chọn ngành nghề phù hợp.
Xây dựng cổng thông tin chung cho toàn bộ hệ thống giáo dục nghề nghiệp, tập trung giới thiệu, quảng bá các ngành nghề đào tạo, hệ thống trường… cũng là một trong những giải pháp mà bà Lý đưa ra. Đặc biệt là xây dựng phần mềm tuyển sinh chung trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp để thí sinh có thể tiếp cận và đăng ký vào các trường TC-CĐ.
“Cần nâng cao hiệu quả công tác hướng nghiệp, trong đó chú trọng giới thiệu ngành nghề, các nhu cầu của xã hội về nguồn nhân lực trong tương lai. Bên cạnh đó cần tư vấn về xu thế và năng lực cá nhân, từ đó giúp các em học sinh THCS và THPT định hướng lựa chọn ngành nghề phù hợp”, bà Nguyễn Thị Lý (Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức) đề xuất. |
Đại diện Trường TC Kỹ thuật Nghiệp vụ Nam Sài Gòn cũng kiến nghị: Để công tác phân luồng học sinh sau trung học tại TP.HCM giai đoạn 2016-2020 đạt kết quả tốt theo tiêu chí 30% học sinh vào TCCN-TC nghề và 70% học sinh vào THPT thì ngành giáo dục phải khống chế chỉ tiêu đầu vào lớp 10 THPT tương ứng. Vì thực tế những năm gần đây, công tác phân luồng sau trung học chỉ đạt khoảng 10%, bởi đa phần phụ huynh vẫn muốn con em dự thi vào lớp 10 THPT, dù học lực hạn chế. Thêm nữa, chỉ tiêu đầu vào lớp 10 THPT cao dẫn đến tỷ lệ phân luồng 30% của thành phố không đạt. Theo thống kê, tỷ lệ học sinh thi không đậu vào lớp 10 THPT chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 2% (tổng cộng khoảng 12% bao gồm sau phân luồng và học sinh không đỗ vào lớp 10 THPT). Các trường ĐH không thành lập trường TC theo dạng “mẹ bồng con” để tuyển sinh hệ TC. Đại diện các trường TC-CĐ và trung tâm dạy nghề cũng kiến nghị Bộ GD-ĐT về nội dung này xem như là một giải pháp để hút người học.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Thị Hằng (Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ II) cho rằng trong bối cảnh mạng lưới trường ĐH-CĐ và TC như hiện nay, các trường phải linh hoạt mở thêm ngành nghề đào tạo, đa dạng hóa các hình thức đào tạo để thay thế những ngành nghề mà nhu cầu việc làm đã bảo hòa.
Ông Trần Kim Tuyền (Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề TP.HCM) chia sẻ, ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như đội ngũ giáo viên, các trường cần tăng cường phối hợp với địa phương để đào tạo các lớp ngắn hạn, liên thông, liên kết với các trường ĐH trong khu vực để đào tạo hệ ĐH, mở rộng quy mô đào tạo. “Bộ LĐ-TB&XH và Bộ GD-ĐT cần thống nhất chương trình văn hóa là 1.200 giờ và tạo điều kiện cho các trường nghề được tiếp tục dạy phần văn hóa THPT cho người học có nhu cầu liên thông, vì đây là một khâu rất quan trọng trong công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh”, ông Trần Ngọc Cường kiến nghị.
T.Anh
Bình luận (0)