Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Thời đi học của người nổi tiếng

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nghệ sĩ hài Minh Nhí: “Tôi từng đoạt giải nhất môn văn cấp tỉnh…”
 

Minh Nhí cùng ba “học trò cưng” Việt Hương – Thúy Nga – Hoàng Mập trong tiểu phẩm Con đường đến trường. Ảnh: N.H

Thời gian này, Minh Nhí bận rộn với lịch diễn, quay phim và lịch dạy dày đặc. Điện thoại cho Minh Nhí, đầu dây bên kia giọng anh vẫn líu lo giống như những vai diễn trên sân khấu và truyền hình. Ngồi trò chuyện về thời đi học, anh cười bảo: “Tìm đúng đối tượng rồi đó, thời đi học của tôi quả là một hành trang đầy kỷ niệm…” rồi anh kể bằng cái tài pha trò hóm hỉnh nhưng sâu sắc của mình…
Một thời học sinh nhớ mãi…
Tôi sinh ra ở Đồng Tháp. Hồi học cấp I trường làng, tôi thường bị ba đánh đòn vì hay đòi tiền ăn quà mỗi sáng đi học, ngoài ra còn bị cô giáo “khẽ tay” do để dính mực đầy tay và quần áo. Lên cấp 2 học ở Trường Thị xã Sa Đéc, tôi bắt đầu bộc lộ rõ năng khiếu học giỏi môn văn. Bài văn nào tôi cũng đạt điểm cao, thường được cô giáo chọn đọc mẫu cho cả lớp nghe, tôi hãnh diện lắm. Những bài tập làm văn khó, cô giáo đều “dành” cho tôi. Nhớ nhất là năm học lớp 9, tôi được chọn đi thi học sinh giỏi văn cấp tỉnh và đoạt giải nhất. Gia đình tôi và nhà trường vui lắm, tổ chức cho tôi học bồi dưỡng để thi cấp quốc gia. Nhưng tiếc thay, gần ngày thi tôi bị bệnh nên không đi thi được. Sau đó, tôi được tuyển thẳng lên cấp III và vẫn học giỏi môn văn. Cô giáo dạy văn lớp tôi thường nói: “Con trai học giỏi văn là khổ lắm đấy”, tôi chỉ cười. Tôi nhớ vào đầu năm lớp 11, tôi ngồi cạnh một cô bạn… hơi cao hơn tôi một chút, học cũng khá nhưng bị cái tật hay nói chuyện trong giờ học nên cô giáo chuyển từ bàn 4 lên bàn đầu. Thế là tự dưng tôi bị các bạn ghép đôi với cô bạn ấy. Lúc đầu tôi cũng cự nự vì… mắc cỡ nhưng rồi không hiểu sao lại thấy… thích thích, nhất là khi cô bạn ấy bớt nói chuyện và hay e thẹn làm duyên mỗi khi tôi nhìn. Một lần, lớp tổ chức đi lao động. Tôi đi xe đạp một mình, bất ngờ cô bạn đó từ trong trường đi ra nói nhỏ với tôi: “Minh… chở đi nghen, xe hư rồi”. Tôi gật đầu mà tim cứ đập loạn xạ. Suốt quãng đường, tôi không biết nói chuyện gì mà chỉ im lặng nghe cô bạn ấy hát nho nhỏ từ phía sau. Vậy mà yêu thật. Mối tình đầu ấy đã giúp hai đứa học giỏi lên thấy rõ. Rồi cuối năm lớp 12, tôi rưng rưng nước mắt chia tay mối tình đầu vì cô bạn đã theo gia đình sang định cư ở nước ngoài. Những lá thư “đẫm lệ” sau đó đến giờ tôi vẫn còn giữ để làm kỷ niệm…
Anh sinh viên nghèo thành đạt
Nhiều người hỏi tôi: “Học giỏi văn nhưng sao lại lên thành phố để dự thi vào trường y khoa?”. Thật ra tôi thích thi vào Khoa văn Trường Đại học Tổng hợp
Còn một điều nữa mà nãy giờ tôi quên “khai”, đó là suốt 12 năm học, tôi luôn “vinh dự” được ngồi bàn đầu vì “vóc dáng” khiêm tốn quá…
nhưng vì trong gia đình có một người làm thầy thuốc nên ba mẹ buộc tôi phải thi vào y khoa. Tiếc là do tôi “học giỏi” môn sinh vật quá nên… thi rớt. Một hôm trên đường đến lớp luyện thi ĐH Y khoa để thi lại vào năm tới, ngang qua Trường Nghệ thuật Sân khấu II (nay là Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP.HCM) thấy nơi đây rất đông người đến ghi danh dự thi. Tò mò, tôi cũng ghi danh và dự một lớp luyện thi. May mắn, tôi đã đậu vào Khoa… Đạo diễn sân khấu. Chắc các bạn cũng thắc mắc vì sao không phải là diễn viên mà lại là đạo diễn. Bởi vì tôi xí trai, với lại chiều cao… còn thấp quá xa so với tiêu chuẩn tối thiểu 1,65m dành cho nam thi vô diễn viên nên tôi nghe lời thầy Nguyễn Văn Phúc thi vào Khoa Đạo diễn. Thời sinh viên của tôi gắn bó với hai chữ mì gói bởi kinh tế nhà tôi thời gian này rất khó khăn. Dù cuộc sống khổ cực thế nào tôi cũng ráng cắn răng chịu đựng chứ không dám về nhà xin tiền hay than thở, bởi ba mẹ tôi vốn không ủng hộ tôi theo nghề này. Có những hôm đi làm thêm về quá giờ, bà chủ nhà trọ đóng cửa, tôi phải ngồi khóc ở ngoài đường đến 6 giờ sáng mới được vô. Thấy vậy, Lý Hải, Hoàng Sơn mới kêu tôi về ở trọ chung. Anh em người nào lúc đó cũng khổ, cũng đói. Nhiều lúc quá mệt mỏi, tôi muốn buông xuôi nhưng rồi nghĩ lại, tôi tự an ủi mình: “Cố lên Minh ơi”. Đến năm thứ 3, nhờ vóc dáng… không giống ai nên tôi được các đạo diễn mời đóng phim, đóng kịch liên tục. Lúc đầu tôi lấy tên thật là Trương Hùng Minh để cho ba mẹ biết, nhưng do tên dài quá, với lại được các bạn đồng nghiệp đặt biệt danh là Nhí nên tôi lấy nghệ danh là Minh Nhí luôn. Tốt nghiệp loại giỏi, tôi được trường giữ lại làm giảng viên bộ môn biểu diễn sân khấu hơn 10 năm. Thời sinh viên, tôi rất biết ơn thầy Nguyễn Văn Phúc. Đám sinh viên chúng tôi lúc ấy thường đùa nhau rằng phương pháp dạy của thầy Phúc là phương pháp “huấn nhục” bởi vì ngày ấy thầy “hành” chúng tôi rất nhiều… Ngoài những lúc nghiêm khắc trên bục giảng, thầy còn là một người rất vui tính và có tấm lòng bao dung với học trò. Một điều nữa mà tôi rất nể phục thầy là suốt bao năm đi dạy, thầy ít khi nào khen mà chỉ toàn chê thôi để chúng tôi không ảo tưởng mà làm tốt hơn cho sau này. Hiện tại, tôi được Hãng phim Lasta mời làm giáo viên thỉnh giảng, dạy bộ môn diễn xuất điện ảnh cho các bạn trẻ đam mê nghệ thuật thứ bảy nhằm cung cấp những gương mặt mới cho các phim truyền hình do hãng sản xuất. Chính tình yêu dành cho học trò sẽ cho tôi sức mạnh gắn bó với nghề và ngược lại môi trường giảng dạy đã giúp cho tôi ngày càng hoàn thiện hơn tư cách người nghệ sĩ. Cả ba vai trò, đạo diễn, diễn viên và giảng viên đều đem lại cho tôi nhiều niềm hạnh phúc khác nhau.
SONG MINH (ghi)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)