Nhờ xuất khẩu lao động, nhiều lao động Việt Nam đã thu lại một số vốn liếng nhất định. Tuy nhiên, nhiều lao động sau một thời gian làm việc ở nước ngoài, đến khi quay về nước vẫn gặp khó khăn trong việc tạo dựng nghề nghiệp hoặc kiếm một công việc có thu nhập ổn định.
Đây là một trong những thực tế được chỉ ra tại nghiên cứu ”Đánh giá thực trạng lao động đi làm việc có thời hạn theo hợp đồng đã trở về Việt Nam” do Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) mới công bố cuối tháng 6/2012.
Chất lượng việc làm thấp
Nghiên cứu được tiến hành trên 1.450 đối tượng là lao động Việt Nam đi làm việc ở Đài Loan, Malaixia, Nhật Bản và Hàn Quốc theo các chương trình xuất khẩu lao động và hiện nay đã về nước (giai đoạn từ 2004- 2011). Khảo sát tiến hành tại 8 địa bàn điển hình về hoạt động xuất khẩu lao động, gồm: Thái Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hải Dương, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa bàn khác là nơi người lao động đến làm việc sau khi xuất khẩu lao động trở về.
Nỗi lo tìm việc sau khi trở về nước đã hiển hiện trên nét mặt những người lao động ngay khi xuống sân bay.
Khảo sát cho thấy, hầu hết người lao động đã có việc làm trong vòng 1 tháng đầu sau khi về nước, tuy nhiên, chất lượng việc làm còn thấp. Tỷ lệ lao động làm những công việc giản đơn chiếm tới 57,3% số lao động đang có việc làm. Số lao động được tham gia ký kết hợp đồng lao động, được tham gia bảo hiểm xã hội còn rất thấp (chỉ 24% lao động thuộc diện khảo sát có được quyền lợi này, tập trung ở số lao động trở về từ Nhật Bản và Hàn Quốc). Còn lại, hầu hết họ đều tham gia những công việc trong lĩnh vực nông nghiệp, khu vực kinh tế phi chính thức. Thu nhập từ công việc hiện tại của họ mặc dù cao
Theo nghiên cứu, đại bộ phận lao động sau khi trở về đều có tích lũy (89,9%). Trong đó, lao động làm việc tại Nhật Bản và Hàn Quốc trở về có mức tích lũy cao và ổn định hơn cả. Mức tích lũy bình quân của một lao động làm việc đủ 3 năm ở Nhật là 312 triệu đồng, ở Hàn Quốc là 243 triệu đồng, ở Đài Loan là 145 triệu đồng, và thấp nhất là ở Malaixia với 51 triệu đồng. Phần lớn số tiền tích lũy được lao động dùng để giải quyết các nhu cầu cấp bách của gia đình: Trả nợ, xây hoặc sửa nhà, mua sắm đồ đạc sinh hoạt và chỉ 8% tổng tiền tích lũy được đầu tư cho việc sản xuất, kinh doanh. |
hơn so với trước khi đi xuất khẩu lao động (từ 1- 3 triệu đồng/tháng) nhưng đại bộ phận lao động có mức thu nhập bình quân thấp hơn mức lương tối thiểu.
Theo ghi nhận từ khảo sát, khó khăn chủ yếu của người lao động sau khi về nước là khó tìm việc. Đây là một thực tế đáng quan tâm. Có 41,7% lao động được hỏi đều chung tâm tư này. Chỉ có 9,38% số lao động được khảo sát đã kiếm được việc đúng với ngành nghề đã làm khi ở nước ngoài. Một bộ phận lao động sau khi về nước có nhu cầu làm việc nhưng không tìm được việc làm. Theo nhóm nghiên cứu, điều này do nhiều nguyên nhân nhưng tập trung ở một số điểm chính là: thiếu thông tin và các dịch vụ hỗ trợ việc làm; trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật của người lao động còn thấp; thiếu vốn và thiếu kiến thức làm ăn. Bên cạnh đó, có một số lao động trở về từ thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc thì thất nghiệp do không tìm được công việc có thu nhập như mong muốn.
Cần kết nối tốt hơn với thị trường lao động
Ông Phạm Đỗ Nhật Tân, Phó Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu lao động cho rằng nghiên cứu đã có những phát hiện quan trọng, là cơ sở trong quá trình sửa đổi một số những chính sách liên quan đến lĩnh vực xuất khẩu lao động để hỗ trợ tốt hơn cho người lao động sau khi về nước. Một khuyến nghị mà nhóm nghiên cứu đưa ra rất hợp lý là việc doanh nghiệp và cơ quan trung ương, các địa phương cùng xây dựng cơ sở dữ liệu về vấn đề thông tin thị trường lao động cũng như quản lý lao động trước khi đi và khi về nước.
Tại TP Hồ Chí Minh, có 2 huyện đứng đầu về xuất khẩu lao động là Hóc Môn và Củ Chi. Thành phố có cơ chế cho hộ nghèo vay tối đa 80 triệu đồng để xuất khẩu lao động. Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH thành phố, riêng huyện Củ Chi có khoảng trên 1.000 lao động đi và có đời sống rất tốt. Tuy nhiên, số lao động về nước, nói chung vẫn khó khăn khi tiếp cận thị trường lao động trong nước. Dù đã được học nơi thêm nhiều kinh nghiệm trong thời gian xuất khẩu lao động, nhưng khi quay về công việc của họ vẫn như cũ và họ khó tiếp cận với những doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư trong nước. Sở kiến nghị cần có một chương trình khảo sát và tiếp cận với số lao động này để hỗ trợ trực tiếp họ qua quá trình tổ chức các phiên giao dịch việc làm.
Bên cạnh đó, phía các doanh nghiệp xuất khẩu lao động cũng cần phải vào cuộc. Một kinh nghiệm của Công ty cổ phần phát triển Nguồn nhân lực LOD, theo ông Vũ Công Bình, Tổng Giám đốc, là doanh nghiệp phải luôn sẵn sàng giải quyết nhu cầu việc làm cho người lao động đến cùng nếu người lao động đưa ra các nguyện vọng một cách rõ ràng. Hiện nay, để làm tốt vấn đề này, công ty một mặt làm tốt khâu tuyển chọn “đầu vào” có chất lượng tốt để cung ứng cho các doanh nghiệp đối tác nước ngoài; mặt khác, thường xuyên theo sát, nắm bắt tình hình lao động ở nước ngoài để có những hỗ trợ kịp thời.
Ông Phạm Đỗ Nhật Tân cho rằng, nếu doanh nghiệp nào cũng thực hiện được việc đào tạo bài bản, huấn luyện cụ thể cho người lao động trước khi đi, cam kết với họ khi về có việc làm thì người lao động không việc gì phải trốn ở lại bất hợp pháp. Vấn đề khó tìm việc cho người lao động sau khi xuất khẩu trở về sẽ được giải quyết.
Bài và ảnh: Mạnh Minh
Theo Tin Tức
Bình luận (0)