Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Giữ ân hạn thuế cho DN

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 20-11, Quốc hội thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Trong đó vẫn giữ ân hạn thuế cho doanh nghiệp (DN) nhập hàng để sản xuất hàng xuất khẩu.
Kiến nghị cắt bỏ ân hạn thuế với lý do chống chây ì, trốn thuế trong dự thảo trước đã khiến cộng đồng DN phản ứng, nhất là DN ngành dệt may, giày da, thủy sản… vốn thường xuyên nhập nguyên phụ liệu về để gia công, sản xuất hàng xuất khẩu. Lâu nay, phần lớn các DN này không phải nộp thuế ngay khi nhập nguyên phụ liệu (gọi là ân hạn thuế). Nhưng theo dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), DN phải nộp thuế ngay hoặc đóng một khoản phí cho ngân hàng bảo lãnh được hoãn nộp thuế.
Quản lý bằng điều kiện
Trong phiên thảo luận của Quốc hội về luật này, nhiều đại biểu đề nghị không bỏ ân hạn thuế vì gây khó khăn, tốn kém cho DN, ảnh hưởng đến xuất khẩu. Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) từng góp ý rằng quy định phải hướng đến tạo thuận lợi cho số đông.
Do đó, báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH ) có nói: Một mặt, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, mặt khác phải bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giữ nghiêm kỷ luật tài chính, ngăn chặn các hành vi chây ì, trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách. Vì vậy, UBTVQH xin tiếp thu theo hướng giữ quy định hiện hành về ân hạn đối với hàng hóa nhập khẩu là vật tư, nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu nhưng có phân loại DN để áp dụng ân hạn”.

Việc giữ ân hạn thuế giúp các DN xuất khẩu da giày, dệt may… nhẹ nhõm phần nào.Ảnh: CTV
Cụ thể, theo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) được thông qua, DN nhập khẩu hàng hóa là vật tư, nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu có thời hạn nộp thuế tối đa 275 ngày (được ân hạn) nếu đáp ứng đủ bốn điều kiện: có cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu trên lãnh thổ Việt Nam; hoạt động xuất nhập khẩu trong ít nhất hai năm liên tục tính đến ngày đăng ký tờ khai hải quan mà không có hành vi gian lận thương mại, trốn thuế, nợ tiền thuế quá hạn, tiền chậm nộp, tiền phạt; tuân thủ pháp luật về kế toán, thống kê; thực hiện thanh toán qua ngân hàng. DN không đủ bốn điều kiện trên phải nộp thuế trước khi thông quan, giải phóng hàng hóa hoặc phải được tổ chức tín dụng bảo lãnh.
Trong khi đó ở quy định hiện hành, điều kiện hưởng ân hạn thuế không đòi hỏi DN có cơ sở sản xuất, chỉ yêu cầu hoạt động xuất nhập khẩu trên một năm và không đòi hỏi phải thanh toán qua ngân hàng.
Tạo thêm thuận lợi
Cũng theo luật mà Quốc hội mới thông qua, thời gian giải quyết hoàn thuế được rút ngắn lại. Các hồ sơ hoàn thuế trước, kiểm tra sau có thời hạn giải quyết là sáu ngày (thay vì 15 ngày như hiện hành). Hồ sơ kiểm tra trước khi hoàn thuế được giải quyết trong 40 ngày (thay vì 60 ngày như hiện hành).
Luật này quy định cụ thể hơn các trường hợp thuộc diện kiểm trước, hoàn thuế sau gồm hoàn thuế theo cam kết quốc tế; hoàn thuế lần đầu; DN từng trốn thuế, gian lận thuế trong vòng hai năm trước; không thanh toán qua ngân hàng…
Với trường hợp hoàn thuế trước, kiểm tra sau, việc kiểm tra sẽ được thực hiện trong vòng 10 năm sau khi hoàn. Tuy nhiên, cơ quan thuế sẽ kiểm tra trong vòng một năm nếu DN khai lỗ; xin hoàn thuế từ hoạt động kinh doanh bất động sản; kinh doanh thương mại, dịch vụ; đổi trụ sở hơn hai lần trong vòng 12 tháng; có sự thay đổi bất thường giữa doanh thu tính thuế và số thuế được hoàn…
Về vấn đề kiểm tra trong vòng 10 năm, khi Quốc hội thảo luận, có nhiều ý kiến cho rằng khoảng thời gian này quá dài và không khớp với thời hiệu xử lý vi phạm. Nếu kiểm tra, phát hiện DN có vi phạm nhưng đã quá thời hiệu xử lý vi phạm thì kiểm để làm gì?! Trong báo cáo tiếp thu, giải trình, UBTVQH có nói: “Thời hạn kiểm tra sau hoàn thuế và thời hiệu xử lý vi phạm là hai vấn đề khác nhau, điều chỉnh hai nội dung khác nhau. Thời hạn 10 năm là căn cứ vào nhiều yếu tố như thời gian lưu giữ, kiểm tra hồ sơ kế toán, thông lệ áp dụng cơ chế quản lý rủi ro và tính khả thi trong tổ chức thực hiện”.
Phù hợp với thực tế DN
Việc giữ ân hạn thuế phù hợp với thực tế sản xuất của các DN xuất khẩu, giúp tháo gỡ khó khăn trước mắt, đồng thời khắc phục tồn tại của việc ân hạn thuế gây thất thu ngân sách.
Ông TRẦN THIỆN HẢI,Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Việt Nam
Được ân hạn thuế, DN quay vòng vốn nhanh hơn, hoạt động kinh doanh sẽ tốt hơn. Nếu bắt nộp thuế ngay khi nhập thì các DN dệt may lớn gần như hết cửa sống. Mỗi năm, Công ty May Sài Gòn 3 nhập khoảng 15 triệu mét vải trị giá 90 triệu USD, tiền thuế phải nộp ngay gần 11 triệu USD, một khoản tiền rất lớn đối với DN trong giai đoạn khủng hoảng về vốn, thị trường hiện nay.
Ông PHẠM XUÂN HỒNG,Phó Chủ tịchHội Dệt may Việt Nam
Điều kiện cần chi tiết hơn
Nếu suy xét kỹ thì thấy một số điều kiện có vấn đề. Chẳng hạn, điều kiện 3 và 4 rất vô thưởng vô phạt, DN không rõ ai là cơ quan xác nhận nếu DN tuân thủ pháp luật về kế toán, thống kê; thanh toán qua ngân hàng là phải như thế nào? Đối tượng cần “đánh” vào là DN thương mại, DN nước ngoài làm ăn chộp giật không có cơ sở sản xuất, chỉ thu mua xuất khẩu. Điều này có thể làm tốt nhờ điều kiện 1. Nếu vậy, DN nước ngoài có cơ sở sản xuất hoạt động theo tạm nhập tái xuất cũng được ân hạn thuế nhưng hết 275 ngày, họ tuyên bố phá sản hoặc lỗ để trốn thuế thì sao?
Ông NGUYỄN VĂN KỊCH, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Cafatex
Đây là bước tiến cho thấy Nhà nước đã lắng nghe tiếng nói của DN. Nhưng trong lúc thiếu vốn mà đưa ra điều kiện khác nào vẫn làm khó DN? Tuân thủ pháp luật kế toán, thống kê cụ thể là làm những gì, thanh toán qua ngân hàng như thế nào, nguyên liệu số lượng ít, giá trị thấp có phải thanh toán qua ngân hàng không… Cần chi tiết các điều kiện hơn, không chỉ cho DN hiểu và làm theo mà còn để các cơ quan nhà nước dễ kiểm tra, giám sát.
Ông TRẦN QUỐC MẠNH,Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM
Sẽ tránh được “con sâu làm rầu nồi canh”
Các điều kiện Quốc hội thông qua về ân hạn nộp thuế là hoàn toàn hợp lý đối với DN. Có điều kiện mới tránh được các “con sâu làm rầu nồi canh”, loại bỏ DN làm ăn bất chính. Có thể nhiều DN cho rằng điều kiện còn chung chung và có khả năng bị cơ quan thuế làm khó. Tuy nhiên, nếu DN làm ăn chân chính thì các điều kiện trên rất dễ đạt được và các cơ quan quản lý thậm chí còn hỗ trợ cho họ.
TS NGUYỄN NGỌC HUY,ĐH Kinh tế – Luật TP.HCM
QUANG HUY ghi
Theo QUỲNH NHƯ
Pháp Luật TP

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)