Ngày 4-2, các đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM đã dẫn đầu đoàn công tác đến thăm, làm việc với ban quản lý (BQL) và tiểu thương tại các chợ Bến Thành và 2 chợ đầu mối nông sản Thủ Đức và chợ Hóc Môn.
Báo cáo tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức, cho biết, năm nay do thời tiết tương đối ổn định nên rất thuận lợi cho công tác phát triển nguồn hàng. Từ ngày 20 tháng Chạp đến nay, lượng rau củ quả và trái cây các loại về chợ đã tăng khoảng 30% so với ngày thường, đạt mức 3.800 – 4.000 tấn/đêm. Dự báo, trong 2 ngày cận tết, lượng hàng sẽ tăng vọt khoảng 80%-90%, đạt mức 5.800 – 6.000 tấn/đêm nên sẽ không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, gây sốt giá.
Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà cùng Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng kiểm tra giá cả các mặt hàng bánh mứt tết tại chợ Bến Thành. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN
Về giá, do lượng hàng hóa chuẩn bị cung ứng tết khá nhiều, trong khi tại thời điểm này sức mua tại chợ còn yếu so với cùng kỳ năm ngoái, nên giá bán của nhiều mặt hàng đang có xu hướng giảm từ 2.000 – 5.000 đồng/kg. Cụ thể, giá bầu, bí chỉ còn 6.000 đồng/kg, cải carol còn 8.000 đồng/kg, cải tròn 7.000 đồng/kg, cà rốt 7.500 đồng/kg, dưa leo 8.000 đồng/kg, cà chua 5.000 đồng/kg… Từ nay đến giáp tết, giá rau củ quả nhiều khả năng sẽ còn giảm mạnh.
Riêng đối với mặt hàng trái cây các loại, lượng hàng nhập chợ sẽ tăng 90% so với ngày thường. Giá bán trái cây sẽ phụ thuộc vào cung – cầu thị trường. Một số mặt hàng thông dụng như mãng cầu tròn, thanh long, quýt đường, quýt tiều, xoài cát Hòa Lộc giá bán ra hiện nay còn khá ổn định. Tuy nhiên, theo dự báo của bà Hà, từ ngày 27 – 29 Tết, giá trái cây có thể tăng từ 20% – 30% do nhu cầu thị trường tăng cao.
Tại chợ Hóc Môn, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc kinh doanh, cho rằng, tổng lượng hàng về đạt mức gần 2.000 tấn/đêm, trong đó thịt heo là 275 tấn và 1.600 tấn rau củ quả các loại. Hiện lượng hàng về chợ đang tăng từng ngày và đang trong tình trạng cung vượt cầu, đặc biệt là mặt hàng thịt heo.
Trong đêm 3-2, nhằm ngày 23 tháng Chạp, lượng heo về đạt mức 5.900 con, tăng hơn 1.000 con so với những ngày trước đó. Giá bán thịt heo cũng giảm mạnh, từ 59.000 đồng/kg heo mảnh giảm còn 52.000-53.000 đồng/kg do nguồn cung nhiều. Dự báo trong 6 ngày giáp tết, từ 24 đến 29 Tết, tổng lượng hàng về chợ dự kiến đạt 18.000 tấn, tăng khoảng 8% so với cùng kỳ tết năm ngoái. Giá bán sỉ các loại rau củ quả nhìn chung ổn định, một số mặt hàng bán ra đang có xu hướng giảm mạnh như xà lách, su su, xà lách xoong, rau thơm, rau cải, rau muống, bầu, bí…
Trả lời đoàn công tác về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, các công ty cho biết, hiện lượng hàng rau củ quả từ Trung Quốc về chợ ngày càng giảm, hiện chỉ chiếm khoảng 7% tổng lượng hàng hóa về chợ. So với 3 năm trước, lượng hàng Trung Quốc về chợ ngày càng giảm mạnh do mức tiêu thụ chậm.
Buổi sáng cùng ngày, đoàn công tác đã thăm và kiểm tra chợ Bến Thành. Tại đây, BQL chợ cho biết, hàng Việt hiện chiếm từ 70%-80% tổng lượng hàng hóa kinh doanh. Hơn 90% tiểu thương tại chợ đã niêm yết giá bán hàng rõ ràng, không còn nói thách. Đối với các mặt hàng tết, lượng hàng hóa phục vụ tết được tiểu thương chuẩn bị tăng bình quân từ 20% – 30%, giá bán tiếp tục ổn định. Sức mua cũng đang tăng từng ngày.
Phát biểu kết luận đợt kiểm tra cao điểm hàng tết tại các chợ, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng đã đánh giá cao nỗ lực của các đơn vị trong việc chuẩn bị cũng như điều tiết hàng hóa phục vụ trong mùa Tết Quý Tỵ 2013. Qua kiểm tra, có thể khẳng định, hàng hóa phục vụ tết năm nay rất dồi dào, phong phú, đảm bảo cung – cầu, giá cả ngày càng giảm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đa dạng của người dân TP. Tuy nhiên, do lượng hàng dồn về chợ đầu mối trong những ngày giáp tết khá lớn nên BQL chợ cần có biện pháp hỗ trợ tiểu thương trong điều phối để tiêu thụ hàng hóa tốt hơn, tránh tình trạng dư thừa gây lãng phí. Về lâu dài, các chợ cần có biện pháp hữu hiệu để xây dựng và phát triển thương hiệu chợ, hỗ trợ thương nhân xây dựng thương hiệu sản phẩm, hướng tới chợ văn minh, hiện đại, qua đó nâng cao giá trị hàng hóa trong chợ.
Thay mặt lãnh đạo TP, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Thị Thu Hà đã chúc tết các đơn vị. Phó Bí thư cũng yêu cầu BQL các chợ cần theo dõi sát hơn về an ninh trật tự, tình hình cung cầu và giá cả hàng hóa, trong đó đặc biệt lưu ý đến nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phục vụ tốt nhất nhu cầu tiêu dùng và mua sắm của người dân TP trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ.
Chợ Nha Trang vắng khách, hoa Đà Lạt rớt giá Ngày 4-2, nhiều nông dân tại làng hoa Thái Phiên (TP Đà Lạt) cho biết, giá hoa cúc tết đang ở mức rất thấp và sức mua yếu, dù hiện đang là thời kỳ cao điểm đóng hoa tết đi Hà Nội, TPHCM. Các loại cúc đơn (1 bông) như: saphia, kim cương có giá khoảng 2.000 – 2.200 đồng/cành (xấp xỉ giá năm ngoái), còn cúc chùm chỉ 100 – 200 đồng/cành (bằng 1/3 giá năm ngoái). Không những giá thấp, nhiều nông dân phải chấp nhận gửi hoa đi TPHCM và chờ “ăn giá” sau (sau khi bán xong mới biết giá), chứ không được “tiền trao cháo múc”. Nguyên nhân giá hoa thấp, theo nông dân, là do năm nay thời tiết thuận lợi, nhiều vùng khác trồng được hoa nên cúc Đà Lạt “dội hàng”. Giá hoa layơn tại làng hoa Định An (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) cũng chững lại sau những ngày cao điểm. Hiện nông dân đang thu hoạch layơn đại trà để cung cấp cho các thị trường gần (TPHCM, miền Đông và Tây Nam bộ) với mức giá khoảng 2.000 – 2.500 đồng/bông loại đẹp. V.NGỌC – C.HOAN – N.VIÊN |
TH.HẢI (SGGP)
Bình luận (0)