Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Đổi tên sản phẩm để không bị quản lý giá

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều sản phẩm trước đây được ghi là sữa và phải đăng ký giá với Bộ Tài chính cùng sở tài chính các địa phương mỗi khi điều chỉnh thì hiện nay đã được doanh nghiệp thay đổi tên sản phẩm và không bị quản lý về giá.

Trao đổi với báo chí ngày 27-3, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, giải thích nguyên nhân đổi tên sản phẩm là các công ty căn cứ theo quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa, sản phẩm dinh dưỡng mà Bộ Y tế đã ban hành.

Sau khi đổi tên mới thành thức ăn công thức, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, sản phẩm dinh dưỡng… , các sản phẩm này không bị chi phối bởi Luật Giá. Vì theo quy định hiện hành,các sản phẩm là thức ăn công thức, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, sản phẩm dinh dưỡng… không thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá. Điều đó có nghĩa, cơ quan quản lý giá không thể can thiệp vào việc tăng giảm giá của doanh nghiệp.

Thị trường sữa, giá sữa và quản lý giá sữa, bao nhiêu năm qua vẫn là câu chuyện dài kỳ. Ảnh: Minh Tâm

Cũng theo ông Tuấn, từ đầu năm đến nay, một số công ty sản xuất, phân phối, kinh doanh sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi khi tăng giá bán đã thực hiện gửi thông báo giá bán sản phẩm đến Cục Quản lý giá. Tuy nhiên, không có các sản phẩm nào trong thông báo được ghi là sữa.

Cụ thể, Công ty TNHH Mead Johnson Nutrison (Việt Nam) gửi kê khai giá 15 mặt hàng (trong đó có 12 mặt hàng mới), tăng giá 3 mặt hàng với mức tăng 15-16% và áp dụng mức từ 2-1. Công ty TNHH phân phối Tiên Tiến, phân phối sản phẩm của Công ty TNHH Mead Johnson Nutrison (Việt Nam) tăng 3 mặt hàng, mức tăng 9-10%, áp dụng từ 5-1.

Công ty TNHH Dinh Dưỡng 3A Việt Nam, phân phối sản phẩm Abbott gửi thông báo giá 39 mặt hàng trong đó có 31 mặt hàng tăng giá, mức tăng khoảng từ 2- 9,5%, áp dụng từ 1-2-2013.

Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam gửi kê khai giá 40 mặt hàng, trong đó tăng một số mặt hàng với mức khoảng 9%, mức giá áp dụng từ 15-2.

Nguyên nhân tăng giá theo các công ty là do giá vốn hàng bán thay đổi, chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp, chi phí tài chính, chi phí tiền lương tăng.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, đại diện nhiều doanh nghiệp sữa khẳng định, việc họ đổi tên sản phẩm là đúng quy định. Cơ sở pháp lý chính là quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm sữa dạng bột mà Bộ Y tế ban hành ngày 5-2-2010 và có hiệu lực cùng năm.

Theo đó, các sản phẩm chỉ được gọi là sữa bột khi hàm lượng protein không nhỏ hơn 34% khối lượng và hàm lượng chất béo từ 26 đến 42% khối lượng. So với các sản phẩm đang bán trên thị trường thì hầu hết không đủ tiêu chuẩn để gọi là sữa bột dù trên nhãn ghi là sữa bột.

Tuy nhiên, do Bộ Y tế cho phép, nhãn hiệu nào đang còn trong thời gian đăng ký còn hiệu lực thì được giữ nguyên. Chính vì vậy, đến thời điểm này mới có chuyện đổi tên.

Bên cạnh đó, các sản phẩm mới đến thời điểm này đổi tên thành thực phẩm công thức dinh dưỡng hay thức ăn công thức dinh dưỡng. Nguyên nhân là do Bộ Y tế đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm dinh dưỡng vào tháng 10-2012. Dựa vào đây, các công ty đã đổi tên theo quy định.

Đại diện các công ty sữa, xét về bản chất, các công ty kinh doanh các sản phẩm liên quan đến sữa, không phải thực hiện đăng ký giá, thông báo giá với Bộ Tài chính theo quy định của Thông tư 122/2010/TT-BTC, có hiệu lực từ 1-10-2010 nhưng “không dám cãi lý” nên vẫn thực hiện.

Tương tự, đến thời điểm này, khi các sản phẩm đã có tên là thực phẩm công thức dinh dưỡng, sản phẩm dinh dưỡng… thì họ cũng không có nhiệm vụ phải đăng ký, thông báo giá với Bộ Tài chính.

Thông tư 122 nói rằng, mặt hàng phải đăng ký giá là “sữa pha chế theo công thức dạng bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi”.

(TBKTSG Online)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)