Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Khi diễn viên kịch làm đạo diễn

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Ái Như (bìa trái) trong vở Cho em xin 150 phút phiêu lưu do chính chị đạo diễn.Ảnh: S.M

Sau gần 10 năm “gác kiếm”, nghệ sĩ Minh Nhí vừa trở lại với vai trò đạo diễn vở Người yêu của mẹ tôi trên Sân khấu Kịch Kim Châu được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Có thể thấy, nhiều nghệ sĩ kịch nói có tên tuổi dù không tốt nghiệp trường lớp đạo diễn chính quy nhưng trong quá trình đi diễn, gắn bó với nghề lâu năm đã đúc kết nhiều kinh nghiệm nên khi bắt tay vào công tác đạo diễn, họ nhanh chóng gặt hái được thành công.
Thành công ngoài dự tính
Ngày còn diễn ở Sân khấu 5B, Hồng Vân đã gây tiếng vang lớn trong vai trò đạo diễn trong vở Ngôi nhà của chúng ta, sau đó hàng loạt các vở kịch trên Sân khấu Kịch Phú Nhuận do chị dàn dựng cũng được khán giả đón nhận nồng nhiệt Những mảnh tình công viên, Cây dùi vàng, Làng nhảy, Ghen tuông kỳ cục án… và hiện tại là vở Kỹ nghệ lấy Tây Ngôi nhà hoang luôn trong tình trạng “cháy vé”. Thành Hội – Ái Như là một “cặp bài trùng” trong vai trò tác giả và cả đạo diễn. Những vở do họ viết và dàn dựng luôn được sự chờ đợi háo hức của khán giả như: Chuyện của Diễm, Ngôi nhà của những linh hồn, Yêu, Màu của tình yêu… cả ở Sân khấu 5B và IDECAF. Nghệ sĩ hài Trung Dân sau thành công với vai trò tác giả và đạo diễn chương trình Trên vườn dưới ruộng của Đài Truyền hình Bình Dương, anh được Nhà hát Kịch thành phố mời dựng vở Mùa bông điên điểnChuyện miệt đồng rất thú vị. Sắp tới đây, anh tiếp tục vào vai trò này cho Sân khấu Kịch Sài Gòn với Bìm bịp kêu chiều. Nghệ sĩ Thanh Hoàng cũng vừa “tung” ra vở mới do anh làm đạo diễn trên Sân khấu 5B là Nhà trọ tình yêu. Hiện, anh đang tiếp tục dàn dựng vở kịch kinh điển Lôi Vũ của tác giả Tào Ngu, sẽ trình làng với khán giả vào cuối tháng 6 này.
Trong số các diễn viên kịch trẻ “dài tay” sang lĩnh vực đạo diễn, nổi bật có Đức Thịnh, nhiều vở diễn của anh trên Sân khấu Kịch Phú Nhuận và 5B đã tạo nên hiện tượng, trong đó Em và ngôi sao được nhận giải Mai Vàng của Báo Người Lao Động 2007. Vở Tình yêu và trộm cắp của anh đang trên sàn tập chắc chắn cũng sẽ thu hút khán giả. Từ thành công với vở Sâm đắng sâm ngọt, Thái Hòa mạnh dạn dàn dựng tiếp vở kịch dài vui nhộn với nhiều tình tiết bất ngờ Sự lừa dối đáng yêu, đặc biệt Người vợ ma đã diễn trên 200 suất mà vẫn còn “cháy vé”. Vở Quả tim máu của anh ra mắt trong thời gian vừa qua cũng tạo nên cơn sốt vé không thua kém gì Người vợ ma. Diễn viên kịch Vũ Đình Toàn may mắn dược NSƯT Trần Ngọc Giàu mời về dàn dựng vở Người và dã thú trên Sân khấu Nhà hát kịch thành phố được khán giả yêu thích. Thừa thắng xông lên, anh dựng tiếp vở kịch thiếu nhi Chú mèo đi hia cho Sân khấu IDECAF. Sau đó là Chuyện thần tiên xứ Phù TangCon gái nàng tiên cá công diễn tại Nhà hát Bến Thành được các em thiếu nhi đón nhận nồng nhiệt. “Nếu có kịch bản ưng ý, tôi sẽ tiếp tục dựng” – anh cho biết như thế.
Trong mắt đồng nghiệp
Diễn viên làm công tác đạo diễn không phải để “chỉ đạo” người khác mà tạo cơ hội cho họ tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn trong diễn xuất. Và cũng phải công nhận một điều, những diễn viên “dấn thân” làm đạo diễn đều là những diễn viên giỏi, có tinh thần cầu tiến, nếu không làm sao các diễn viên khác “phục” được. Mà đã không “phục” thì khó lòng mà đảm nhận vai trò đạo diễn được lâu dài.
Ông Huỳnh Minh Nhị – Giám đốc Nhà hát Kịch 5B cho biết: “Việc diễn viên làm công tác đạo diễn là rất đáng khích lệ. Nhiều nghệ sĩ bước vào vai trò này rất thành công như Thành Lộc, Thanh Thủy, Thành Hội, Hữu Nghĩa… Đó là những diễn viên có tài, kịch bản do họ dàn dựng là tôi hoàn toàn yên tâm cũng giống như khi họ diễn trên sân khấu. Diễn viên làm đạo diễn có sự thuận lợi là “đo” được cảm xúc của từng nhân vật, bởi họ đã có kinh nghiệm trong quá trình diễn xuất. Tuy nhiên, họ cũng gặp nhiều áp lực trước sự thành công hay thất bại của vở diễn đứng tên mình hơn là vai diễn do mình biểu diễn. Tôi cũng đánh giá cao tay nghề đạo diễn của các đạo diễn trẻ Đức Thịnh, Thái Hòa, Hữu Lộc… họ khiến tôi yên tâm hơn về một lớp đạo diễn trẻ kế thừa…”. Còn đạo diễn Công Ninh thì nói: “Những diễn viên tài năng có nhiều kinh nghiệm diễn xuất nên đảm nhận vai trò đạo diễn thì không cần phải bàn. Điều tôi muốn nói là sự đam mê học hỏi sáng tạo của một lớp diễn viên trẻ vừa khẳng định được mình trong công tác đạo diễn thời gian qua là rất đáng biểu dương. Tôi mong rằng các nhà quản lý sân khấu tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các em tiếp tục phát huy vai trò của mình và tôi nhắn nhủ một điều là các em đừng ngủ quên trong chiến thắng…”. Diễn viên Việt Hương chia sẻ: “Trong lĩnh vực kịch nói, tôi không bao giờ có sự phân biệt đạo diễn có tên tuổi hay không tên tuổi bởi ai cũng có cái hay riêng. Làm việc với những diễn viên đạo diễn có nghề như chị Hồng Vân, anh Minh Hoàng, Hữu Nghĩa tôi học hỏi được những món nghề điêu luyện mà các anh chị truyền cho tôi cũng như khả năng ứng biến và nuôi cảm xúc nhân vật”.
HIỆP THANH

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)