Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Dùng hàng Việt: “Quả bóng đang ở chân doanh nghiệp!”

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Ngô Trọng Thanh, Giám đốc Công ty Tư vấn phát triển thị trường Mancom.

Chương trình "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt" cần chọn đúng đối tượng làm xuất phát điểm để có thể đạt được mục đích.
Quan điểm trên được ông Ngô Trọng Thanh, Giám đốc Công ty Tư vấn phát triển thị trường Mancom đưa ra, khi trao đổi với VnEconomy về chương trình vừa được Bộ Chính trị chỉ đạo triển khai.
Ông nói:
– Mục đích của chương trình “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” về cơ bản là rất hay, bởi không có gì lý tưởng hơn khi mình được dùng hàng của chính đất nước mình sản xuất mà chất lượng lại rất đảm bảo.
Tuy nhiên, giữa mục đích và phương thức triển khai là hai điều hoàn toàn khác nhau. Nếu chúng ta chỉ tập trung “hô hào” người Việt dùng hàng Việt thì đó là chúng ta đang tiến hành một quy trình ngược.
Lẽ ra, chúng ta phải đặt ra xuất phát điểm là phải làm sao để doanh nghiệp Việt sản xuất được sản phẩm mà người Việt tin dùng.
Vì sao các doanh nghiệp Mỹ lại thường "trội" hơn các doanh nghiệp của các nước khác trong việc chiếm lĩnh thị trường thế giới, bởi doanh nghiệp Mỹ có một thị trường tiêu thụ nội địa rộng lớn với hơn 350 triệu dân.
Không một doanh nghiệp nào thành công ở thị trường quốc tế mà lại không thành công ở thị trường nội địa, tức thị trường nội địa phải là bàn đạp cho doanh nghiệp tiến ra thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, để doanh nghiệp Việt “tấn công” được vào các thị trường Âu, Á, Mỹ…, trước hết phải làm tốt trên thị trường nội địa, sau đó mới tính đến chuyện kinh doanh trên thị trường quốc tế.
Phải bắt đầu từ doanh nghiệp

Có nghĩa là theo ông, mục tiêu đặt ra sẽ gặp nhiều khó khăn vì chưa “bấm trúng huyệt”?

Tôi cho rằng, chương trình này có phần thiên về mệnh lệnh hành chính, nên cũng có thể hiệu quả đối với chi tiêu công.
Tuy nhiên, gốc rễ của vấn đề phải là chi tiêu của hộ gia đình, của toàn xã hội. Do vậy, tôi có phần nghi ngờ về hiệu quả của chương trình bởi chúng ta chọn xuất phát điểm dường như chưa hợp lý. Lẽ ra, chúng ta phải bắt đầu từ doanh nghiệp, bởi đó mới chính là đối tượng tạo nên lòng tin từ người tiêu dùng.
Do đó, thay vì kêu gọi người Việt ưu tiên dùng hàng Việt thì chúng ta có thể tập trung vào khâu quản lý chất lượng để làm sao sản phẩm làm ra đúng với những gì họ đã đăng ký và quảng cáo.
Bên cạnh đó, cần phải tìm cách nâng cao vị thế người tiêu dùng vì thực tế họ đang bị đơn độc, mặc dù việc bảo vệ người tiêu dùng bằng thông tin đang dần được phát huy.
Ông nghĩ sao về tâm lý “sính ngoại” vẫn đang đeo bám nhiều người tiêu dùng?

Nói một cách công bằng, chuyện "sính ngoại" không chỉ xảy ra với thị trường nội địa của chúng ta. Tuy nhiên, ở nhiều nước phát triển, người tiêu dùng nhìn chung sính những thương hiệu nổi tiếng, thay vì nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.
Chúng ta vẫn biết về lòng tự tôn dân tộc của người Nhật Bản, nhưng cần biết có tới 40% phụ nữ Nhật Bản sở hữu ít nhất một sản phẩm của Luis Vuitton.
Như vậy, phải chăng một phần nguyên nhân "sính ngoại" của người tiêu dùng Việt là do họ "sính" những thương hiệu lớn của nước ngoài?
Bên cạnh đó, chúng ta phải tự hỏi tại sao người Việt hiện vẫn chưa đặt nhiều tin tưởng vào hàng Việt. Đó là vì họ đã bị lừa dối quá lâu bởi cung cách làm ăn chụp giật, tư duy bán hàng tiểu nông, lừa dối khách hàng của không ít doanh nghiệp Việt.
Tất nhiên, trong hơn 20 năm mở cửa nền kinh tế, cũng có rất nhiều doanh nghiệp Việt thành danh. Nhưng nếu để ý sẽ thấy, trong số họ không có doanh nghiệp nào mà không biết giữ chữ tín. Kết quả khảo sát của một tập đoàn nước ngoài hồi năm ngoái cũng cho thấy, có đến 70% người Việt chuộng hàng ngoại, và là nước có tỷ lệ chuộng hàng ngoại thuộc hàng cao nhất thế giới. Đây là một con số báo động cho doanh nghiệp Việt.
Khi hàng nội chưa tạo được lòng tin trong người tiêu dùng thì chúng ta không thể cổ súy người Việt dùng người Việt.
Trong khi đó, nếu hàng Việt vừa rẻ vừa tốt thì chúng ta cũng không cần phải kêu gọi dùng hàng Việt. Chúng ta đâu có cần phải kêu gọi dùng bánh Kinh Đô, cà phê Trung Nguyên, nội thất Hòa Phát…, mà người tiêu dùng vẫn tự tìm đến.
Tuy nhiên, đáng tiếc là trong số hơn 280 nghìn doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động, thì số thương hiệu ở lại được trong lòng người tiêu dùng là quá ít.
Khách hàng phải được tôn trọng

Ông có thể nói thêm về nguyên nhân khiến hàng Việt chưa tạo được nhiều niềm tin với người tiêu dùng?
Chúng ta thử đặt câu hỏi, tại sao hàng của Nhật Bản, Hàn Quốc được người tiêu dùng của họ chấp nhận. Vì các doanh nghiệp của họ cũng tuyên bố: hàng hóa tiêu chuẩn cao nhất sẽ dành cho thị trường nội địa. Ở Nhật Bản, những phát kiến mới nhất của hãng xe Toyota cũng đều được dành cho người tiêu dùng trong nước tối thiểu là 3 năm, sau đó mới tính chuyện xuất sang các thị trường khác.
Điều này cho thấy, doanh nghiệp của họ luôn tôn trọng chữ tín, tri ân khách hàng nội địa.
Nhưng, nếu điều này đem áp dụng đối với Việt Nam thì lại là một điều không tưởng, bởi sức tiêu dùng của người Việt là quá thấp so với nhiều nước trên thế giới.
Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể đòi hỏi những gì tốt nhất so với cam kết của doanh nghiệp. Nhưng đáng tiếc là hiện nay vẫn còn không ít doanh nghiệp Việt vẫn cố ý lừa gạt người tiêu dùng từ cách đặt tên sản phẩm, lập lờ trong công bố xuất xứ hàng hóa…
Chính điều đó đang gặm nhấm dần uy tín của doanh nghiệp Việt và cũng khiến cho người tiêu dùng đánh mất lòng tin với sản phẩm nội. Nếu không mang lại giá trị thật thì đừng bao giờ lấy được của khách hàng dù chỉ là một xu.
Thực tế thì tỷ lệ người dân dùng hàng ngoại cao cấp hay hàng giả hàng nhái vẫn chiếm khá cao. Theo ông, họ là thủ phạm hay là bị hại của thực tế này?

Người tiêu dùng luôn thông minh với túi tiền của họ. Họ luôn có trách nhiệm với từng đồng tiền và họ biết đâu là sản phẩm phù hợp với túi tiền của họ. Tôi cho rằng, người tiêu dùng luôn luôn đúng khi quyết định mua một sản phẩm nào đó.
Tuy nhiên, thực tế lại đang tồn tại một sự bất đối xứng thông tin trên thị trường. Đó là người bán luôn có nhiều thông tin hơn so với người mua nên thường đặt người tiêu dùng vào thế bị động. Do vậy, cũng có thể xem phần lớn người tiêu dùng hiện nay đang là nạn nhân của chính sự bất đối xứng thông tin đó.
Ông nghĩ sao khi nhiều người tiêu dùng cho rằng, họ chọn hàng nội chỉ vì muốn ủng hộ doanh nghiệp Việt?

Đúng! Tôi được biết, cuộc khảo sát đang diễn trên VnEconomy với hàng nghìn ý kiến tham gia, thật ngạc nhiên khi có 47% người cho rằng ủng hộ doanh nghiệp Việt là nguyên nhân quan trọng nhất khi họ chọn hàng Việt. Tỷ lệ này bỏ xa nguyên nhân quan trọng thứ hai là giá thành hợp lý (25%).
Tuy nhiên, một vấn đề chúng ta cần thống nhất: thế nào là hàng Việt? Hàng chỉ do các doanh nghiệp Việt sản xuất, hay bao gồm cả các doanh nghiệp nước ngoài sản xuất tại Việt Nam?
Kết quả cuộc khảo sát thực sự là một nguồn khích lệ rất lớn với doanh nghiệp. Mỗi sản phẩm, mỗi thương hiệu cần một thời gian dài để chiếm được khối óc của người tiêu dùng, nhưng cần một thời gian rất, rất dài để chiếm được trái tim của họ. Với sự ủng hộ này, ít nhất về mặt cảm xúc, quả thực mỗi doanh nghiệp Việt đã có một điểm tựa mạnh mẽ từ 86 triệu người tiêu dùng nội địa.
Và như vậy, chúng ta có thể khẳng định, để chương trình thành công, quả bóng đang ở chân doanh nghiệp!
Theo VnE

Bình luận (0)