Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Bánh trung thu thương hiệu lên ngôi

Tạp Chí Giáo Dục

Mặc dù từ giữa tháng 7 âm lịch bánh trung thu đã xuất hiện trên thị trường, nhưng đến thời điểm này thị trường bánh trung thu mới bước vào mùa cao điểm. Các điểm bán bánh như Kinh Đô, Đại Phát, Như Lan… tấp nập khách mua.

Chọn mua bánh trung thu Như Lan trên đường Hàm Nghi, Q.1, TP.HCM chiều 10-9. Ảnh: T.T.D. (Tuổi Trẻ).

Trong khi đó, các xưởng sản xuất tăng hết công suất nhằm đáp ứng các đơn đặt hàng dồn dập. Chất lượng bánh trung thu là mối quan tâm nhất của người tiêu dùng, sau đó mới đến giá cả, mẫu mã.

An toàn rồi mới đến giá cả
Ông Phan Văn Thiện, phó tổng giám đốc Bibica, cho biết đã có sự thay đổi rõ ràng trong cách mua sắm của người dân mùa trung thu năm nay. Khách chỉ đến mua tại các điểm bán lớn, cửa hàng có thương hiệu rõ ràng, những điểm bán mang tính thời vụ luôn trong tình trạng vắng khách, người bán đông hơn người mua.
Bánh trung thu tươi của các cơ sở bánh Givral, Như Lan có hạn sử dụng 15-20 ngày khá được ưa thích. Với giá dao động 60.000-80.000 đồng/bánh 250-300g, giá của các thương hiệu này tuy nhỉnh so với mặt bằng chung nhưng khách mua khá đông.
Thông tin về chất lượng bánh trung thu nhái, bánh “ba không” (không hạn sử dụng, không thương hiệu, không địa chỉ sản xuất) xuất hiện nhan nhản từ đầu mùa khiến người tiêu dùng khá thận trọng trong việc chọn thương hiệu cũng như nơi mua. Ngay cả nhiều điểm bán ở khu vực trung tâm TP.HCM treo bảng của những thương hiệu nổi tiếng nhưng thực chất bán lẫn lộn bánh của các cơ sở nhỏ, bánh kém chất lượng.
Các đơn đặt hàng của xí nghiệp, công ty, tập thể cũng tìm đến công ty sản xuất để đặt mua trực tiếp chứ không còn mặn mà mua qua đại lý. Thống kê của các doanh nghiệp cho thấy lượng đặt hàng trực tiếp tăng 10-20%, trong khi điểm bán phân phối không tăng hoặc giảm mạnh.
Bà Cẩm Bình, phụ trách kinh doanh Công ty Đại Phát, cho biết để kiểm soát chất lượng cũng như đảm bảo uy tín với khách hàng, những tiệm bánh có thương hiệu không bày bán đại trà mà tổ chức hệ thống quy củ. Ngoài hệ thống cửa hàng riêng, nhiều thương hiệu chọn phương án dựng điểm bán trong các siêu thị.
Chất lượng tăng theo giá
Theo các doanh nghiệp, thị trường bánh trung thu năm nay vào mùa khá chậm, sức mua chỉ tăng rõ rệt trước đêm rằm hai tuần. Hiện nay để đáp ứng nhu cầu tăng cao của thị trường, các cơ sở, nhà máy sản xuất bánh trung thu phải tăng tốc 100% công suất dù đối mặt với giá nguyên liệu đầu vào tăng. Giá bánh trung thu đã tăng ít nhất 10%, một số thương hiệu tăng đến 20%.
Hiện bánh của các thương hiệu có tiếng dao động 50.000-90.000 đồng/cái tùy theo nhân. Những loại nhân truyền thống như nhân đậu xanh, nhân hạt sen, các loại nhân được cho là cao cấp như bào ngư, vi cá cũng được nhiều người chọn mua với giá 100.000-120.000 đồng/cái. Ngoài nhu cầu thưởng thức, biếu tặng, các cơ sở bánh năm nay đặc biệt hướng đến người tiêu dùng ăn chay, ăn kiêng và những khách hàng ưa thích vị bánh thanh đạm…
Bên cạnh hương vị truyền thống quen thuộc, một số cơ sở sản xuất đã tìm kiếm những hương vị lạ nhằm tạo sự phong phú cho sản phẩm. Như Công ty bánh Đại Phát tung ra loại bánh đậu xanh tuyết ít ngọt, nhân bên trong với hương thơm trái cây tươi như sầu riêng, dâu…, cơ sở Thành Long với ưu thế dòng bánh chay nhân làm từ hoa, thảo mộc có hương vị đặc trưng.
Tuy nhiên theo giới kinh doanh, yếu tố quyết định đến giá bánh, đặc biệt là dòng cao cấp, không phải chất lượng mà chính là bao bì sản phẩm. Ông Thiện cho biết 80% sản lượng bánh phục vụ cho mục đích biếu tặng, vì vậy mẫu mã, bao bì luôn được nhà sản xuất chăm chút.
Thận trọng với bánh trung thu giá bèo
Xen lẫn những thương hiệu bánh lâu năm, thị trường xuất hiện nhiều loại bánh trung thu không nhãn mác của những cơ sở “ma”, địa chỉ mập mờ… bày bán la liệt trên những xe tải nhỏ, xe đẩy, sạp “chạy” có giá chỉ bằng giá một ổ bánh mì lề đường.

Chúng tôi đặt vấn đề cần mua bánh với số lượng lớn để tặng công nhân dịp trung thu này với Quân, người bán thuê cho một cơ sở bánh trung thu không bao bì tại một xe tải nhỏ đậu trên xa lộ Đại Hàn (TP.HCM). Quân kỳ kèo: “Nếu lấy cả trăm hộp tui mới giới thiệu mấy ông trực tiếp bà chủ để mấy ông được hưởng mức hoa hồng hậu hĩnh. Nhưng cho xin ít tiền “trà đá” nhé!”.

Quân đá lông nheo rồi móc điện thoại đọc số của bà chủ. Bà U., tự giới thiệu là chủ cơ sở bánh trung thu ở tận An Giang, tiếp thị: “Cơ sở chúng tôi cung cấp sỉ lẻ cho nhiều xe, sạp trên TP mấy năm nay rồi, cậu yên tâm… Chúng tôi có rất nhiều loại bánh cực rẻ, loại này chỉ đậu xanh và bột, không bao bì, giá từ 2.000 đồng/cái”.
Những loại bánh trung thu giá rẻ bày bán trên các xe tải nhỏ dọc hai bên quốc lộ 22 và đường Huỳnh Tấn Phát, Q.7 hầu hết đều có thương hiệu mới toanh, rất lạ lẫm với người tiêu dùng hoặc chẳng có thương hiệu, chỉ in chung chung của cơ sở nào đó sản xuất như bánh của cơ sở HH, TH…
Bánh của cơ sở SL được bán với giá 10.000 đồng/cái trên bao bì in rõ thập cẩm 1/4 trứng, khi cắt bánh ra chúng tôi tìm mãi chẳng thấy trứng đâu. Loại bánh cấp thấp hơn có giá 5.000 đồng/cái của hai cơ sở HH và TH không in thương hiệu rõ ràng, địa chỉ và số điện thoại liên lạc đều được in trong một tờ giấy nhỏ photo rồi nhét trong bao bì cùng với bánh.
Trên bao bì, chiếc nào cũng in đậm và to dòng chữ cảnh báo người tiêu dùng: “Chú ý: Trong bao có chứa gói hút ẩm. Không được ăn” và thời hạn sử dụng bánh đến một tháng. Nhưng tìm mãi trên bao bì mới thấy dòng ghi hạn sử dụng đã nhòe nhoẹt, không rõ ngày tháng sản xuất và hết hạn cả hai loại bánh của các cơ sở trên.
Các loại bánh giá rẻ này sau khi được khoác hộp giấy là có thể trở thành hộp bánh bắt mắt người mua. Một số chủ sạp bán bánh trung thu khác ở chợ Bình Tây cho biết muốn mua bao nhiêu bánh, giá cả chất lượng kiểu nào cũng có nhưng phải đợi vài ngày nữa vì hàng tại các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ mới tuồn ra thị trường.
Theo Tuổi Trẻ

Bình luận (0)