Thứ nhất, không phải tất cả các khoản tín dụng từ phía ngân hàng được Nhà nước hỗ trợ lãi suất đều đến được đúng đối tượng doanh nghiệp cần vay. Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp đáng được vay lại không vay được, trong số đó các doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu nhiều thiệt thòi nhất.
Ngược lại, các tổng công ty nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân có máu mặt – những doanh nghiệp có vốn lớn – lại là những đối tượng được vay ưu đãi nhiều nhất, trong đó có cả các khoản vay không phù hợp với các điều kiện được quy định trong quyết định số 131//QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và thông tư số 02/2009/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.
Qua kiểm tra, số tiền lãi hỗ trợ lãi suất phải truy thu từ những doanh nghiệp này lên đến hàng chục tỉ đồng.
Thứ hai, dù cho những quy định về điều kiện cho vay ưu đãi khá nghiêm ngặt vì các khoản hỗ trợ lãi suất là kinh phí từ ngân sách, đã xảy ra không ít hiện tượng lợi dụng mức lãi suất hỗ trợ thấp để trục lợi bằng cách vận động để được vay ưu đãi với lãi suất thấp và cho vay lại hay gửi tiền tại ngân hàng thương mại với lãi suất cao hơn để hưởng chênh lệch.
Điều này đặc biệt trong tình hình các ngân hàng thương mại thiếu thanh khoản nghiêm trọng và phải huy động nguồn tiền gửi với lãi suất cao như cuối năm 2009 và đầu năm 2010.
Báo cáo kiểm tra cho thấy một số tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước tranh thủ dễ dàng các khoản tín dụng được hỗ trợ lãi suất tại các ngân hàng thương mại rồi dùng nguồn tiền đó cho các doanh nghiệp khác vay lại với lãi suất cao hơn.
Một tổng công ty may đã vay từ một ngân hàng thương mại rồi cho các công ty khác vay lại hoặc gửi tiền có kỳ hạn ở một ngân hàng khác, hưởng mức chênh lệch lãi suất từ 7 – 12%/năm.
Thứ ba, việc doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn cho vay hỗ trợ lãi suất không đúng mục đích là khá phổ biến. Tại hầu hết các ngân hàng thương mại được kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện nhiều khoản vay hỗ trợ lãi suất tại một số tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước và cả doanh nghiệp tư nhân đã bị sử dụng sai mục đích hoặc không đủ giấy tờ hợp lệ để được giải ngân.
Mặt khác, các dạng sai phạm trong việc sử dụng vốn vay hỗ trợ lãi suất ngắn hạn được mô tả là muôn hình muôn vẻ. Tại một ngân hàng thương mại cổ phần, việc kiểm tra cho thấy có nhiều dạng sai phạm khác nhau.
Ví dụ như thực hiện hỗ trợ lãi suất quá thời gian sử dụng vốn vay thực tế với số tiền hỗ trợ lãi suất không đúng quy định gần 21 tỉ đồng, hoặc hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay nói là để thanh toán mua hàng hóa nhưng thực tế không có hoạt động mua bán nào cả.
Cuối cùng, một nhược điểm cũng cần được nói đến là tuy việc hỗ trợ lãi suất sử dụng nguồn tiền từ ngân sách nhà nước, nhưng cơ chế giám sát, kiểm tra việc sử dụng nguồn tiền hỗ trợ còn lỏng lẻo và có nhiều bất cập.
Có thể vì đây là một chủ trương chưa có tiền lệ, hoặc vì việc triển khai gói kích cầu chống khủng hoảng quá gấp rút giống như các nỗ lực cứu hộ khẩn cấp nhằm khắc phục hậu quả của bão lụt, hoặc vì các nhà hoạch định chính sách chưa “bao quát hết tất cả những trường hợp cho vay, xử lý hết các vấn đề phức tạp trong thực tiễn cho vay của các tổ chức tín dụng”.
Dù sao đi nữa, đã xảy ra các hệ quả đáng buồn của một chương trình chống khủng hoảng kinh tế từng được đánh giá là nhanh chóng, tích cực và kịp thời.
Và tuy rằng các hệ quả này chỉ mới được ghi nhận từ việc kiểm tra tại năm ngân hàng thương mại cổ phần, số tiền hỗ trợ lãi suất không đúng phải truy thu đã lên đến vài chục tỉ đồng.
Câu hỏi đặt ra là nếu thực hiện việc thanh tra, kiểm toán toàn bộ các ngân hàng, tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp tham gia với tổng kinh phí để hỗ trợ lãi suất cho vay ngắn hạn là 17.000 tỉ đồng và tổng số khoản vay thực tế đã được hỗ trợ năm 2009 là trên 400.000 tỉ đồng, thì số tiền mà ngân sách đã bỏ ra để hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay không đúng quy định sẽ là bao nhiêu?
Ông Ngô Văn Khánh, Vụ trưởng Vụ thanh tra khối nội chính và kinh tế tổng hợp đã nhận xét rằng tuy hầu hết các ngân hàng được kiểm tra đều có phát hiện sai phạm, song “các sai phạm so với tỷ trọng số tiền hỗ trợ cho doanh nghiệp không đáng kể và không quá nghiêm trọng”, và “cần chia sẻ với các ngân hàng thương mại do thực hiện nhiệm vụ chính trị Nhà nước giao”.
Nhưng một số chuyên gia tài chính ngân sách đã có một cái nhìn khác, khi cho rằng việc “đề ra chính sách cho vay để rồi lại mất nhiều thời gian, nguồn lực để thu hồi lại các khoản thất thoát như vậy không khác gì việc thả gà ra đuổi.
Tuy nhiên, để ngân sách không bị thất thoát, việc rà soát, kiểm tra, truy thu lại các khoản hỗ trợ lãi suất chi sai là việc vẫn phải làm. Và đây thực sự là bài học rất lớn cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách tài chính sau này.
Có mấy bài học rút ra qua chính sách này
Bài học đầu tiên: Lãi suất là một vấn đề thuộc chính sách tiền tệ, không phải vấn đề thuộc ngân sách.
Chương trình kích thích kinh tế qua tín dụng ngân hàng sẽ đơn giản hơn nhiều nếu phát huy đầy đủ chức năng của Ngân hàng Nhà nước trong vai trò người cho vay ở giai đoạn cuối kết hợp với việc hạ giảm sâu mức lãi suất cơ bản, điều mà ngân hàng trung ương các nước đã và đang làm trong thời kỳ suy thoái kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước lẽ ra đã phải hạ giảm mức lãi suất cơ bản vào đầu năm 2009 đến mức 4%/năm hoặc thấp hơn và sẵn sàng cho các ngân hàng thương mại vay lại với mức lãi suất này để họ có thể cấp tín dụng cho các doanh nghiệp cần vốn với mức lãi suất thấp tương ứng. Phương thức này không cần đến việc sử dụng 17 ngàn tỉ đồng từ ngân sách nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước có chức năng tạo ra tiền, do đó không cần được bù lỗ, còn các ngân hàng thương mại được sử dụng nguồn vốn lãi suất thấp từ Ngân hàng Nhà nước để cho các doanh nghiệp vay lại với lãi suất thấp cũng không cần được bù lỗ.
Phương thức này không tạo ra lạm phát trong tương lai vì các khoản vay này chỉ là tín dụng ngắn hạn nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh vượt qua suy thoái kinh tế trong năm 2009, được thu hồi vào cuối năm 2009 và đầu năm 2010.
Nếu chính sách lãi suất mang tính chất định hướng, việc kiểm tra mục đích sử dụng sẽ là việc trong tầm tay của hệ thống ngân hàng thương mại và của Ngân hàng Nhà nước. Điều quan trọng hơn, khi không có những điều kiện phức tạp liên quan đến cái gọi là tín dụng ưu đãi, sự phân biệt đối xử và tiêu cực sẽ ít xảy ra.
Bài học thứ hai, chúng ta cần thấy rằng khủng hoảng kinh tế, nhất là cuộc khủng hoảng mang tính chất toàn cầu vừa qua, là một cơn bão dữ mà mọi người, mọi doanh nghiệp bị đe dọa phải được bình đẳng trong việc hưởng quyền trú ẩn. Quyền trú ẩn không nên là đặc quyền của một nhóm lợi ích được ưu đãi.
Chính sách kinh tế chống khủng hoảng có thể chọn lựa lĩnh vực kinh tế ưu tiên để đạt hiệu quả cao trong nỗ lực giúp nền kinh tế vượt qua vũng lầy suy thoái, nhưng việc chọn lựa ưu tiên phải dựa trên hiệu quả của việc sung dụng các nguồn tài nguyên vì lợi ích của toàn nền kinh tế đất nước nhằm giúp mọi doanh nghiệp xứng đáng đều được tồn tại.
Việc chọn lựa ưu tiên không có nghĩa là quyết định trước những doanh nghiệp nào được sống và những doanh nghiệp nào phải chết.
Chính sách tiền tệ, mà trọng tâm là chính sách lãi suất, cần phải vừa là nơi trú ẩn bình đẳng của các doanh nghiệp trong cơn khủng hoảng, vừa là động lực lâu dài thúc đẩy sự sung dụng hiệu quả của các nguồn tài nguyên đất nước vì mục tiêu phát triển kinh tế bền vững và chất lượng cao.
Thứ ba, việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không thể giảm sâu mức lãi suất cơ bản ngay trong tình hình suy thoái kinh tế, cũng như hệ thống ngân hàng thương mại không thể định đoạt mức lãi suất kinh doanh tiền tệ theo tín hiệu thị trường và theo đánh giá rủi ro của riêng họ do bị hạn chế bởi một điều luật dân sự.
Đây là những trở ngại không nên có cho việc thực thi một chính sách tiền tệ hiệu quả nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong điều kiện bình thường hoặc đón đầu với suy thoái kinh tế trong điều kiện khủng hoảng.
Lãi suất cơ bản, một công cụ điều hành chính sách tiền tệ vĩ mô, không thể được sử dụng để tính toán và điều chỉnh các quan hệ vay mượn dân sự.
Khi nền kinh tế đất nước lâm vào suy thoái nghiêm trọng, mức lãi suất cơ bản có thể chỉ còn 0%, như nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã làm, thì làm sao có thể áp dụng mức lãi suất này để tính được việc cho vay nặng lãi trong quan hệ dân sự?
Kết quả tốt đẹp của gói kích cầu hỗ trợ lãi suất trong thời gian qua là một vấn đề không cần bàn cãi. Nhưng những bài học rút ra từ đó cũng đáng được quan tâm để có thể có những lựa chọn về chính sách, giải pháp, biện pháp kinh tế vĩ mô phù hợp hơn từ nay về
sau.
Cuối cùng, sử dụng đồng tiền ngân sách, cũng là sử dụng đồng tiền tiết kiệm máu thịt của người dân, là một việc cần phải được nghĩ đi nghĩ lại nhiều lần trước khi quyết định.
Bình luận (0)