Với 70% lợi nhuận từ cho vay, các ngân hàng luôn giữ chênh lệch lãi suất đầu vào với lãi suất đầu ra khoảng 3%, buộc người vay chấp nhận mức lãi suất tăng thêm khi thị trường có biến động.
Hàng loạt ngân hàng (NH) thu về từ vài trăm tỉ đồng đến hàng ngàn tỉ đồng tiền lãi. Còn các doanh nghiệp (DN) nhiều lĩnh vực khác lại rơi vào tình trạng khó khăn. Phải chăng các NH đang có nhiều lợi thế trong kinh doanh?
Nhờ lãi suất đầu vào thấp hơn lãi suất đầu ra 3% nên các ngân hàng luôn có lãi. Trong ảnh: Kiểm ngân tại Eximbank. Ảnh: HỒNG THÚY
Đua nhau công bố lợi nhuận
NH Xuất nhập khẩu VN (Eximbank) đặt chỉ tiêu lợi nhuận năm 2010 là 2.200 tỉ đồng. Đến giữa tháng 12-2010, Eximbank đã đạt gần 2.300 tỉ đồng lợi nhuận. NH Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng công bố lợi nhuận của 11 tháng năm 2010 là 2.192 tỉ đồng và sẽ vượt chỉ tiêu đã đặt ra 2.400 tỉ đồng. Phó Chủ tịch HĐQT NH Phát triển nhà TPHCM (HDBank) Lưu Đức Khánh cho biết HDBank đã vượt chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra là 300 tỉ đồng.
Ông Đỗ Hoàng Linh, Phó Tổng Giám đốc NH Đại Tín (TrustBank), cũng cho hay đến đầu tháng 12-2010, TrustBank thu về hơn 200 tỉ đồng tiền lãi. Lợi nhuận trước thuế 11 tháng năm 2010 của NH Đại Dương cũng đạt 682 tỉ đồng, đạt 130% kế hoạch năm 2010. NH Quân đội, An Bình, Nhà Hà Nội… cũng đã công bố sẽ hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận.
Theo các NH, chỉ tiêu lợi nhuận đã đặt ra từ đầu năm 2010 hoặc có điều chỉnh vào giữa năm 2010 là những con số thấp nhất. Đó là cam kết mà NH phải hoàn thành, làm cơ sở cho cổ đông đánh giá tính ổn định và hiệu quả kinh doanh.
Tạo ưu thế cho vay có lãi
Dư luận cho rằng năm 2010 Nhà nước thắt chặt chính sách tiền tệ, siết chặt hoạt động kinh doanh vàng, chênh lệch giữa lãi suất cho vay với lãi suất huy động ngày càng hẹp, DN dè dặt vay tiền vì lãi suất cao… nhưng tại sao các NH vẫn thắng lớn?
Thực tế cho thấy với 70% lợi nhuận từ cho vay nên các NH luôn giữ chênh lệch lãi suất đầu vào với lãi suất đầu ra khoảng 3%, tạo ưu thế kinh doanh luôn có lãi. Trong khi đó, có đến 80% người vay phải có tài sản thế chấp có giá trị cao hơn nhiều so với số tiền được vay. Ví dụ, tài sản thế chấp là căn nhà có giá thị trường 1 tỉ đồng, NH chỉ định giá căn nhà đó 700 triệu đồng và cho vay 70%, tính ra bên vay chỉ vay được 490 triệu đồng, tương đương 50% giá trị thực căn nhà. Điều này tạo lợi thế cho NH kinh doanh không thể thua lỗ. Mặt khác, NH luôn buộc người vay phải chịu thêm các khoản phí, cam kết chấp nhận mức lãi suất tăng thêm khi thị trường có biến động nhằm bảo đảm lợi nhuận.
Chớp thời cơ kinh doanh
Đặc biệt, các NH thường đón đầu những thông tin về lãi suất cơ bản, lãi suất thế chấp các loại giấy tờ có giá để vay vốn từ NH Nhà nước (thị trường mở) nhằm chiếm ưu thế về phân bổ dòng tiền, mang lại lợi nhuận tức thời. Đơn cử, khi NH Nhà nước bơm tiền qua thị trường mở, một số NH lớn nhanh tay thế chấp trái phiếu Chính phủ để vay vốn của NH Nhà nước với lãi suất 7%-9%/năm rồi cho NH nhỏ vay lại với lãi suất 10%-30%/năm. Trong khi đó, các nguồn vay ngoại tệ lãi suất thấp, thanh toán xuất nhập khẩu, tiền thu chi ngân sách, tiền lương… đều được ưu tiên cho các NH có tên tuổi. Đây chính là nguồn vốn giá rẻ làm tăng khả năng thanh khoản, giảm chi phí đầu vào, phần nào lý giải vì sao các NH lớn đều vượt chỉ tiêu lợi nhuận.
Ngoài ra, các NH không phải gánh chịu chi phí khi thị trường ngoại tệ liên tục biến động. Ví dụ, DN có nhu cầu mua ngoại tệ, NH sẽ tìm mua USD của các đơn vị xuất khẩu, dịch vụ… rồi bán lại cho DN vì chỉ có NH mới cung cấp chứng từ hợp pháp về mua, bán USD. Trường hợp DN mua USD bên ngoài rồi nộp vào tài khoản, NH cũng tăng thêm nguồn thu khi hợp thức hóa số ngoại tệ đó cho DN. Như vậy, tỉ giá giao dịch thực tế sẽ do NH quyết định. DN luôn gánh chịu chi phí phần chênh lệch tỉ giá…
Nhiều ý kiến cho rằng nhờ một số lợi thế nhất định mà các NH có được lợi nhuận cao. Việc các NH công bố lãi lớn tạo nên suy nghĩ về sự bất bình đẳng trong kinh doanh giữa các loại hình DN. Nên chăng Nhà nước cụ thể hóa hợp đồng vay vốn bình đẳng hơn giữa người cho vay và người vay?
Năm 2011, dồn vốn cho sản xuất
Mới đây, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành NH năm 2011, Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2011 của toàn hệ thống là 23%. Mức tăng trưởng tín dụng của từng NH sẽ được xem xét cụ thể tùy vào quy mô và chất lượng hoạt động của mỗi NH. Mục tiêu tín dụng tập trung vào khu vực sản xuất, dừng và giảm dần tăng tín dụng trong lĩnh vực phi sản xuất.
Một số chuyên gia tài chính cho rằng mức tăng trưởng tín dụng 23% là hợp lý bởi nếu dưới 23% sẽ không bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7%-7,5%. Vấn đề là NH nâng cao chất lượng tín dụng chứ không phải con số tăng trưởng tín dụng.
|
Thy Thơ/ NLĐ
Bình luận (0)