Song nếu nhìn tường tận vào tổng tài sản mà các NH đang có, con số lợi nhuận có thể sẽ được đánh giá dưới góc độ khác.
Lợi nhuận nghìn tỉ
Trong số hàng chục các ngân hàng thương mại (NHTM) vừa công bố kết quả kinh doanh đến hết quý II vừa qua, số các ngân hàng có lợi nhuận từ trên 1.000 tỉ đồng trở nên không phải là nhỏ. Cho đến ngày 28.7, báo cáo tài chính của các NH cho thấy, có đến ít nhất 6 NHTM lớn bao gồm Vietinbank, Vietcombank, ACB, Eximbank, Sacombank và Techcombank đạt con số lợi nhuận trước thuế từ 1.490 tỉ đồng đến cao nhất hơn 3.619 tỉ đồng. Vietinbank gây ấn tượng mạnh với việc đạt lợi nhuận trước thuế tới 2.590 tỉ đồng chỉ trong quý II/2011, nâng lợi nhuận lũy kế sáu tháng lên con số 3.619,4 tỉ đồng (71% kế hoạch năm).
Trong khi đó, dù phải chi dự phòng rủi ro 587 tỉ đồng, VCB vẫn đưa con số lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng lên 3.030 tỉ đồng (tăng 8,2% so với cùng kỳ). Còn tại Techcombank, dù chỉ đạt 40% kế hoạch năm, tổng lợi nhuận trước thuế của NH này vẫn đạt 1.500 tỉ đồng. TGĐ Techcombank – ông Nguyễn Đức Vinh nhìn nhận kết quả này thấp hơn dự kiến kỳ vọng, song trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, việc duy trì được tốc độ tăng trưởng huy động khu vực dân cư và các tổ chức kinh tế luôn ở mức 12% là một nỗ lực lớn của NH. Cũng trong nhóm này, Eximbank gây chú ý lớn với việc đạt tổng lợi nhuận trước thuế lũy kế 6 tháng 1.690 tỉ đồng, tăng 85,5% so với cùng kỳ. Tương tự tại ACB, các con số tương ứng lần lượt là 1.904,8 tỉ đồng và tăng 17% so với cùng kỳ.
Bên cạnh nhóm các NHTM lớn, số các NHTM cổ phần quy mô nhỏ đạt con số lợi nhuận từ vài trăm đến dưới 1.000 tỉ đồng cũng không phải là nhỏ. Và quan trọng hơn, so với mục tiêu được đưa ra từ đầu năm, một số lớn các NHTM nhóm này đều đạt trên 50% mục tiêu lợi nhuận cả năm hay xấp xỉ mức này. Ngay với một số NH nhỏ chỉ đạt 44-48% kế hoạch lợi nhuận năm như DaiABank hay WesternBank, con số lợi nhuận cũng không quá đáng buồn trong bối cảnh thắt chặt tín dụng nhằm kiểm soát lạm phạt như hiện nay.
Ăn trên lưng DN?
Kết quả kinh doanh khả quan của đa phần các NHTM có thể gây ra các nhận xét tiêu cực đặc biệt trong bối cảnh các DN sản xuất, các tập đoàn kinh tế thời gian gần đây liên tiếp kêu than vì trạng đói vốn, khó tiếp cận vốn vay do lãi suất cao. Một Cty chứng khoán có trụ sở tại HN còn đưa nhận định, nhiều ngân hàng vẫn duy trì mức tăng trưởng đáng kinh ngạc, đối lập với các chính sách tiền tệ tiếp tục bị thắt chặt hơn và tăng trưởng tín dụng bị hạn chế.
Tỉ lệ lợi nhuận trên vốn giảm (?)
Kết thúc năm 2010 với tổng tài sản đạt hơn 307,4 nghìn tỉ đồng, Vietcombank đạt con số lợi nhuận sau thuế 4.215 tỉ đồng. Các tỉ lệ ROA và ROE theo đó lần lượt đạt mức khá cao 1,5% và 22,5%. Tuy nhiên theo một số dự báo trong năm 2011, các tỉ lệ này có thể sẽ giảm xuống tương ứng còn 1,2% và 21,5%.
|
Điều này dường như cho thấy, những khó khăn vĩ mô và chính sách chỉ tác động lên các DN đi vay vốn chứ không tác động đến các NH cho vay. Nhận định trên cũng là dễ hiểu khi trong cơ cấu lợi nhuận của phần nhiều các NHTM hiện nay, nguồn thu từ lãi vay vẫn chiếm chủ yếu trong lúc các nguồn thu từ dịch vụ, đầu tư khác chỉ chiếm một tỉ trọng nhỏ, thậm chí phải đối mặt với tình trạng lỗ. Số liệu tăng trưởng thu nhập thuần từ lãi của một số đông các NH đạt rất cao so với cùng kỳ 2010, có NH đạt mức tăng tới 96% so với cùng kỳ, cho thấy các NH vẫn kiếm được lãi tốt trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Song đó là nhìn trên con số tuyệt đối của lợi nhuận mỗi ngân hàng. Nếu so với tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của các ngân hàng, các con số lợi nhuận trên đây có thể sẽ không thấm vào đâu so với tỉ suất lợi nhuận của một số nhóm ngành khác. Con số lợi nhuận trước thuế 3.030 tỉ đồng của Vietcombank sẽ là rất nhỏ nếu so với tổng tài sản gần 344,6 nghìn tỉ đồng tính đến cuối tháng 6.2011 của NH này. Tương tự tại ACB, con số này là 1.904 tỉ đồng so với tổng tài sản của toàn hệ thống lên tới gần 231 nghìn tỉ đồng.
Trong khi đó, tỉ lệ này (tỉ lệ lợi nhuận trên tổng tài sản – ROA) là một trong các chỉ số quan trọng nhất đánh giá hiệu quả kinh doanh của mỗi ngân hàng. Và thực tế theo nhiều đánh giá, chỉ số này tại các NHTM hiện nay chỉ vào khoảng 1%, trong khi tỉ lệ lợi nhuận ròng so với vốn chủ sở hữu (ROE) khoảng 10-11%. Một số nhận định cho rằng, ở nước đang phát triển mạnh như VN, chỉ số ROA quanh mức 1% là hơi thấp.
Nguồn LAO ĐỘNG
Bình luận (0)