Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Lao động mất việc sẽ bám vào “phao cứu sinh” nào?

Tạp Chí Giáo Dục

“Cả DN và người lao động đều đang ngồi trên cùng một con thuyền và phải hợp tác tích cực với nhau để đưa thuyền vượt qua những cơn sóng cả. Cắt giảm nhân lực chỉ là giải pháp cuối cùng đối với các chủ doanh nghiệp, vì thực tế không ai muốn để nguồn nhân lực đã thạo việc của mình ra đi” –  Nhận định của bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Giám đốc truyền thông và Phát triển doanh nghiệp của Vinagos Group, một công ty cung cấp giải pháp nhân sự và tuyển dụng tại Việt Nam.

Ít nhất đã có 50.000 lao động thất nghiệp

 Ông Đặng Quang Điều, Phó ban Chính sách xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: Theo báo cáo của liên đoàn lao động 11 tỉnh, thành phố báo lên lên Tổng liên đoàn, hiện nay đã có hơn 50.000 lao động thất nghiệp, trong đó TP.HCM, Quảng Ninh, Cần Thơ  mỗi tỉnh có 8.000 lao động thất nghiệp, Đồng Nai 7.000, Vĩnh Phúc 5.000, Hà Nội 4.600.

Đến thời điểm hiện tại, ít nhất trong cả nước đã có 50.000 lao động thất nghiệp.

Trước tình trạng LĐ thất nghiệp hàng loạt, Tổng liên đoàn đã chỉ đạo các liên đoàn lao động ở các địa phương, thông qua các nguồn thông tin khác nhau để tìm việc làm cho người lao động. Liên đoàn lao động ở các tỉnh, thành phố trực tiếp liên hệ với các DN đang có nhu cầu lao động, giới thiệu cho những lao động mất việc các DN cần lao động. Thậm chí, DN đó chỉ cần lao động trong 1 tuần, một tháng, miễn sao tạo được việc làm cho người lao động đỡ bớt khó khăn do không có việc làm.

Một giải pháp khác là sử dụng quỹ vay vốn giải quyết việc làm mà Tổng liên đoàn đang quản lý. Tới đây, Tổng liên đoàn sẽ yêu cầu các Liên đoàn lao động tỉnh, TP dùng số quỹ 63 tỷ đồng để cho người lao động mất việc làm vay, giải quyết việc làm. 


 Ông Đặng Quang Điều: "Cần tăng cường kiểm tra giám sát chấp hành pháp luật lao động để các DN không thể lợi dụng lúc khó khăn tùy tiện cho người lao động thôi việc, sa thải người lao động…".

Theo ông Điều, một điều đáng ghi nhận là trong thời gian qua, một số địa phương đã thành lập được quỹ hỗ trợ người lao động mất việc. Quỹ này do các nhà hảo tâm, các DN hỗ trợ.
Ở TP.HCM, nguồn quỹ này được thành lập và hỗ trợ cho các lao động thất nghiệp đang hết sức khó khăn như: Phụ nữ có thai, có con nhỏ bị mất việc; những người ốm đau mất việc… Mô hình này tới đây sẽ được nhân rộng trên các tỉnh, trong cả nước. 

Đối với những DN bỏ trốn không trả lương cho người lao động, không thanh toán bảo hiểm, trợ cấp thôi việc thì Tổng liên đoàn thông qua các liên đoàn địa phương giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. 

Về mặt lâu dài, hiện nay Tổng liên đoàn đã có văn bản kiến nghị với Chính phủ cần phải có biện pháp lâu dài để đảm bảo việc làm, đảm bảo quyền và lợi ích cho người lao động trong điều kiện khó khăn này.  

Bên cạnh đó, Tổng liên đoàn cũng đề nghị Chính phủ cần tăng cường kiểm tra giám sát việc chấp hành pháp luật lao động để các DN không thể lợi dụng lúc khó khăn thế này mà tùy tiện cho người lao động thôi việc. Đồng thời, giám sát các DN để làm sao DN không thể tẩu tán tài sản bỏ trốn.  

“DN đang như đê sắp vỡ trong cơn bão lũ” 

Ông Phùng Quang Huy, Giám đốc Văn phòng môi giới sử dụng lao động – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có cuộc trao đổi với VietNamNet về những khó khăn của DN và người lao động trong thời điểm hiện tại.

Ông Phùng Quang Huy: "Sa thải lao động của nhiều DN vào thời điểm này là điều “cực chẳng đã”

– Thưa ông, nhiều DN đang phải cắt giảm nhân lực gây ảnh hưởng đến đời sống của người lao động và sự tồn tại của DN. Vậy ông nhận định như thế nào về tình trạng này? 

– Việc phải giảm nhân lực, sa thải lao động của nhiều DN vào thời điểm này là điều “cực chẳng đã”, vì sa thải người lao động như thế sẽ khiến DN mất công đào tạo tay nghề, đến khi điều kiện trở lại bình thường thì DN lại phải tốn công sức đào tạo lại.
Ngoài ra, DN đã đầu tư nhiều thiết bị công nghệ nên nếu lao động không thể sản xuất theo kế hoạch thì DN cũng không có lợi. Có thể nói, DN đang "như cái đê sắp vỡ trong cơn bão lũ". 

Về tình trạng lao động thất nghiệp hàng loạt, cho thấy thực tế lao động Việt Nam mới chú trọng về số lượng chứ chưa chú trọng đến chất lượng nguồn lao động. Khi đầu ra bị thiếu, các đơn đặt hàng ít đi, thị trường vốn đầu tư bị thu hẹp lại đáng lẽ sự cứu cánh của chúng ta phải bằng cạnh tranh chất lượng nguồn nhân lực, nhưng chúng ta không dựa vào thế mạnh này, mà lại dựa vào lao động giá rẻ.  

Trong điều kiện nền kinh tế khó khăn hiện nay, chúng ta có thể vươn lên được bằng chất lượng nguồn nhân lực, nhất là khi cả nước có hơn 80 triệu dân với từ 14 đến 16 triệu lao động trong hơn 300 nghìn DN, nhưng lao động chúng ta lại chịu cảnh thất nghiệp. Đây là khó khăn, nhưng cũng là điều kiện để chúng ta nhìn nhận lại chiến lược Quốc gia về phát triển nguồn nhân lực.  

– Vậy theo ông, trong thời điểm khó khăn hiện tại, cần có giải pháp gì để khắc phục? 

– Trong bối cảnh hiện nay, phải cố gắng bằng nhiều biện pháp. Về mặt chính sách, Bảo hiểm thất nghiệp mà DN phải đóng (từ 1/1/2009), phí công đoàn 1% DN cũng phải đóng, nên nếu Chính phủ dừng lại cho DN một thời gian từ 3 đến 6 tháng thì các DN đang đứng trên bờ vực thẳm có thể có điều kiện để duy trì hoạt động của DN, để DN có thể tồn tại, đứng vững được. 

Nên kích cầu bằng mọi cách để cho các DN, nhất là các DN vừa và nhỏ không dừng hoạt động. Muốn vậy, Nhà nước nên thay thế DN hỗ trợ lại cho người lao động thông qua hình thức cho vay vốn. Bởi vì, việc dừng lương tối thiểu, nếu DN không trả được cũng ảnh hưởng đến người lao động. Nên chăng, Nhà nước cũng giúp một tay thông qua nguồn vốn kinh phí kích cầu cho vay ưu đãi để DN mượn vốn giải quyết vấn đề việc làm? 

Đứng về mặt vĩ mô, một DN phá sản thì sẽ có DN mới thay thế. Nhà nước nên có tác động khuyến khích ưu đãi với các DN mới thông qua nguồn vốn kinh phí kích cầu, để DN mới có thể tạo thêm việc làm cho người lao động, thu hút việc làm đối với những lao động đang thất nghiệp không có việc làm. 

Đối với người lao động, Nhà nước thông qua gói kích cầu hỗ trợ cho DN để DN mở các trung tâm đào tạo dạy nghề gần với chuyên môn của công việc công nhân đang làm. Mỗi tỉnh, đặc biệt là mỗi khu công nghiệp phải mở các khoá đào tạo ít nhất là từ 3 đến 5 ngày để CN sau khi mất việc làm có thể lo được việc làm khác cho mình.  

Tóm lại, phải có sự kết hợp, hợp tác giữa 3 bên: Chính phủ bỏ vốn kích cầu, DN phải chịu thiệt về mặt tiền lãi, còn người lao động cũng nên chia sẻ tiền lương, tiền thưởng với DN trong thời điểm khó khăn. 

– Theo ông việc thực hiện BHTN đúng vào thời kỳ có nhiều lao động thất nghiệp có gây khó khăn gì cho DN và người lao động? 

– BHTN sẽ có vai trò tích cực trong thị trường lao động Việt Nam, nó là cái mức để hoàn thiện thị trường. Về bản chất, nó không gây ra gánh nặng quá đáng đối với DN, mà thực ra còn có lợi với DN. Bởi vì, trước kia khi chưa đóng BHTN, để DN cho một người lao động thôi việc thì DN phải trả toàn bộ trợ cấp thất nghiệp, nhưng nay vì có BHTN thì trợ cấp cho người lao động thôi việc được hệ thống bảo hiểm toàn xã hội chi trả (Nhà nước hỗ trợ 1%, DN 1%, người lao động 1%).  

Tuy nhiên, trong thời điểm này, Nhà nước nên hỗ trợ bằng cách cho DN vay đóng BHTN, sau đó có điều kiện DN sẽ trả sau. Bởi vì, chỉ khi DN tồn tại, người lao động có việc làm thì BHTN mới được LĐ đóng và được hưởng nếu có tình trạng thất nghiệp xảy ra trong năm 2010. 

Phải cùng “chèo lái con thuyền”! 

Về vấn đề đưa ra pháp lý để giải quyết tình trạng lao động thất nghiệp, bà Nguyễn Thị Minh Tâm – Giám đốc Truyền thông và Phát triển doanh nghiệp, Navigos Group, Công ty cung cấp giải pháp nhân sự và tuyển dụng lao động hàng đầu ở Việt Nam cũng đã có cuộc trao đổi với PV VietNamNet: 


 Bà Nguyễn Thị Minh Tâm: "Cả DN và người lao động  đều đang ngồi trên cùng một con thuyền và phải hợp tác tích cực với nhau để đưa thuyền vượt qua những cơn sóng cả".

– Đánh giá chung của Navigos Group về tình trạng cắt giảm nhân lực hàng loạt của các doanh nghiệp ở Việt Nam?
– Dù báo chí và các phương tiện truyền thông liên tục thông tin về các đợt cắt giảm lao động trong thời gian gần đây, Việt Nam vẫn thiếu nhân lực có trình độ và tình hình này vẫn sẽ tiếp diễn trong năm 2009.
Khủng hoảng và suy thoái kinh tế đang diễn ra trên diện rộng, nhưng ở nhiều quốc gia phát triển khác, người ta không còn quá ngỡ ngàng với những biến động như vậy.
Còn với Việt Nam, chúng tôi cho rằng đây là dịp để các doanh nghiệp Việt cũng như người lao động Việt trưởng thành hơn.

Những doanh nghiệp nào biết ứng biến với tình hình sẽ có thể vượt ra khỏi khó khăn và thành công hơn sau khó khăn.                                                                                      
– Trong điều kiện kinh tế suy thoái hiện nay, theo bà các doanh nghiệp nên tiếp tục duy trì hay cắt giảm nhân công, và nếu cắt giảm thì thực hiện như thế nào để không ảnh hưởng nhiều đến người lao động?
– Đây là giai đoạn thử thách cho cả doanh nghiệp và nhân viên. Cả hai đều đang ngồi trên cùng một con thuyền và phải hợp tác tích cực với nhau để đưa thuyền vượt qua những cơn sóng cả. Cắt giảm nhân lực chỉ là giải pháp cuối cùng đối với các chủ doanh nghiệp, vì thực tế không ai muốn để nguồn nhân lực đã thạo việc của mình ra đi.
Trong bối cảnh kinh tế khó dự đoán như hiện nay, các công ty cần giải thích rõ cho mọi thành viên về các quyết định được đưa ra, dù đó là quyết định cắt giảm người. Và quan trọng hơn hết là phải đảm bảo các vấn đề về pháp lý khi giải quyết mọi việc.  

– Dự báo của Navigos Group về tình trạng LĐ thất nghiệp và giải pháp nào để giảm tình trạng lao động thất nghiệp năm 2009?

– Trong năm 2009 này, các công ty dù lớn dù nhỏ có thể sẽ trải qua quá trình tái cấu trúc nhằm tinh gọn bộ máy nhân sự để có thể vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn. Điều này đồng nghĩa với việc công ty có thể cắt giảm một số lượng nhân viên hoặc cắt bớt một số khoản chi tiêu.  

Trong bối cảnh như vậy, các công ty, hãy cố gắng giữ lại những người thực sự cần thiết cho công ty bằng các hình thức thích hợp. Các doanh nghiệp hãy cân nhắc, thận trọng việc thăng chức và tái cấu trúc nhân sự để giảm thiểu khó khăn cho mình, vì DN có thể mất đi một vài cá nhân rất giỏi dù DN đã làm mọi thứ có thể. 

Vũ Điệp ( Theo VNN )

Bình luận (0)