Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Phải cố gắng giữ chân người lao động

Tạp Chí Giáo Dục

Hàng loạt doanh nghiệp (DN) dệt may đang phải đối mặt với tình trạng đơn hàng bị cắt giảm, giá gia công đang giảm mạnh… Làm thế nào để DN trụ lại và giữ chân hàng trăm ngàn người lao động trong ngành này? Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Quốc Ân – chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN (Vitas) kiêm chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex) – cho biết:

– Tình hình kinh tế thế giới và đặc biệt là của các thị trường nhập khẩu dệt may lớn như Mỹ, Tây Âu, Nhật… vẫn còn nhiều diễn biến không lường trước được. Do vậy, chưa thể nói gì chắc chắn về tương lai của sáu tháng cuối năm sắp tới.

Trong gần hai tháng đầu năm 2009, tổng kim ngạch xuất khẩu ước giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt khoảng 1,15 tỉ USD. Riêng Vinatex, lực lượng lao động vẫn có thu nhập tương đối ổn định. Một số DN trong Vinatex đang tuyển dụng thêm lao động. Ở khu vực các DN thành viên của Vitas, một số DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang phải đối mặt với tình trạng chung là đơn hàng giảm 20-30%, nên chỉ tập trung đủ đơn hàng cho xưởng chính của mình và cắt giảm đơn hàng gia công của các vệ tinh.

Đã có khoảng mười DN Hàn Quốc và Đài Loan tạm ngưng hoạt động với số lao động bị ảnh hưởng ước 5.000 người. Riêng những địa phương tập trung số lượng DN ngành may nhiều như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Hưng Yên… thông tin cho thấy vẫn cân đối đủ hàng dù giá gia công đã bị giảm so với năm trước từ 10-20%.

Có một thực tế là nhiều DN nhỏ và vừa, chưa có thương hiệu và chỉ chuyên gia công hiện thiếu hàng khá nghiêm trọng. Một số DN đã ngưng và một số khác có thể phải ngưng hoạt động trong thời gian tới. Phần lớn đều phải giảm sản xuất và giảm lao động. Với tình hình như vậy, trong sáu tháng đầu năm 2009 toàn ngành có thể bị giảm 10-15% sản lượng và giảm khoảng 20% kim ngạch xuất khẩu.

Sản xuất khăn tại Tổng công ty CP Phong Phú. Đơn vị này chuẩn bị xuất sang Thụy Sĩ và Mexico trên 50 tấn khăn cao cấp trị giá trên 250.000 USD. Đây là hai thị trường mới được khai thác từ đầu năm 2009 – Ảnh: T.V.N.

Cần tận dụng hệ thống phân phối đang có

Tôi thừa nhận các DN trong ngành đã bỏ qua rất nhiều cơ hội để chinh phục thị trường nội địa. Vấn đề này không thể giải quyết một sớm một chiều là có ngay kết quả.

Trước mắt, Vinatex cần tập trung tận dụng các hệ thống phân phối đang có, nhất là hệ thống siêu thị Vinatex, hoặc các cửa hàng của các công ty lớn đã đầu tư nhiều năm như Việt Tiến, May 10, Phong Phú, Nhà Bè… để đưa hàng hóa của tất cả DN ra thị trường với chi phí lưu thông thấp nhất.

Đồng thời hình thành chuỗi liên kết từ thiết kế, sản xuất nguyên liệu, may thành phẩm và phân phối; trong đó kêu gọi cả sự tham gia của các đối tác có tiềm lực của ngành dệt may, phân phối ở nước ngoài. Ngoài ra, có thể hình thành các chuỗi liên kết giữa các đơn vị lớn của Vinatex với các đơn vị nhỏ và vừa ở các địa phương để chia sẻ đơn hàng và lao động.

* Để giúp các DN vượt qua giai đoạn hiện nay, vừa qua ngành dệt may đã kiến nghị thực hiện ba gói giải pháp. Việc triển khai đã được thực hiện đến đâu, thưa ông? 

– Trong ba gói giải pháp mà chúng tôi kiến nghị gồm: trích 1% từ tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dành cho các DN có hoạt động xuất khẩu hỗ trợ người lao động nhiều khó khăn, có nguy cơ đóng cửa nhà máy; hỗ trợ một nửa lãi suất cho vay với những DN có nhu cầu vay vốn ngân hàng; hỗ trợ hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại ở những thị trường mới hoặc những thị trường truyền thống, tiềm năng nhưng đang bị sụt giảm đơn hàng.

Đến nay Chính phủ đã giải quyết hỗ trợ lãi suất vay vốn lưu động 4%, nhưng mới chỉ áp dụng vay bằng VND mà chưa áp dụng với vay ngoại tệ để nhập nguyên vật liệu. Chúng tôi đang tiếp tục kiến nghị áp dụng cho cả vay ngoại tệ. Còn các kiến nghị khác vẫn đang được nghiên cứu. Trong buổi làm việc với Vitas, Vinatex hôm 23-2, Thủ tướng cho biết sẽ tích cực giải quyết sớm các kiến nghị của ngành.

* Có một thực tế hiện nay là DN không sa thải công nhân mà để họ tự nghỉ do không có đủ việc để làm, thu nhập thấp nhằm tránh chi phí tổn thất cho DN, nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người lao động?

– Tôi không nghĩ DN áp dụng cách đó để tránh nghĩa vụ trợ cấp thôi việc. DN nào cũng muốn sản xuất đầy đủ, không ai lại tìm cách giảm sản xuất để cho công nhân phải tự nghỉ việc. Đúng là có một số DN ít đơn hàng, phải sản xuất cầm chừng, công nhân bị giảm lương không đủ sống phải tìm việc nơi khác, nhưng cũng là việc ngoài ý muốn của DN.

Theo tôi được biết hiện đang có rất nhiều DN có nhu cầu tuyển lao động có tay nghề như Scavi, Việt Tiến, Nhà Bè, May 10, Phong Phú, Sài Gòn 3, Hòa Thọ, Việt Thắng… Mặt khác, Vitas lẫn Vinatex đều đang triển khai các giải pháp về an sinh xã hội để làm sao càng giữ chân được người lao động lâu dài càng tốt.

Việc hình thành các nhóm liên kết với một công ty mạnh, thương hiệu tốt, khả năng thu đơn hàng tốt làm trung tâm là một ví dụ. Các đơn vị lớn cố gắng không làm tăng ca, tăng giờ khi nhiều việc mà sử dụng phần đơn hàng này cho việc hỗ trợ đơn vị khó khăn. Hoặc có thể giảm bớt số ngày làm việc xuống 5 ngày/tuần, để duy trì được toàn bộ lao động. Muốn vậy, DN phải làm tốt hơn nữa việc cải tiến nâng cao năng suất, tiết kiệm, giảm giá thành để có được khoản chi phí rộng hơn, linh hoạt hơn khi đàm phán với khách hàng. Các khoản này sẽ rất có ích trong việc duy trì được tiền lương để trả cho người lao động.

Theo TTO

Bình luận (0)