Mặc dù công việc tốt với thu nhập cao, nhưng hiện nay, công tác tuyển dụng lao động đi Malaysia vô cùng khó khăn. Không ít doanh nghiệp xuất khẩu lao động đã cho lao động nợ chi phí xuất cảnh nhưng vẫn khó tuyển.
Người lao động chuẩn bị đi xuất khẩu lao động. Ảnh: TLSGTT
|
Không thích đi Malaysia do ấn tượng xấu
Công ty cổ phần thương mại Châu Hưng hiện đang có nhiều hợp đồng tuyển dụng từ các đối tác tại Malaysia cung ứng lao động trong các nhà máy lắp ráp linh kiện điện tử. Mức lương trung bình của người lao động là hơn 8 triệu đồng/tháng, kể cả làm thêm, người lao động có thể đạt mức thu nhập từ 10 – 12 triệu đồng/tháng. Chi phí trước khi đi dưới 20 triệu đồng/người, công ty cho nợ chi phí, người lao động trả dần vào lương, nhưng công ty vẫn không tuyển dụng được lao động. “Người lao động đã bị ấn tượng xấu về thị trường Malaysia, nên dù công việc ở đây rất ổn định, thu nhập ổn định, chi phí trước khi đi thấp, nhưng người lao động vẫn từ chối đi Malaysia để đi các thị trường khác”, bà Lê Thị Loan, giám đốc công ty Châu Hưng cho biết.
Nhiều công ty khác cũng trong tình trạng tương tự như vậy. Thậm chí vì khó tuyển dụng lao động, có công ty đã bỏ hẳn không làm thị trường này nữa mặc dù có nhiều hợp đồng tốt và chi phí khai thác hợp đồng không cao như các thị trường khác.
So sánh với nhiều thị trường khác, mức thu nhập tại Malaysia và chi phí trước khi đi như vậy là khá tốt. Thị trường Đài Loan hiện cũng cần nhiều lao động nhà máy với mức lương trung bình từ khoảng 10 – 20 triệu đồng/tháng. Chi phí trước khi đi Đài Loan dao động trong khoảng từ 80 – 130 triệu đồng/người (4.000 – 6.000 USD) với hợp đồng hai năm, có thể gia hạn thêm một năm. Nếu tính thu nhập trừ đi tổng chi phí, thị trường Malaysia không kém Đài Loan nhiều, nhưng lao động vẫn thích đi Đài Loan hơn.
Các thị trường khác cũng tương tự như vậy. Thậm chí, thị trường lao động Angola vẫn đang được người lao động ồ ạt sang làm việc theo hợp đồng cá nhân, không được bảo vệ về quyền lợi nhưng người lao động trong nước vẫn thích đi theo kiểu “phong trào”. Không ít lao động đi theo diện cá nhân sang Angola bị bệnh không có tiền chữa bệnh đã phải chịu chết, nhưng theo tâm lý đám đông, họ vẫn thích đi Angola hơn là Malaysia.
Thị trường suy giảm
Sau một thời gian ồ ạt đưa lao động sang Malaysia do thị trường dễ tính, dễ tiếp nhận lao động, thị trường này đã xảy ra một số rủi ro với người lao động như: chủ sử dụng phá sản, nợ lương, lao động bị đột tử do thời tiết… Chính vì những rủi ro này, người lao động đã có ấn tượng xấu và vì thế, nói tới đi Malaysia là lao động từ chối. Ở thời điểm đó, có tới hơn 100 doanh nghiệp tham gia khai thác thị trường này với số lượng người lao động được đưa đi vài ngàn người mỗi tháng. Tuy nhiên, tới nay, thị trường này suy giảm tới mức hầu như doanh nghiệp nào còn theo đuổi chương trình đưa lao động huyện nghèo đi xuất khẩu lao động thì mới tiếp tục khai thác thị trường Malaysia.
Trong tháng 5 vừa qua, thị trường này chỉ có 521 lao động sang làm việc, giảm hẳn so với trung bình các tháng trước. Theo cục Quản lý lao động ngoài nước, trong ba tháng đầu năm, thị trường này tiếp nhận gần 2.500 lao động Việt Nam. Trung bình mỗi tháng có hơn 800 lao động nhập cảnh Malaysia để làm việc, tuy nhiên, trong tháng 4 và tháng 5, số lượng lao động tiếp tục suy giảm và dự báo có thể sẽ tiếp tục suy giảm trong các tháng tới.
Theo ông Đào Công Hải, phó cục trưởng cục Quản lý lao động ngoài nước, từ đầu năm nay, thị trường Malaysia đã nâng lương tối thiểu cho người lao động lên 900 RM/tháng, tương đương với khoảng 6,1 triệu đồng/tháng. Tại nhiều nhà máy, chủ sử dụng có trả cho người lao động cao hơn mức lương này, cộng cả lương làm thêm, mức thu nhập của không ít lao động đạt mức 12 – 15 triệu đồng/tháng. “Tuy nhiên, vấn đề khó hiện nay là nguồn lao động trong nước thiếu, người lao động không đi Malaysia dù trong nước đang thất nghiệp”, ông Hải nói. Theo ông Hải, tới nay, hầu như doanh nghiệp chỉ còn chọn những hợp đồng tốt để làm, nhưng cũng vẫn khó tuyển dụng.
Hiện nay việc tuyển dụng lao động đi vẫn phụ thuộc vào các doanh nghiệp. Thị trường Malaysia đã “mang tiếng xấu” trong một thời gian dài, nhưng cơ quan quản lý không có những động thái cụ thể để xua tan tiếng xấu cho thị trường này. Thị trường suy giảm và bị bỏ rơi trong khi vẫn có một tỷ lệ lớn lao động trong nước không tìm được việc làm, không có thu nhập và chỉ tiêu đưa lao động ra nước ngoài làm việc có nguy cơ không đạt.
Tây Giang
SGTT.VN
Bình luận (0)