Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nhà giáo Vũ Hải Sơn: “Tôi là người hạnh phúc

Tạp Chí Giáo Dục

Thầy Sơn (người đeo mắt kiếng, ở giữa) đang hướng dẫn cho SV

Vì muốn làm vui lòng mẹ, Vũ Hải Sơn đã bỏ ra 6 năm để học ngành y mà biết chắc mình không theo nghề; xúc động trước tấm lòng người cha, Sơn đã nối nghiệp làm báo. Sau khi đã làm vui lòng đấng sinh thành, Sơn mới bắt đầu đi theo nghề mình yêu thích: thầy giáo!
Người mang “nghiệp” thầy giáo
Từ một cử nhân văn chương, để thực hiện ước muốn của mẹ, người “thầy” chưa một ngày đứng lớp lại rẽ sang làm SV Trường ĐH Y Dược TP.HCM. Theo tâm nguyện của bố, người bác sĩ trẻ tuổi ấy chuyển sang làm báo. Với đam mê nhiếp ảnh, một lần nữa cuộc đời lại đưa con người này đến với một môi trường mới lạ đầy quyến rũ: nhiếp ảnh. Từ một phóng viên ảnh, một nhiếp ảnh gia khá nổi tiếng đang đắt show với những hợp đồng chụp quảng cáo cho các ca sĩ, các resort, các tập đoàn kinh tế cùng với thành công trong nghề báo, anh lại “biết đủ”, biết dừng lại để làm… thầy giáo. Như một vòng tròn định mệnh, khởi nghiệp tại trường sư phạm, sau quãng ngày dài “đi đâu loanh quanh…”, anh lại tìm về với bục giảng, với giấc mơ “ông đồ” khi trở thành giảng viên môn nhiếp ảnh tại Khoa Báo chí – Truyền thông ĐHKHXH-NV TP.HCM. Người thầy ấy chính là nhà giáo Vũ Hải Sơn.
Năm 1988, tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm, chàng trai trẻ Vũ Hải Sơn lại rẽ sang học y khoa. Sau 6 năm học nghề thầy thuốc, Vũ Hải Sơn tốt nghiệp và làm tại Bệnh viện Đại học Y Dược. Cũng trong thời gian này, anh được mời tham gia viết bài cho Tạp chí Thuốc Và Sức Khỏe. Tiếp đó, Hải Sơn lại trở thành phóng viên của Báo Sinh Viên Việt Nam. Năm 2001, anh lấy bằng cử nhân ngành nhiếp ảnh Trường Cao đẳng Văn hóa – nghệ thuật TP.HCM. Cũng dịp này, anh lại sang CHLB Đức học nghiệp vụ về ảnh báo chí.
Công việc của một phóng viên, một nghệ sĩ nhiếp ảnh mang lại cho anh danh tiếng, tiền bạc và phần nào thỏa mãn đam mê sáng tác ảnh. Các đơn vị làm kinh tế, du lịch tìm đến mời anh chụp ảnh. Lịch chụp ảnh quảng cáo đã chiếm nhiều thời gian, công sức của anh. Và số tiền của nghề nhiếp ảnh mang lại cho anh cũng không phải nhỏ. Có lúc, tưởng như giấc mơ “ông đồ” đã lụi tàn trong anh. Thế nhưng, từ đống tro tàn, ngọn lửa đam mê nghề giáo đã đưa anh trở lại bục giảng. Anh trở lại nghề giáo bằng những lần nói chuyện trước SV, những buổi thỉnh giảng tại Khoa Mỹ thuật Công nghiệp ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Hồng Bàng… Bục giảng đã có sức hút vô cùng mãnh liệt đối với anh. Anh từ giã hẳn nghề báo, ngưng nghề nhiếp ảnh để tập trung cho nghề giáo. Đến nay, không chỉ dạy nhiếp ảnh, anh còn dạy quay phim. Không chỉ dạy cho SV chính quy, anh còn dạy cho học viên các lớp tại chức. Không chỉ tại TP.HCM, anh còn là giảng viên thỉnh giảng tại các trường ĐH các tỉnh từ miền Tây (ĐH An Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Bạc Liêu, Đồng Tháp…) đến miền Trung (ĐH Phạm Văn Đồng, Bình Định, Khánh Hòa…). Tôi thắc mắc “Thầy bỏ ra 6 năm trời học ngành y để rồi không theo nghề? Đang làm báo “ngon trớn” lại “nghỉ ngang” để chuyển sang làm nghề giáo vừa ít tiền, vừa ít… tiếng?”. Thầy Sơn tâm sự “Tôi mê văn chương, thích làm thầy giáo nên học sư phạm nhưng mẹ tôi rất thích tôi làm bác sĩ, để mẹ vui lòng tôi học ngành y. Bố tôi lại thích tôi làm nghề báo, ông cắt những bài báo của ông trước đây để dành cho tôi. Và ông cắt những bài báo của tôi khi còn là cộng tác viên lưu lại, nâng niu… Tôi xúc động trước tấm lòng của người cha nên tôi làm báo. Đến khi cả bố mẹ đều vui lòng, tôi an tâm theo nghề giáo tôi yêu thích. Tôi thích làm nhà giáo như bao nhà giáo bình thường khác”.
Người biến lớp học thành nơi quy tụ “ngôi sao”
Một số giải thưởng, danh hiệu thầy Vũ Hải Sơn đoạt được ở lĩnh vực nhiếp ảnh:

– 1990: Được bạn đọc Báo Người Lao Động bình chọn là 1 trong 5 nhiếp ảnh gia được yêu thích nhất trong năm.
– 1992: Huy chương bạc cuộc thi ảnh báo chí do Báo Tuổi Trẻ tổ chức với tác phẩm Sau chuyến ra khơi.
– 1994: Huy chương vàng (đồng hạng) với phóng sự ảnh Giai điệu hạnh phúc do Báo Tuổi Trẻ tổ chức.
– 1996: Huy chương bạc Liên hoan ảnh nghệ thuật TP.HCM với tác phẩm Với cả tấm lòng.
– 2005: Huy chương vàng cuộc thi “Khoảnh khắc 30 năm” do Báo Tuổi Trẻ tổ chức với tác phẩm Ca thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên tại Việt Nam.
Đứng lớp giảng dạy cho SV báo chí, nhất là những SV tại chức từng làm công tác quản lý, phóng viên kỳ cựu các báo đài lớn luôn là khó khăn cho bất cứ giáo viên nào, nhà báo – nhà giáo Vũ Hải Sơn cũng không ngoại lệ. Nhưng vượt qua những trở ngại ấy, bằng nhiệt huyết của mình, thầy Sơn đã cố gắng để SV, học viên có được những buổi học sinh động, hiệu quả. Thầy cho biết “Tôi biết mình không thể so sánh với các nhiếp ảnh gia nổi tiếng về nghiệp vụ, kinh nghiệm, nhưng tôi có kỹ thuật và nhiệt huyết. Tôi kết hợp kỹ thuật của mình với trí tuệ, chất xám của những nhiếp ảnh gia nổi tiếng để SV có được những buổi học sinh động, hiệu quả nhất. Tôi muốn dành những gì tốt nhất có thể cho SV”. Sau khi gia cố “phần cứng” về lý thuyết, kỹ thuật cho SV, ở mỗi thể loại ảnh thầy Sơn cố gắng “thỉnh” các nhiếp ảnh gia nổi tiếng như nghệ sĩ nhiếp ảnh Duy Anh, Hoàng Quốc Tuấn, Thái Phiên, Lê Hồng Linh, Bùi Minh Sơn…, các nhà báo như Dương Thành Truyền, Thanh Tùng, Hồng Nga,… “Nghệ thuật” là ở chỗ, thầy Sơn mời những “ngôi sao” nổi tiếng lên lớp mà không phải bằng tiền. Quý nhau mà mời, trọng nhau nhận lời, vì đam mê mà lên lớp. Thầy Sơn “bật mí”: “Nếu vì tiền, không thể mời được, vì họ là những “ngôi sao”, nhân vật nổi tiếng, họ không thiếu tiền và rất bận rộn. Quý nhau mời lên lớp, không tiền bạc gì. Có người tôi phải báo trước để họ sắp xếp, có người tôi “bắt cóc”, có người tôi báo khi nào thì họ đi khi ấy và không than phiền, không đòi hỏi gì cả”.
Nghe thầy kể, tôi có cảm giác để có buổi lên lớp thầy chuẩn bị rất “công phu”. Thức dậy lúc 5 giờ sáng, uống cà phê, vào net đọc báo. Khi hừng đông vừa ửng cũng là lúc thầy lên lớp trên chiếc xe Vespa. Tôi hỏi: “Dạy ở tận làng đại học Thủ Đức, thầy không đi xe đưa rước giảng viên của trường cho tiện lại tự chạy xe máy đến lớp?”. Thầy Sơn chia sẻ “Đi xe máy tôi chủ động về thời gian, tôi có thể trao đổi bên lề, giải đáp thắc mắc cho SV, khi nào xong thì về, không phụ thuộc vào giờ giấc, xe cộ. Tuy có vất vả hơn nhưng tôi lại có nhiều thời gian dành cho SV”.
Hạnh phúc!
Là phóng viên miền Nam ra Bắc công tác, thầy Sơn phải lòng cô gái Hà Nội. Và mối lương duyên “trai Nam gái Bắc” ấy khiến họ nên vợ thành chồng. Để rồi một ngày thầy Sơn lại trở về Nam, cô gái Hà Nội lại khăn gói theo chồng. Nói về gia đình, thầy Sơn rất lấy làm tự hào về vợ “Vợ tôi là dược sĩ, đang làm việc cho một công ty dược nước ngoài, cô ấy khá bận, chúng tôi rất ít thời gian dành cho nhau nhưng khá tâm đầu ý hợp. Vợ chồng tôi luôn tôn trọng những riêng tư của nhau. Tôi lập gia đình, có con rồi nhưng vẫn thoải mái như thời còn độc thân”. Dường như từ ngày có gia đình, thầy Sơn đặt trọn niềm vui, hạnh phúc vào vợ, vào con. Biết vợ luôn bận rộn, thầy Sơn sắp xếp thời gian, công việc cơ quan để đảm nhận việc gia đình, thay vợ chăm sóc con. Thầy nói trong tiếng cười: “Niềm vui của tôi mỗi ngày là đưa rước con đi học, tự tay tắm rửa, chăm sóc con và phụ giúp vợ”. Những lần trò chuyện, tôi luôn nghe thầy Sơn ca ngợi về người bạn đời của mình với thái độ vừa tôn trọng vừa quý trọng. “May mắn thôi! Tôi đã có sự nghiệp khá mỹ mãn, một gia đình hạnh phúc, một đứa con ngoan, một người thật vợ tuyệt vời” – thầy nói trong ánh mắt rạng ngời hạnh phúc!
Công Việt

Bình luận (0)