Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Gia đình có ba Nhà giáo ưu tú

Tạp Chí Giáo Dục

NGƯT Tô Thị Kịp

Các cô đã dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục. Với các cô, chẳng có niềm vui nào lớn hơn là được nhìn thấy bao lớp học trò thành đạt. Những cô giáo có cái tâm lớn và một tấm lòng cao cả mà tôi muốn nhắc tới chính là ba chị em – ba Nhà giáo ưu tú (NGƯT) Tô Thị Kịp, Tô Thị Trước và Tô Thị Nghĩa ở huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Vượt khó, bên bục giảng
Xuất thân trong một gia đình thuần nông với chín anh chị em, sống chủ yếu dựa vào mảnh ruộng nhỏ của ông bà tổ tiên để lại. Vì vậy để có được năm người con trở thành nhà giáo, trong đó có ba người được phong tặng danh hiệu NGƯT là sự cố gắng vượt bậc của gia đình và chính bản thân các cô.
Gia cảnh nghèo khó nên để có được cái ăn cái mặc ngay từ nhỏ các cô đã phải theo ba mẹ ra đồng “cày sâu cuốc bẫm”. Cực khổ là thế nhưng các cô vẫn luôn luôn xác định tư tưởng phấn đấu từ người cha: “Dù nhà có nghèo khổ, đói ăn đến thế nào đi chăng nữa thì tất cả các con trong gia đình đều phải được học chữ, phải được đến trường”.
Khi các cô bắt đầu đi học Trung cấp Sư phạm cũng là thời điểm khó khăn nhất của gia đình. Tiền ăn, tiền học, bao nhiêu thứ phải chi tiêu đều dồn lên đôi vai gầy yếu của người cha già, rồi người mẹ do lao động quá sức bị lao lực dẫn đến tai biến. Cả nhà thời điểm ấy nhiều lúc không có nổi lon gạo nấu cơm mà ăn, chỉ có sắn độn khoai nên người anh đầu và cô Tô Thị Kịp nhiều lần muốn nghỉ học để ở nhà đỡ đần, làm việc phụ cha nuôi đàn em thơ dại và chăm sóc người mẹ bệnh tật của mình. Tuy nhiên, ý nghĩ ấy của cô đã bị dập tắt ngay từ khi mới nhen nhóm bởi chính ý nguyện của người cha. Đáp lại sự hy sinh lớn lao của người cha đáng kính của mình, các cô ngoài việc đi học còn làm thêm đủ mọi thứ việc như: lặt đậu, chở rơm, gánh nước, gặt lúa mướn những lúc rảnh rỗi nhằm đỡ đần sự vất vả cho cha. Giai đoạn khó khăn nhất của gia đình rồi cũng đi qua khi mà hai người anh cùng cô Kịp, cô Trước ra trường và đi dạy vào năm 1976 (hai cô đều là giáo viên Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt Dĩ An). Đến năm 1983, cô em áp út Tô Thị Nghĩa sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm cũng đi theo nghề giáo của gia đình và hiện là giáo viên Trường THCS Võ Trường Toản, Dĩ An. Tâm niện của các cô “giáo viên không đơn giản chỉ là một nghề mà hơn hết đó còn là một thiên chức rất thiêng liêng khó có thể nói bằng lời”. Với “phương châm ấy”, ngoài việc truyền đạt kiến thức trên bục giảng, các cô còn là người mẹ, người bạn tâm tình của từng học sinh. Các cô thường xuyên đến nhà thăm hỏi động viên những em có hoàn cảnh khó khăn về tâm lý để trò chuyện, nhằm tìm ra biện pháp tối ưu để “kéo học trò lại gần mình hơn”, giúp học sinh hiểu được tầm quan trọng của việc học. Đó cũng là “cầu nối” giúp các cô liên tục đạt danh hiệu GV dạy giỏi của trường. 30 năm công tác và đứng trên bục giảng cả ba cô đều là những nhà giáo xuất sắc suốt nhiều năm liền với hàng chục danh hiệu, bằng khen được Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương, Bộ GD-ĐT trao tặng. Đỉnh cao của những cố gắng, sự hy sinh và cống hiến không mệt mỏi ấy của các cô chính là danh hiệu cao quý NGƯT mà các cô đạt được.
Người cha – điểm tựa vững chắc

NGƯT Tô Thị Nghĩa

“Có thể nói để có được những thành công như ngày hôm nay của mấy chị em tôi, tất cả đều từ sự chăm chút, động viên và dạy dỗ của phụ thân. Chính ông là người đã nâng đỡ, động viên chị em tôi những lúc khó khăn nhất. Không có sự kiên định của ba, tấm lòng yêu thương con vô bờ bến của người mẹ chắc có lẽ giờ đây chúng tôi không có được những thành quả này” – cô Tô Thị Kịp tâm sự. Không chỉ thường xuyên động viên các cô phải cố gắng vượt qua mọi khó khăn để bám nghề, những lúc rảnh cho dù ngày hay đêm ông lại đạp xe lên tận TP.HCM để tìm mua những quyển sách hay, giáo trình trợ giảng về cho các cô trau dồi nghiệp vụ và nâng cao tay nghề.
“Bên cạnh sự ủng hộ giúp đỡ rất lớn từ các đồng nghiệp, ban giám hiệu nhà trường nơi ba chị em tôi công tác, được các thế hệ đi trước dạy bảo có lẽ động lực lớn nhất giúp chúng tôi phấn đấu chính là từ ba tôi. Suốt những năm ấu thơ cho đến khi trưởng thành ba không chỉ luôn là người bạn mà còn là người anh, người thầy của mấy chị em chúng tôi. Ông đã dạy dỗ chúng tôi mọi điều dạy cách làm người, dạy cách sống với mọi người và truyền cho chúng tôi lòng say mê, yêu nghề từ chính sự trân trọng nghề giáo mà ông luôn đề cao” – cô Tô Thị Nghĩa chia sẻ. Có lẽ từ tấm gương sáng ngời của người cha, sự động viên không ngừng của gia đình mà mỗi khi đến trường hay đứng trên bục giảng các cô đều hướng tất cả tấm lòng, sự nhiệt huyết của mình về học sinh thân yêu. Các cô không ngừng tìm tòi, sáng tạo ra những phương pháp giảng dạy mới, cách thức truyền đạt đa dạng, đa chiều và sinh động để giúp các em học sinh hiểu bài và tiếp thu bài nhanh hơn từ những buổi tối thức thâu đêm, hay những hôm cặm cụi đạp xe trong mưa gió lên TP.HCM tìm mua các bộ giáo cụ trực quan… Với các cô, việc được nhìn thấy học sinh mình thành đạt là một niềm vui lớn nhất trong đời. Ngồi cùng các cô chỉ trong một buổi chiều cuối tháng 5 nhưng những gì mà tôi cảm nhận được về các cô thật đẹp đẽ. Biết được hoàn cảnh các cô đến nay vẫn chưa có gia đình, tôi buột miệng hỏi cô Kịp: “Sao suốt bao nhiêu năm qua các cô không lập gia đình, không tìm cho mình một mái ấm riêng?”. Cô chỉ cười, một nụ cười hiền hậu của một nhà giáo từng hết lòng vì học sinh và nghiệp đưa đò. Nhưng với tôi, phía sau nụ cười hiền hậu và mang chút gì buồn buồn ấy tôi đọc được một điều gì đó khó nói ở nơi cô. Một chút im lặng rơi lại giữa nụ cười, cô cất giọng nói như để tự an ủi mình: “Với chúng tôi nhà trường đã là gia đình, thầy cô giáo là anh chị em, học sinh chính là con là cháu của mình rồi”.

Cô Tô Thị Trước (ảnh) được công nhận danh hiệu NGƯT năm 1998, cô Tô Thị Kịp được công nhận NGƯT năm 2002 và cô Tô Thị Nghĩa được công nhận NGƯT năm 2008. Đặc biệt, cô Tô Thị Trước còn được phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc vào năm 2001 và được đại diện cho tỉnh Bình Dương đi Hà Nội tham dự Hội nghị chiến sĩ thi đua toàn quốc.

 Nguyên Hải

 

Bình luận (0)