Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Thông dịch viên của người… điếc

Tạp Chí Giáo Dục

Chị Ngời đang trò chuyện với các học trò điếc của mình

“Chị à, tụi tôi vừa bắt được một tên tội phạm là người điếc. Bây giờ, chị lên trụ sở công an giúp chúng tôi lấy lời khai được chứ”. Vừa nghe xong điện thoại, chị gác lại công việc và vội vã chạy xe lên trụ sở công an phường làm thông dịch viên… miễn phí. Đây không phải là lần đầu tiên chị được “mời” làm việc này. Cũng có lần, công an đưa tội phạm tới trường – nơi chị làm việc. Chị là Trần Thị Ngời (SN 1943) – Hiệu trưởng Trường Hy Vọng I (Q.1, TP.HCM).
Duyên nợ với người điếc
Xuất thân là một giáo viên phổ thông, sau ngày miền Nam giải phóng, chị tới Lái Thiêu (Bình Dương) dạy học. Gần khu vực chị dạy học có một trường dành cho người điếc của Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội. Bởi vậy chị thường xuyên bắt gặp những đứa trẻ khiếm thính. Qua quan sát, chị phát hiện những đứa trẻ này rất cần được giúp đỡ. Vả lại giáo viên dạy phổ thông thì nhiều, trong khi giáo viên dạy trẻ điếc lại rất hiếm. Nghĩ vậy, chị quyết định chuyển sang làm giáo viên dạy trẻ điếc…
Bắt tay vào công việc, chị mới cảm nhận được khó khăn khi dạy dỗ những đứa trẻ không hiểu người khác nói gì và cũng không biết nói gì. “Mặc dù tôi có nghiệp vụ sư phạm nhưng ở môi trường này thì nghiệp vụ sư phạm xem ra chẳng giúp cho công việc được bao nhiêu”, chị Ngời tâm sự.
Thế là chị phải mày mò học làm cô giáo lại từ đầu. Ngày ấy không có trường lớp nào đào tạo giáo viên dạy trẻ khiếm thính nên chị học theo kiểu cầm tay chỉ việc. “Thầy” của chị là các sơ có nhiều năm gắn bó với trẻ điếc. Các sơ dạy cho chị những ký hiệu của người điếc, dạy chị cách phát âm sao cho người điếc hiểu. Vả lại, trong quá trình tiếp xúc với học trò điếc, chị cũng học được rất nhiều. Học “thầy” rồi học cả “trò”, cuối cùng chị cũng có kiến thức để làm tốt công việc của người giáo viên dạy trẻ khiếm thính…
Năm 1985, chị chuyển công tác về TP.HCM. Khổ nỗi, lúc bấy giờ TP.HCM chưa có trường dành cho trẻ khiếm thính mà chỉ có trường cho trẻ khiếm thị. Thế là chị đành phải làm giáo viên dạy thể dục cho trẻ mù. “Mỗi ngày chị chỉ dạy từ 6 giờ 30 đến 8 giờ sáng, chiều dạy từ 3 giờ 30 đến 5 giờ 30 nên khá rảnh. Chồng con chưa có, lại mới về Sài Gòn nên thời gian rảnh chị thường đạp xe chạy vòng vòng vừa là để ngắm cảnh, vừa là để thư giãn. Rồi tình cờ chị phát hiện một nhóm thanh niên khoảng 5 – 6 đứa ngồi tán gẫu với nhau. Vì là “dân chuyên nghiệp” nên chỉ nhìn sơ qua chị biết ngay đó là trẻ điếc. Chị dừng xe và bắt chuyện với chúng. Thấy có người lạ trò chuyện được với mình, đám trẻ thích lắm… Khi chị hỏi có muốn học chữ không, đứa nào cũng gật đầu. Thế là chị quyết định mở lớp, một phần cũng là do “nhớ nghề” nữa…”, chị Ngời kể lại.
“Ông tổ” của nghề dạy người điếc ở Sài Gòn
Lớp học được đặt ngay trong chính phòng khách của gia đình chị ở chung cư Ngô Gia Tự (P.2, Q.10). Đó là một căn phòng chật hẹp, chỉ rộng hơn chục mét vuông. Cái bàn uống nước của gia đình biến thành bàn giáo viên, còn học sinh – đứa nào đi học thì đem theo bàn ghế tới. Mỗi tuần, chị dạy 3 buổi và đương nhiên là dạy “chùa”.
Đối với trò điếc, dạy viết thì không có gì là khó – cô viết gì lên bảng, trò vẽ y chang vào tập, cái khó là dạy đọc. Để có thể phát âm được chữ a, chữ o…, mỗi khi cô giáo đọc, cả đám học trò ở dưới cứ căng mắt ra nhìn chăm chú vào miệng của cô rồi bắt chước. Dần dần chúng cũng hiểu khi đọc chữ a thì cái miệng phải méo thế này, đọc chữ o thì cái miệng phải tròn thế kia… Thế nhưng nếu không nhìn vào miệng mình thì làm sao biết miệng mình tròn, méo như vậy là đúng chưa. Từ đó, ngoài việc đem theo bàn ghế, mỗi đứa còn phải đem theo một cái gương đi học. Đem theo gương để nhìn coi cái miệng mình phát âm có giống cô giáo không. Và chỉ khi cái miệng của trò tròn như miệng của cô thì lúc đó chữ o mới đúng là chữ o. Nhưng đấy chỉ là mấy chữ dễ phát âm, chứ những chữ khó thì… “Đối với âm khó, chị có đọc cả ngàn lần chúng cũng không bắt chước được. Lúc đó, chị đọc và lấy tay của học trò đặt vào cổ chị để chúng cảm nhận được cái âm. Rồi chúng đọc và cũng đặt tay lên cổ mình, từ từ chúng sẽ biết điều chỉnh sao cho giống cô…”, chị Ngời kể lại.
Học sinh càng ngày càng đông nên năm 1986 chị quyết định nghỉ dạy ở trường mù. Tuy nhiên để lớp học được danh chính ngôn thuận, chị xin vào làm ở Hội chữ thập đỏ thành phố. Lúc ấy có một đoàn giảng viên sư phạm của Hà Lan qua Việt Nam hỗ trợ chuyên môn cho giáo viên dạy trẻ khiếm thính, chị may mắn được đi học 10 ngày (ở Hà Nội).
Sau khóa học ngắn hạn đó, chị có thêm nhiều kinh nghiệm bổ ích cho công việc của mình. Chị vận dụng những kiến thức đã học, tự sáng tạo ra một dụng cụ dạy học “độc nhất vô nhị”. Chị lấy một cái ống nước, một đầu chị ghé miệng vào nói, đầu kia nhét vào lỗ tai học trò. Từ ngày “ống nước” xuất hiện, trò không phải mang gương đi học nữa. Một lần, một số người Nhật sang thăm lớp học của chị, thấy chị dùng “ống nước” để dạy học nên đã tặng chị một cái máy trợ thính. “Đó là dụng cụ dạy học hiện đại đầu tiên của chúng tôi, đến bây giờ cái máy đó vẫn còn”, chị vừa nói vừa lấy cái máy cho tôi coi.
Năm 1990, lớp học của chị tách ra khỏi Hội chữ thập đỏ và nâng cấp lên thành trường, lấy tên là Trường khuyết tật thính giác Hy Vọng (nay là Hy Vọng I) – cũng từ đó chị bắt đầu thu học phí.
Giúp trẻ điếc hòa nhập cuộc sống

Lớp học nhạc của Trường Hy Vọng I

So với trẻ khuyết tật khác, dường như trẻ khiếm thính thiệt thòi hơn nhiều, các em điếc bẩm sinh nên cũng câm luôn. Bởi vậy các em thường bị cô lập với mọi người xung quanh, thậm chí bị cô lập ngay trong chính ngôi nhà của mình. Nhiều học sinh khi mới đi học thường tỏ ra buồn, chán nản, có em tâm sự với cô giáo là chỉ muốn tự tử. Lúc đó, chị đã tận tình giải thích và nói: “Em phải cố gắng học tập để chứng minh cho mọi người thấy, người điếc không phải là đồ vô dụng…”.
Cũng có trẻ điếc ở nhà được cha mẹ quá cưng chiều nên càng lớn càng tỏ ra ngang tàng, chỉ thích quậy phá. Thấy cái gì không vừa ý là vứt bỏ, đập bể. Cha mẹ “bó tay” và đem vào trường cho cô giáo “trị”. Chỉ sau 1 tháng, chị đã đưa cậu học trò “cá biệt” này vào khuôn phép…
Trong lúc tôi và chị trò chuyện thì Vy và Long bước vào. Cả hai đều học đang học lớp 9. Chị giới thiệu với hai em rằng: cô H.Tr là phóng viên Báo Giáo Dục TP.HCM đến thăm Trường Hy Vọng I. Mặc dù hai học sinh đã có thâm niên 9 năm học nói nhưng nhìn chị và các em trò chuyện, tôi thấy hoa cả mắt. Bởi họ không chỉ nói bằng miệng, nghe bằng tai mà cả bằng tay, bằng mắt. Sau đó, Vy và Long bắt đầu trò chuyện với tôi. Có nhiều câu tôi không hiểu các em nói gì nên chị Ngời phải làm thông dịch viên. Ngược lại cũng có lúc Vy và Long không hiểu tôi nói gì tôi phải nói lại. Bởi vậy, thông tin tôi thu được từ cuộc trò chuyện này không nhiều nhưng chúng tôi phải mất khá nhiều thời gian. Không chỉ mất thời gian, tôi còn mất cả sức vì phải phát âm nhiều lần một câu hỏi, phải vểnh tai lên để nghe các em trả lời. Và qua buổi trò chuyện với Vy, Long, tôi đã phần nào hiểu được sự vất vả trong công việc của chị.
Ở Trường Hy Vọng I, học sinh không chỉ được học văn hóa mà còn được học nhiều thứ khác, trong đó có học nhạc. Kể cũng lạ, người điếc lại đi học nhạc. Song, trong suy nghĩ của chị Ngời thì “học đàn giúp các em khẳng định bản thân”.
Chị dẫn tôi vào lớp học nhạc, ở đấy có mười mấy học sinh và một thầy giáo. Nếu không được giới thiệu trước, chắc chắn tôi không nghĩ đây là lớp học của người điếc. Nghe và nhìn các em chơi đàn – không khác nào một nghệ sĩ chuyên nghiệp, tôi càng khâm phục chị hơn.
Bài & ảnh: Hòa Triều

Bình luận (0)