“Anh lấy 2 triệu đồng tiền chụp hình thôi, các khoản khác từ từ tính. Đồng ý thì bắt đầu ngay hôm nay. Thu nhập người mẫu bên anh mỗi tháng toàn trên chục “chai” (triệu đồng), đứa nào tệ lắm cũng 7-8 “chai”/tháng. Công ty anh toàn nhận show lớn, em chỉ đứng cười không thôi cũng bỏ túi 400.000 – 500.000 đồng". Thoáng thấy vẻ ngần ngừ trên khuôn mặt cô bé, người đàn ông tự xưng giám đốc V. bỗng thay đổi thái độ: “Còn hàng chục con đang đứng chờ tuyển ngoài kia kìa, anh không rảnh chờ em đâu”.
Các người mẫu chuẩn bị cho chương trình Đẹp Fashion show.
Ba bảy kiểu người mẫu
Chuyện bắt đầu từ những dòng quảng cáo trên một tờ báo cần tuyển chọn người mẫu cấp tốc cho một chương trình văn nghệ lớn. Những người đạt yêu cầu sẽ được đào tạo miễn phí, lăng – xê thành người mẫu nổi tiếng… Với dáng người khá chuẩn, khuôn mặt ưa nhìn, cũng như nhiều bạn trẻ khác, Nguyễn Thị Yến Oanh (sinh năm 1988) nuôi ước mơ một ngày nào đó sẽ trở thành một người mẫu, được sải bước trên sàn catwalk. Vì vậy, ngay khi đọc được mẩu quảng cáo, cô đã tìm đến công ty trên đường Hồ Văn Huê (quận Phú Nhuận) đăng ký.
Sau “thủ tục đầu tiên”, Yến Oanh cùng hơn chục bạn trẻ khác bắt đầu luyện tập trở thành người mẫu trong căn phòng nhỏ ọp ẹp. Oanh nhớ lại: “Trong căn phòng chật hẹp, chiều ngang chưa đến 4m, chiều dài hơn 7m, chúng tôi học cách tạo dáng, tập đi với cuốn sách đặt trên đầu hay với một quyển tập kẹp giữa hai đầu gối…”.
Không như quảng cáo ban đầu của giám đốc V. là trung tâm đào tạo để cung cấp diễn viên, người mẫu cho Công ty T.L. film nào đó và hứa hẹn về mức thu nhập “khủng”, quần áo hàng hiệu, những buổi event sang trọng, thay vào đó, cả nhóm phải trải qua hàng chục buổi thực tập làm PG (Promotion girl) đứng giới thiệu sản phẩm hoặc làm lễ tân… mà chẳng có một đồng thù lao.
“Mọi người thắc mắc hỏi thì ông giám đốc trả lời tỉnh queo: Người mẫu cũng có năm, bảy loại. Đâu phải cứ bước trên sàn biểu diễn mới là người mẫu. Nản quá, em và một số bạn bỏ luôn. Vậy là tan tành giấc mơ trở thành người mẫu, lại mất thêm một khoản tiền kha khá cho giày cao gót, đồ tập luyện, mỹ phẩm…”, Oanh ngao ngán kể thêm.
Sức hút của ánh đèn màu
Hiện nay, những câu chuyện tưởng như đùa ấy không còn quá xa lạ. Đánh trúng tâm lý nhiều bạn trẻ, nghề người mẫu hiện là một trong những nghề mang lại thu nhập “khủng” lại nhanh nổi tiếng. Không thiếu những cạm bẫy phơi ra ngay trước mặt người trẻ để lợi dụng sức lao động, tiền bạc… Trên cộng đồng mạng, cứ vài ngày lại xuất hiện một lô một lốc những cuộc tuyển chọn người mẫu từ những công ty truyền thông, những ông bầu, nhiếp ảnh gia “đỡ đầu” để lăng – xê các bạn trẻ có mơ ước thành sao.
Nhìn vào số lượng hơn 1.000 cô gái theo đuổi ước mơ thành “người mẫu hàng đầu” tham gia casting chương trình Vietnam’s next top model hay gần 4.500 thí sinh đăng ký dự thi F-idol 2011 (cuộc thi tìm kiếm thần tượng thời trang trực tuyến do VNG, Zing và nhãn hàng kem Celano phối hợp tổ chức) những ngày gần đây mới thấy sức hút to lớn của nghề này đối với các bạn trẻ. Chỉ cần có chút nhan sắc, chiều cao hoặc đủ sự tự tin, một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ nung nấu đam mê làm “top”.
Nguyễn Kim Hiền, cựu học viên lớp người mẫu tại Nhà Văn hóa Thanh Niên chia sẻ: “Để trở thành người mẫu, dáng đẹp, chân dài thôi vẫn chưa đủ. Trước đây tôi và nhiều người nghĩ nghề người mẫu rất đơn giản chỉ cần mặc đồ đẹp, đi tới đi lui vài vòng là được nổi tiếng, có một mức thu nhập “khủng”…”. Nhưng sàn catwalk không phải là môi trường mà bất kỳ “chân dài” nào cũng có thể thích nghi. Gần 3 năm, Kim Hiền chỉ mới dừng lại ở công việc làm người mẫu minh họa cho một số tạp chí hoặc lễ tân, PG cho một số chương trình.
Cô tâm sự: “Khẳng định mình đã khó, giữ được mình càng khó hơn. Chỉ một số rất ít người “nổi” lên được nhờ tài năng hoặc nhờ các chiêu lăng – xê của các ông bầu, còn đa phần người mẫu teen nếu không có mối quan hệ và tiền bạc, họ chỉ có thể trở thành PG cho các đêm tiệc, tệ hơn là làm việc ở các quán bar không lành mạnh…”.
Thời gian qua, làng thời trang – người mẫu Việt đã chứng kiến nhiều scandal trong giới lắm thị phi này. Tại những lớp đào tạo người mẫu, người ta chỉ dạy cho các bạn trẻ cách thức trình diễn làm sao để nổi bật, các chiêu trò để lăng – xê… mà không hề thấy ai đả động gì đến việc dạy những cô gái trẻ các chuẩn mực về đạo đức, văn hóa, ứng xử… dù đây là nghề thường xuyên xuất hiện trước công chúng và có nhiều cám dỗ.
Thanh An (SGGP)
Bình luận (0)