Nhiều ngày hội việc làm của Đoàn giúp thanh niên tìm việc – Ảnh: Như Lịch |
Không có hoặc thiếu việc làm không chỉ ảnh hưởng đến thu nhập, sức mua, mà còn dễ dẫn đến “nhàn cư vi bất thiện”. Đây là một trong những nguyên nhân làm phát sinh các tệ nạn xã hội, làm mất một lực lượng lao động trẻ khỏe, và xã hội phải tốn kém nhiều công sức, tiền của để ngăn chặn, khắc phục. Nó còn gây ra sự chán nản, suy giảm lòng tin của người không có việc làm…
Chính vì thế, trong Chiến lược phát triển thanh niên đến năm 2010 có mục tiêu cố gắng giảm thiểu tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm trong thanh niên, nâng cao thu nhập cho thanh niên và gia đình trẻ, với chỉ tiêu có khoảng 1 – 1,1 triệu thanh niên được giải quyết việc làm mỗi năm. Đến năm 2010 phải có 75% tổng số lao động thanh niên được giải quyết việc làm, tăng tỷ lệ thời gian lao động của thanh niên nông thôn lên 85%, thanh niên xuất khẩu lao động khoảng 0,8 – 1 triệu người, 4,8 – 5 triệu lao động trẻ được thu hút vào khu vực công nghiệp – xây dựng, 2,8 – 3 triệu lao động vào khu vực dịch vụ.
Các mục tiêu trên trong điều kiện bình thường đã khó thực hiện, trong điều kiện suy thoái kinh tế thế giới chưa biết đến bao giờ mới phục hồi, thì việc hoàn thành càng khó khăn. Ngoài ra còn do một số nguyên nhân khác:
Một là tỷ lệ lao động trong độ tuổi thanh niên chưa qua đào tạo còn rất lớn. Nếu tỷ lệ tổng số lao động đã qua đào tạo của cả nước mới chỉ đạt khoảng hơn 1/4 thì riêng lứa tuổi thanh niên cũng không hơn được bao nhiêu.
Hai, ngay số đã qua đào tạo vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập về ngoại ngữ, công nghệ thông tin, kỹ năng thực hành kém, mặc dù các trường đào tạo phát triển và nâng cấp rất nhanh (năm 2008 so với năm 1976, khối trung cấp có 273 trường, tăng 13 trường, với 621,1 nghìn học sinh, gấp 5,3 lần; khối cao đẳng, đại học có 345 trường, tăng 284 trường, với số sinh viên lên đến hơn 1,9 triệu, cao gấp 14,3 lần).
Ba, Việt Nam xuất phát từ nông nghiệp, chuyển sang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mặc dù tỷ lệ dân số thành thị năm 2008 là 27,9%, còn thấp xa so với các nước (đứng thứ 8/11 nước ở khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 41/50 nước và vùng lãnh thổ ở châu Á, đứng thứ 177/208 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới), nhưng đã xuất hiện dòng lao động nông thôn ra thành phố khá đông đảo, càng làm cho sức ép việc làm ở đây tăng lên; nay do tăng trưởng công nghiệp và dịch vụ bị co lại, một lượng người bị mất hoặc thiếu việc làm ở thành thị quay trở về nông nghiệp, nông thôn vốn đã thiếu việc làm và ở các làng nghề còn mất việc làm và thiếu việc làm cao hơn.
Bốn, hiện nhiều bạn trẻ vẫn còn tư duy của thời kế hoạch hóa tập trung bao cấp là ỷ lại vào Nhà nước, ý thức tự thân lập nghiệp chưa đủ mạnh. Một số nhà doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp trẻ chưa tích cực chuyển vốn về nông thôn, về quê hương lập doanh nghiệp để thu hút lao động…
Ngọc Minh (TNO)
Bình luận (0)