Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Lợi thế khi chuẩn bị tốt nguồn nhân lực

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Dan Mitchell, Trưởng bộ phận Mercer College khu vực ASEAN, vừa sang VN chia sẻ kinh nghiệm về quản lý, tư vấn nhân lực cho đội ngũ làm công tác nhân sự ở các doanh nghiệp

 

Phóng viên: Tình trạng cắt giảm nhân sự đang diễn ra tại nhiều doanh nghiệp (DN). Có nghĩa, đội ngũ làm công tác nhân sự phải giải bài toán làm thế nào để giữ người giỏi, đào thải người không phù hợp mà không gây ra sự xáo trộn…

– Ông Dan Mitchell: DN gặp khó khăn tất nhiên sẽ khó ổn định nhân lực. Trong tình huống như thế, để giữ nhân tài thật sự gắn bó với công ty, nhà quản lý nên đối thoại cởi mở với nhân viên, giúp họ nhận thức được tình hình khó khăn của DN. Tuy nhiên, điều này không dễ. Tôi từng chứng kiến một khách hàng có chính sách đối thoại trực tiếp, cởi mở với nhân viên về việc sa thải, giữ và khuyến khích người tài trong tình cảnh khó khăn. Dù đã hiểu rõ nhưng nhân viên vẫn bị tác động, giảm sút tinh thần làm việc, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc.
Theo tôi, trong trường hợp này, các DN cần có kế hoạch đối thoại rõ ràng và được thực hiện bởi những người quản lý cấp cao với sự hỗ trợ của chuyên viên nhân sự. Kế hoạch đối thoại phải được chuẩn bị sớm. Cần hết sức tránh tình trạng nhân viên đã biết mọi chuyện, công ty mới đưa ra đối thoại. Khi ấy đã quá muộn.
ng đánh giá thế nào về những người làm nhân sự tại VN?

– Vài năm trở lại đây, kinh tế VN phát triển nhanh chóng kéo theo sự tăng trưởng kinh doanh của các công ty; làm cho nhân viên bận rộn nhiều hơn nên rất khó tách họ ra khỏi công việc hằng ngày để tham dự các khóa đào tạo nâng cao kỹ năng. Tình trạng này càng đặc biệt đúng đối với các chuyên viên nhân sự vì họ phải tập trung cho việc đào tạo, phát triển các bộ phận khác mà không có thời gian dành cho việc phát triển kỹ năng nhân sự của chính bản thân và bộ phận của mình.

Ông Dan Mitchell nhìn nhận hiện đã có nhiều DN chú trọng đầu tư vào việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Những DN này hy vọng rằng họ sẽ có được nguồn nhân lực tốt vì cạnh tranh giữa các DN cũng chính là cạnh tranh về nhân lực.

Nhưng đó không phải là lỗi của nhân viên…

– Đúng vậy. Không ít DN chỉ muốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh mà không chú trọng đến ngân sách cho đào tạo, phát triển nhân sự. Thêm vào đó, các DN thường cho rằng nhân viên sẽ được đào tạo qua công việc thực tế mà quên đi việc nâng cao kỹ năng sẽ giúp nhân viên trở nên “hấp dẫn” hơn đối với DN. Đến khi tỉ lệ tăng trưởng của DN ở mức ổn định, áp lực cạnh tranh cao, các DN mới nhận ra việc nâng cao kỹ năng rất quan trọng đối với chiến lược kinh doanh của DN và bắt đầu xem việc đào tạo, phát triển là công cụ hỗ trợ cho việc cải thiện năng suất lao động; đồng thời cũng là chính sách để giữ người tài, cạnh tranh nhân lực với đối thủ.

Tập đoàn Điện Bàn (KCN Lê Minh Xuân – TPHCM) tuyển nhân lực tại Ngày hội Việc làm liên trường. Ảnh: H.NGA

Theo ông, các DN cần chuẩn bị gì trước khi kinh tế hồi phục?

– Thị trường lao động phản ánh sự vận động và tăng trưởng của nền kinh tế. Khi kinh tế khởi sắc, thị trường lao động sẽ phục hồi. Để hoạt động tốt khi kinh tế phục hồi, ngay từ bây giờ, các DN cần xem xét lại chiến lược kinh doanh và nguồn nhân lực cho chiến lược đó. Lợi thế cạnh tranh sẽ thuộc về những DN có sự chuẩn bị tốt hơn về nguồn nhân lực.
Cụ thể, người phụ trách nhân sự sẽ phải làm gì?

– Việc mà các giám đốc nhân sự cần làm là hỗ trợ các chuyên viên quản lý cấp cao xem xét lại năng lực và hiệu quả làm việc của nhân viên. Nếu phát hiện có khoảng cách lớn giữa mục tiêu phát triển và năng lực làm việc thực tế của nhân viên, các giám đốc nhân sự phải thông báo ngay cho quản lý bộ phận biết để triển khai kế hoạch đào tạo trước khi khoảng cách này tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh.

Huỳnh Nga (nld)

Bình luận (0)