Bác sĩ ngại kê toa thuốc nội cho bệnh nhân, BV không mặn mà với thuốc nội và người tiêu dùng với tâm lý muốn mua thuốc ngoại… chính là hệ quả thuốc nội vẫn còn quá khiêm tốn trên thị trường. Mặc dù giành được 50% thị phần trên thị trường dược phẩm VN, song thuốc nội vẫn khó vào được các BV lớn, BV chuyên khoa…
Phải mua cho được thuốc ngoại!
Chỉ cần có thông tin thuốc ngoại tăng giá là nhà thuốc và người bệnh lại lo. Nhà thuốc lo vì phải giải thích cho người bệnh mua thường xuyên tại sao tăng giá, còn người sử dụng lo vì phải mất một khoản tiền lớn. Điều đáng nói, nhiều loại thuốc đã được nhượng quyền sản xuất tại VN với hoạt chất tương đương, giá thành rẻ và chỉ khác tên gọi, tuy nhiên, để loại thuốc này đến tay người tiêu dùng quả thật không phải dễ.
Lãnh đạo TPHCM kiểm tra thuốc bình ổn giá tại một điểm bán thuốc ở quận 3.
Qua tìm hiểu tại hiệu thuốc L.C trên đường Hai Bà Trưng, quận 3 (TPHCM), PV Báo Lao Động chứng kiến, một người cầm toa thuốc yêu cầu nhân viên bán đúng theo toa với bệnh viêm hô hấp của đứa con 3 tuổi. Cả hai loại thuốc mà BS kê toa đều là thuốc ngoại như: Augmentin 500 (kháng sinh) và Enterogemina (men vi sinh) với 5 ngày uống. Khi nhân viên bán thuốc đưa ra giá tiền Augmentin gần 20.000 đồng/gói và men vi sinh khoảng 7.000 đồng/ống với tổng cộng tiền thuốc gần 300.000 đồng/5 ngày thì người mua đành phải bấm bụng xin mua từng ngày. Trong khi đó, người bán tư vấn chuyển sang thuốc nội với hoạt chất tương đương giá thành rẻ hơn 3 lần thì nhận được cái lắc đầu của người mua. Theo nhân viên bán hàng ở đây, lượng thuốc nội bán ra chỉ chiếm khoảng 30 – 40% tổng số thuốc, chủ yếu là thuốc trị các bệnh thông thường. Còn thuốc đặc trị thì chỉ đếm trên đầu ngón tay.
BS Trần Thị Thu Loan – Trưởng khoa Hô hấp của BV Nhi Đồng 2 – cho biết, nhiều lúc phát thuốc nội, gia đình bệnh nhân lấy về bỏ lăn lóc và cầm toa đi mua thuốc ngoại có công thức tương đương. Mặc dù các BS đã giải thích, các loại thuốc nội đã được BV cho bệnh nhân dùng nhiều năm nay có hiệu quả và không nhất thiết dùng thuốc ngoại, nhưng gia đình bệnh nhân vẫn không tin.
Càng lên tuyến trên, thuốc nội càng teo tóp
Theo Sở Y tế TPHCM, tổng giá trị tiền thuốc của các BV trên địa bàn TPHCM chiếm khoảng 20% tổng lượng của cả nước. So với tổng
chi phí của BV, tiền thuốc chiếm một tỉ lệ rất lớn (từ 60-70%). Chi phí cho thuốc quá cao có thể xuất phát từ nguyên nhân: Sự lạm dụng trong kê đơn điều trị về chủng loại, số lượng thuốc cũng như tâm lý sùng bái các loại thuốc đắt tiền.
PGS – TS Phạm Khánh Phong Lan cho biết, trên thực tế những năm gần đây, Sở Y tế TPHCM đã ghi nhận việc kê đơn điều trị đã có nhiều biến chuyển theo xu hướng tích cực, dần dần đã có sự tin tưởng đối với thuốc trong nước với khoảng 50% tổng chi phí tiền thuốc là thuốc sản xuất trong nước; tỉ lệ này đang tăng dần từng năm. Đặc biệt, các BV quận, huyện, một số BV làm rất tốt, đạt 70-95%. Đối với các BV tuyến thành phố, các BV đa khoa, tỉ lệ này thấp hơn.
Đa số các BV đạt mức 30-40%. Tại các BV chuyên khoa, tỉ lệ này thay đổi rõ rệt từ cao ở mức 30-40% cho đến thấp đặc biệt – chỉ khoảng 5% ở BV Mắt, BV Tim và BV Ung bướu TPHCM. Con số trên cho thấy, BV tuyến dưới, do bị hạn chế danh mục thuốc nhập khẩu nên tỉ lệ sử dụng thuốc nội cao, trong khi các BV tuyến trên, đặc biệt là BV chuyên khoa sâu, việc sử dụng các loại thuốc đặc trị rất lớn. Đây lại là điểm yếu của ngành dược trong nước.
Càng lên BV tuyến trên, chuyên khoa thì thuốc nội bị… ra rìa. Theo lãnh đạo BV Từ Dũ, thuốc nội sản xuất trong nước được bán tại BV chiếm khoảng 50% trong tổng số 350 loại thuốc đang bày bán. Riêng thuốc bình ổn chiếm khoảng 15% trong phân khúc thuốc nội và chiếm khoảng hơn 2% trong tổng doanh thu nhà thuốc.
Thuốc là sản phẩm mà người sử dụng không có quyền quyết định khi sử dụng. Việc sử dụng thuốc phải theo quyết định, chỉ định của thầy thuốc. Câu hỏi đặt ra, tai sao thuốc nội vẫn đứng ngoài cuộc? Bên cạnh lý do là cuộc chiến khốc liệt về hoa hồng cho BS, ưu đãi quảng cáo, tâm lý người bệnh thích thuốc ngoại thì một nguyên nhân khác xuất phát từ chủ quan từ các DN sản xuất dược, đó là các DN đang tự… giết mình.
Võ Tuấn
Theo Lao Động
Bình luận (0)