Các loại dịch vụ nông nghiệp cần thiết cho sản xuất vụ lúa đông xuân ở đồng bằng sông Cửu Long đang đua nhau tăng giá vùn vụt khiến nhà nông đứng ngồi không yên.
Đầu tháng 11.2010 ông Trần Văn Cảnh ở xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè (Tiền Giang) đi thuê máy xới để trục cỏ, dọn đất chuẩn bị gieo sạ 1,5ha lúa đông xuân. Chủ máy ra giá 100.000 đồng/công đất (1.000m2), ông Cảnh chê mắc, bởi vụ lúa trước giá thuê máy xới chỉ có 65.000 đồng/công. Nhưng đi khắp vùng, chủ máy xới nào cũng đòi giá 100.000 đồng/công, nhiều ông chủ máy xới còn nói thẳng: “Không thuê giá đó thì về… mướn trâu đi trục”. Ông Cảnh bấm bụng thuê máy vì thời vụ đã cận kề nhưng mặt buồn hiu: “Năm nay mùa nước nổi không về nên cỏ dại, lúa chét mọc nhiều quá, không thuê máy dọn đất thì làm sao sạ lúa”.
Dịch vụ máy trục, máy xới đất là một trong những dịch vụ tăng giá cao nhất trong vụ sản xuất lúa đông xuân ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Giá cao vẫn phải mua
Ở đồng bằng sông Cửu Long, hàng triệu nông dân đang nhấp nhổm như ngồi trên đống lửa bởi giá cả các loại dịch vụ cần thiết phục vụ sản xuất đông xuân đều tăng vùn vụt. Ông Nguyễn Văn Minh ở xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) than: “Dịch vụ máy xới, máy trục tăng giá, tiền công bơm nước cũng tăng. Lúc trước thuê máy bơm nước cho 1ha ruộng tốn khoảng 60.000 đồng, nay các chủ máy bơm tăng giá lên 85.000 đồng, nông dân không thuê họ cũng không cần nài nỉ”.
Theo ông Dương Nghĩa Quốc, giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đồng Tháp, vụ đông xuân 2010 – 2011 toàn tỉnh có hơn 200.000ha lúa nhưng do tất cả các loại dịch vụ phục vụ sản xuất đều tăng với tốc độ phi mã nên ước tính chi phí sản xuất vụ lúa đông xuân sẽ không dưới 20 triệu đồng/ha, trong khi các vụ lúa trước chi phí chỉ 15 triệu đồng/ha là hết mức.
Trong khi đó tại Long An, ông Lê Minh Đức, giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cho biết vụ đông xuân 2010 – 2011 toàn tỉnh sẽ gieo sạ 240.000ha, trong đó vùng Đồng Tháp Mười có khoảng 180.000ha nhưng hiện nay nhà nông đang điêu đứng vì giá dịch vụ tăng quá cao, không cách gì kềm giữ được. “Mọi năm chi phí sản xuất lúa ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười tối đa là 14 triệu đồng/ha, nhưng mới đây khảo sát của ngành nông nghiệp cho thấy chi phí vụ đông xuân đã lên gần 19 triệu đồng/ha”. Theo tiến sĩ Lê Hữu Hải, trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Cai Lậy (Tiền Giang), nếu đầu năm 2011 khô hạn đến sớm, thiếu nước tưới lúa buộc nhà nông phải đặt máy bơm bơm chuyền hai, ba cấp thì chi phí sản xuất sẽ còn tiếp tục tăng.
Lo lỗ vốn
Nhiều nông dân ở các tỉnh tính toán, nếu chi phí sản xuất ở mức 20 triệu đồng/ha, cho dù giá lúa bình ổn ở mức 4.000 đồng/kg thì nông dân sẽ lỗ, bởi năng suất lúa đông xuân tối đa chỉ đạt 8 tấn. “Nếu năng suất 8 tấn/ha, giá lúa 4.000 đồng/kg thì nhà nông vẫn lỗ 4 triệu đồng/ha. Nhưng nhiều năm rồi, khi nông dân thu hoạch rộ lúa đông xuân thì giá lúa chưa bao giờ lên đến 4.000 đồng/kg”, nông dân Lê Văn Mạnh ở xã Đốc Binh Kiều lo lắng nói. Trước viễn cảnh đó, nhiều nông dân ở huyện Bình Tân (Vĩnh Long) đã quyết định không dọn đất gieo sạ lúa đông xuân, chấp nhận bỏ đất trống vài tháng để cải tạo ruộng trồng… khoai lang vì hiện nay sản phẩm này đang rất hút hàng, được giá.
Bên cạnh đó, tại Long An, ông Lê Minh Đức cho biết các ngân hàng chưa có động thái gì về việc cho nông dân vay vốn sản xuất lúa đông xuân. “Hiện nay tôi chưa nghe ngân hàng nào công bố hạn mức cho vay và lãi suất nên nông dân và ngành nông nghiệp rất lo lắng”, ông Đức nói. Trong khi đó ở Đồng Tháp, ông Dương Nghĩa Quốc cho biết các ngân hàng trong tỉnh đã cam kết với ngành nông nghiệp và UBND tỉnh sẽ cung ứng đủ nguồn vốn cho nông dân vay sản xuất lúa đông xuân với hạn mức cho vay là 20 triệu đồng/ha theo đề nghị của ngành nông nghiệp. Tuy vậy nhiều nông dân vẫn rất lo lắng vì hiện nay nhà nước đã công bố không khống chế lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng thương mại, nhiều khả năng nông dân phải vay vốn sản xuất lúa với lãi suất cao.
bài và ảnh: Hùng Anh / SGTT
Bình luận (0)