Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Con đường gốm sứ thắm tình yêu Hà Nội

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Màu xám xịt nhếch nhác của bờ tường dọc đường đê sông Hồng đang dần biến mất, nhường chỗ cho những màu sắc, họa tiết, hình ảnh nghệ thuật.

Thiếu nhi và tình nguyện viên nước ngoài tham gia ngày hội vẽ cho Con đường gốm sứ tổ chức tại Cung Thiếu nhi Hà Nội – Ảnh: Công ty Tân Hà Nội

Con đường gốm sứ hiện đã hoàn thành 1.500m2 tranh gốm, trong đó có hai trường đoạn Dấu ấn định đô Thăng Long và Phố cổ Hà Nội, nhiều trường đoạn khác đang được tiếp tục thi công. Đằng sau những trường đoạn đường gốm với rồng thiêng, chim lạc, sử thi… là công sức của hàng nghìn nghệ sĩ trong nước, quốc tế, các em thiếu nhi, tình nguyện viên và người dân cùng chung niềm đam mê nghệ thuật và tình yêu Hà Nội.

Nghệ sĩ nhiệt tình ủng hộ

Từ ý tưởng và bản dự án “Con đường gốm sứ ven sông Hồng – quà tặng Thăng Long – Hà Nội 1.000 năm” của nhà báo Nguyễn Thu Thủy, tháng 10-2007 UBND thành phố Hà Nội đã ra quyết định chính thức giao cho Công ty nghệ thuật Tân Hà Nội triển khai dự án Con đường gốm sứ ven sông Hồng. Dự kiến dự án hoàn thành toàn bộ vào năm 2013, với tổng chiều dài 4,2km, diện tích khoảng 10.000m2.

Có sáu mảng nội dung lớn được thể hiện, gồm: tái hiện, tôn vinh di sản hoa văn VN qua các thời kỳ Phùng Nguyên- Đông Sơn- thời Lý- Trần- Lê- Nguyễn; các tác phẩm tranh gốm hiện đại của các nghệ sĩ ba miền, những tác phẩm tranh gốm đương đại của nghệ sĩ quốc tế và tranh thiếu nhi với chủ đề “Thành phố vì hòa bình”…

Tháng 5-2007, hay tin về dự án Con đường gốm sứ, nghệ sĩ gốm Joel Bennett – phó giáo sư Trường ĐH Mỹ thuật Santa Rosa (California, Mỹ) – lập tức sang VN tham dự trại sáng tác gốm với các nghệ sĩ VN tại Bát Tràng. Anh trở thành nghệ sĩ gốm quốc tế đầu tiên tham gia đóng góp công sức, ý tưởng cho dự án Con đường gốm sứ.

Tới đầu năm 2008, hai vợ chồng nghệ sĩ Jon Pounds và Olivia Gude, lãnh đạo Nhóm nghệ thuật công cộng Chicago (Mỹ), tham gia dự án, trực tiếp làm những viên gạch gốm đầu tiên. Tiếp đó, lần lượt nghệ sĩ Pháp Jacob Raymond, Dominique De Miscault tự tay hoàn thành trường đoạn Sử thi Đẻ đất đẻ nước trên đường đê sông Hồng. Nghệ sĩ gốm Đan Mạch Michael Geertsen tham gia hoàn thành đoạn tranh gốm hiện đại 60m2 trên đê Yên Phụ. Nhà nghiên cứu nghệ thuật Tây Ban Nha Nana cũng đang giúp mời các nghệ sĩ gốm từ Barcelona và Valencia sang tham gia dự án.

Anh Nguyễn Huy Cường – giám đốc Công ty nghệ thuật Tân Hà Nội – cho biết số lượng nghệ sĩ, du khách nước ngoài đăng ký tham gia góp sức xây dựng Con đường gốm sứ ngày càng nhiều. Một nghệ sĩ nước ngoài đề xuất ý tưởng “bán” 1m2 tranh gốm với giá 500 USD (số tiền này dùng chi cho việc thi công các trường đoạn) và đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhiều nghệ sĩ, du khách nước ngoài. “Nhiều nghệ sĩ đến từ Đan Mạch, Tây Ban Nha, Anh, Hà Lan đang chờ được tham gia dự án. Học viện Gốm sứ Ý tổ chức hẳn cuộc thi tại trường chỉ để chọn một người sang tham gia làm Con đường gốm sứ” – anh Cường cho biết.

Không chỉ các nghệ sĩ nước ngoài, hàng chục nghệ sĩ trong nước như nhà điêu khắc lão làng Bùi Viết Đoàn, Hà Huy Mười, họa sĩ Lê Huy Tiếp, Ngô Bá Hoàng, nhà thơ Bằng Việt, nhà Hà Nội học Nguyễn Vĩnh Phúc… đã tự nguyện lăn lộn “ăn đường, ngủ hè” làm không công ngay từ giai đoạn đầu của dự án.

Nhiều nhà sưu tập từ TP.HCM, Bình Định, Quảng Ngãi, Huế, Bắc Giang, Phú Thọ hay tin cũng đã gửi rất nhiều hiện vật, mảnh vỡ gốm sứ làm nguyên liệu cho dự án. Nhà sưu tập Vũ Văn Lập từ huyện Yên Thế (tỉnh Bắc Giang) còn gói ghém cẩn thận nhiều mảnh vỡ sau bao năm dày công sưu tầm gửi cho dự án để làm nguồn tư liệu sáng tác trường đoạn Cổ vật tinh hoa của Con đường gốm sứ.

Trường đoạn Dấu ấn định đô Thăng Long được hoàn thành với bức tranh gốm rồng nhà Lý rộng 300m2 – Ảnh: Lâm Hoài

Làm đẹp không gian sống

Xưởng sáng tác của dự án Con đường gốm sứ tại Yên Phụ thời gian qua lúc nào cũng tấp nập hàng trăm nghệ sĩ, tình nguyện viên, các em thiếu nhi tham gia cắt mảnh, tô màu, ghép tranh chế tác các hình mẫu cho con đường gốm sứ. Tại cửa khẩu Tân Ấp, hàng trăm thiếu nhi các trường học ở Hà Nội đã tham gia hoàn thành đoạn tranh dài 200m với chủ đề “Em yêu Hà Nội”.

Điều đặc biệt, những hình ảnh sặc sỡ, vui nhộn của tường gốm được sao chép từ chính những bức tranh do thiếu nhi Trường tiểu học An Dương, trẻ em đường phố khu vực Nghĩa Dũng – Phúc Xá ven sông Hồng, các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn tại Thuận Thành (Bắc Ninh) vẽ.

Những ngày cuối tuần, hàng chục nghệ sĩ và các em thiếu nhi thường xuyên có mặt tham gia xây dựng công trình. Những đoạn đường hoàn thành rồi lại xuất hiện những tình nguyện viên thầm lặng canh giữ, nhắc nhở mọi người không xâm phạm công trình, lau chùi cho bức tranh tường sạch đẹp. Người dân khu vực Yên Phụ, Nghi Tàm cũng góp sức mình vào việc xây dựng và giữ gìn những bức tranh gốm.

Chia sẻ về Con đường gốm sứ, nghệ sĩ Michael Geertsen cho biết: “Nghệ thuật công cộng là cách tốt nhất để hướng con người tới tình yêu và trách nhiệm với cộng đồng”. Còn nghệ sĩ Jon Pounds bày tỏ sự ngạc nhiên: “Tôi không nghĩ rằng có một dự án nghệ thuật công cộng có quy mô lớn như vậy ở Hà Nội. Đây là sự kết hợp tuyệt vời giữa sáng tạo nghệ thuật và hoạt động xã hội vì cộng đồng”.

Anh Nguyễn Huy Cường cho biết mục tiêu lớn nhất của dự án là mang lại cho cộng đồng thông điệp về việc giữ gìn và làm đẹp không gian sống của mình: “Xung quanh chúng ta không gian đang bị bôi bẩn đến báo động. Thay vì kêu ca, bạn hãy giữ gìn và làm đẹp nó theo cách của mình”.

LÂM HOÀI (Theo TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)