Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Xu hướng mới trên thị trường bất động sản

Tạp Chí Giáo Dục

Khi các dự án căn hộ hoặc đất nền tại TP.HCM đã “bão hòa” về giá, các chủ đầu tư đã tìm kiếm cơ hội kinh doanh, liên kết với các đối tác ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai.

Chuyển địa bàn đầu tư
Cầu Đồng Nai đưa vào sử dụng cũng góp phần cho thị trường nhà đất địa phương khởi sắc  – Ảnh: T.T.B
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Giám đốc sàn giao dịch bất động sản (BĐS) Tín Nghĩa cho rằng, trong lúc nhiều dự án căn hộ hoặc đất nền ở TP.HCM khá trầy trật khi bung hàng bán ra thị trường thì một số dự án ở Long Thành, Nhơn Trạch, Thống Nhất (Đồng Nai) lại hút một số khách hàng khá lớn. “Các dự án tại Đồng Nai có hai ưu điểm: thứ nhất, các dự án đều đã có hạ tầng giao thông kết nối và khi hoàn thành hạ tầng kỹ thuật của dự án, người mua đất có thể xây nhà vào ở ngay; thứ hai là các tuyến đường chính đi qua địa bàn Đồng Nai như trục giao thông cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đang được khẩn trương thực hiện, hoặc tuyến đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết sắp tới cũng sẽ được triển khai thi công” -bà Hương nói. Dân cư đông đúc sống theo trục quốc lộ 1A và hệ thống dịch vụ khá hoàn chỉnh tại địa bàn Đồng Nai cũng là yếu tố thu hút các nhà đầu tư thứ cấp bỏ vốn vào kinh doanh nhà đất ở khu vực này.
Bà Nguyễn Thị Thu, một nhà đầu tư ở phường 9, quận Phú Nhuận đến dự buổi công bố bán đất nền dự án khu đô thị sinh thái Giang Điền (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) với nhận định: “Đất nền ở Đồng Nai còn rẻ. Với giá bình quân 3 triệu đồng/m2 ở dự án Giang Điền, tôi có thể đầu tư được. Còn giá đất nền ở TP.HCM đã lên đến “đỉnh” nên mua rồi rất khó bán lại”. Bà Thu cho biết, để mua 3 nền đất ở Giang Điền, bà đã bán lại một căn hộ ở quận 7. “Tôi tin tưởng rằng, với một dự án có sự hài hòa giữa thiên nhiên trong lành và cũng không cách xa TP.HCM là bao, sẽ có nhiều người tìm về đây ở”.
Với hệ thống hạ tầng, đường sá và thiên nhiên ưu đãi cũng như chỉ số cạnh tranh đầu tư ngày càng được nâng cao, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương đã trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư. Điều này được minh chứng rõ qua các buổi công bố bán đất dự án Hưng Phước, Giang Điền của các công ty địa ốc Đất Xanh, dự án Phú Tín của sàn giao dịch BĐS Tín Nghĩa, dự án Ecolakes tại Bến Cát của liên doanh SetiaBecamex… Ngoài ra, dự án chợ và khu phố chợ Thống Nhất gồm 317 nền đất và nhà xây thô (tọa lạc ngay ngã ba Dầu Giây) mặc dù đến tháng 3 mới bán ra nhưng qua thăm dò, sàn giao dịch BĐS Tín Nghĩa cho biết đã có nhiều khách hàng đăng ký tham gia giao dịch, trong đó có không ít người đến từ TP.HCM.
Đề cập đến việc nhiều nhà đầu tư tìm mua đất nền tại các tỉnh lân cận TP.HCM, một vị lãnh đạo Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho rằng: “Một nền đất tại quận 2, quận 7 hiện có giá lên đến vài tỉ đồng, trong khi chỉ cần 1 tỉ đồng đã có thể đầu tư 2-3 nền đất ở các dự án khác tại Đồng Nai hoặc Bình Dương. Sự chia nhỏ suất đầu tư và dễ dàng bán lại đất với một mức lợi nhuận ít hơn nhưng thu hồi vốn nhanh là điều thu hút nhà đầu tư. Mặt khác, sự kết nối hạ tầng ngày càng đồng bộ cũng là yếu tố làm cho thị trường đất nền ở các tỉnh càng ngày càng trở nên hấp dẫn hơn”.
“Ăn theo” hạ tầng giao thông
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA nhận định: “Xu hướng đầu tư của các nhà phát triển BĐS hoặc một bộ phận các nhà đầu tư thứ cấp vào các tỉnh đều căn cứ vào vị thế của từng khu vực phát triển của tỉnh đó. Ví dụ, từ trước đến nay, sau TP.HCM nhiều nhà đầu tư đã chuyển vốn vào Bình Dương, Đồng Nai hoặc Long An nhưng nhiều người cũng đang tính chuyện đầu tư vào Tiền Giang sau khi đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương đưa vào sử dụng. Một số nhà đầu tư có tầm nhìn đang hướng đồng vốn của mình vào các khu vực thuộc Vùng đô thị vệ tinh TP.HCM, gồm các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu…”.

Tại TP.HCM, trong khi giao dịch các loại nhà phố, chung cư tại khu vực nội thành khá yên ắng và đứng giá thì các dự án ở ngoại thành, nhất là các khu vực có tuyến giao thông trọng điểm khá sôi động. Tại sàn giao dịch của Công ty cổ phần dịch vụ BĐS Nguyễn Gia nằm trên đường Nguyễn Duy Trinh (quận 2), ông Nguyễn Văn Minh – Phó phòng kinh doanh cho biết: “Trong ba tháng cuối năm 2009, giá đất nền ở quận 2 và quận 9 đều giảm so với trước và số vụ giao dịch cũng giảm. Tuy nhiên, trong tháng 1.2010 số vụ giao dịch đã tăng lên rõ rệt và giá bán không còn giảm nữa”.

Tại một điểm môi giới nhà đất trên đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9), nhân viên Nguyễn Đình Quý giới thiệu giá đất của dự án Gia Phú được rao bán với mức 11 triệu đồng/m2 và người mua có thể xin phép xây dựng nhà ngay vì đất dự án đã có “sổ đỏ”. Trong khi đó, đất tại dự án Chiến Thắng được rao với mức 8 triệu đồng/m2. Còn với dự án Đông Dương (thuộc phường Phú Hữu), giá đất rao bán vẫn giữ ở 7,5 triệu đồng/m2. “Nếu mua đất Đông Dương thì phải 2 – 3 năm sau mới có thể xây nhà vì khu vực này còn rất vắng vẻ, mặc dù hạ tầng đã đầu tư gần xong” – anh Quý nói.
Lý giải vấn đề giao dịch đất đai ở một số khu vực sôi động trở lại, các chuyên gia cho rằng đó là do TP.HCM đang khẩn trương thi công các dự án hạ tầng giao thông ngoại thành. Chẳng hạn dự án cầu nối quận 9 với Nhơn Trạch (Đồng Nai) hoặc tuyến đường Vành đai ngoài. Riêng với quận 7 và Bình Tân, các dự án cầu Phú Mỹ và Đại lộ Đông – Tây khi hoàn thành đã làm cho các dự án BĐS khởi sắc. “Đất ở quận 7 nay đã trở thành “đất vàng” vì hệ thống giao thông kết nối đã khá hoàn chỉnh. Giá đất tại nhiều dự án do các nhà đầu tư thứ cấp mua đi bán lại đã tăng giá từ 10-20% so với cuối năm 2009” – ông Trương Thành Nhân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Vạn Phát Hưng cho biết.
Trần Thanh Bình / TNO

 

Bình luận (0)