Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Dạ cổ hoài lang “động”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Cuộc thi Bông lúa vàng cũng là một động thái khuyến khích lớp trẻ tìm về với âm nhạc dân tộc – Ảnh: H.Kim
Hội thảo "90 năm Dạ cổ hoài lang" được tổ chức xôm tụ tại TP.HCM vừa qua là động thái đáng trân trọng của những người làm nghệ thuật. Chúng ta đều tự hào với di sản do tiền nhân để lại, nên không tiếc công sức nghiên cứu, bình luận, lý giải… Có nghĩa là, chúng ta chú trọng đào sâu về cơ sở lý luận để nâng bản Dạ cổ hoài lang lên một tầm vóc xứng đáng, còn có thể đề xuất là di sản văn hóa phi vật thể.

Tuy nhiên trên thực tế, lớp trẻ hôm nay hầu hết đều không biết hát nhạc dân tộc. Thử đi khảo sát ở bất cứ lớp học nào, trường học nào, sẽ thấy có đến 90% học sinh không biết hát những điệu lý dễ hát nhất chứ đừng nói một bài kinh điển (và khó hơn) như Dạ cổ hoài lang hay vọng cổ. Hầu hết chỉ hát nhạc trẻ, nhạc nước ngoài.

Thôi thì, hát nhạc trẻ, nhạc ngoại thì cứ hát, chỉ mong lớp trẻ có thể biết một vài bài bản dân tộc để "làm vốn". Thật sự, là một người Việt Nam mà không biết một bài nhạc dân tộc nào thì đáng để suy nghĩ.

Thế cho nên, hội thảo hay nghiên cứu, lý luận, chỉ là giữ âm nhạc dân tộc ở hình thái tĩnh, còn đem âm nhạc dân tộc ra phổ biến rộng rãi mới là hình thái động, thiết thực hơn nhiều. Chúng tôi từng trải qua một thời tuổi trẻ, chẳng được biết nghiên cứu, lý luận gì cả, nhưng cứ được nghe hát suốt trên đài, nghe cô dì chú bác hát ngoài ruộng, rồi vô trường học lại nghe thầy cô giáo dạy chập chững từng giai điệu mênh mang… Thế là thấm hết vào lòng. Thế là biết hát, biết cảm, trước khi biết lý luận.

Bây giờ, chúng ta phải hành động thiết thực bằng cách tận dụng 12 năm ngồi ghế nhà trường của các em để dạy cho các em biết một số bài cơ bản của nhạc dân tộc. Chúng tôi đã thử nghiệm dạy cho học sinh tiểu học, trung học và cả sinh viên đại học những điệu lý dễ nhất, thì trong 15 phút các em đã học xong một bài, hát rất tốt, và rất thích thú.  Hiện nay, giờ học nhạc của các em gần như là tân nhạc, và ngồi kẻ những nốt đồ rê mi pha son khô khan. Nghĩa là, chúng ta lại có thói quen đi vào lý luận quá sớm, mà lẽ ra phải làm ngược lại, cho các em cảm thụ trước đã, yêu thích trước đã. Và mỗi năm, chỉ cần dạy cho các em 5 bài, thì 12 năm các em đã "có vốn" khá nhiều, đã thấm đẫm cái hồn dân tộc.

Có một câu chuyện mà tôi được nghe kể, rằng trong một đêm lửa trại của một liên hoan thanh niên đến từ nhiều quốc gia, các đại biểu trẻ mỗi nước đều trổ tài hát và nhảy múa các làn điệu dân tộc của mình, rõ là rất tự hào. Riêng đại biểu trẻ của Việt Nam thì hát tân nhạc. Chắc là bạn đó không có một bài bản dân tộc nào làm vốn lận lưng, khi cần thiết làm sao "tung chiêu" cho kịp!

Hoàng Kim (Theo TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)