Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Phim ‘Chơi vơi’ dự LHP Venice, Toronto

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ phim mới nhất của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên với dàn diễn viên tên tuổi được lựa chọn tham gia chương trình Điện ảnh thế giới hiện đại và sẽ tranh giải tại hai liên hoan phim Venice và Toronto vào đầu tháng 9.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho rằng, những cảnh nóng trong "Chơi vơi" được thể hiện tinh tế và đẹp.

Đạo diễn của "Sống trong sợ hãi", "Chơi vơi" trò chuyện với VnExpress.net.

Anh cảm thấy thế nào khi “Chơi vơi” là bộ phim nhựa đầu tiên của Việt Nam được mời tham dự liên hoan phim Venice?

– Venice là một trong những liên hoan phim danh tiếng nhất hành tinh. Được trình chiếu tại một liên hoan phim lớn như Venice là mơ ước của những người làm phim trên thế giới.

Tác phẩm mang đến Venice là thường là phim của những nền sản xuất tầm cỡ cả về tiền bạc và danh tiếng. Nói theo quy luật hàng hóa và thị trường, ngành công nghiệp giải trí thế giới cần những cái chợ và những nhãn mác tiêu chuẩn cho từng loại sản phẩm. Sự ra đời của các liên hoan phim lớn nhỏ phục vụ mục đích này. Được lựa chọn vào một liên hoan phim chính là cái nhãn đo chất lượng của phim và của nền sản xuất phim quốc gia đó.

Tôi hiểu ra được nhiều điều khi nhận được lời mời tham dự liên hoan phim này.

Những điều anh hiểu ra khi nhận lời mời, là gì?

– Ngoài 3 ngày khách sạn cho đạo diễn và diễn viên chính, tất cả phim được mời đến Venice đều phải tự trang trải chi phí đi lại ăn ở và chi phí in bản phim, làm phụ đề tiếng Italy và vận chuyển. Nếu chúng tôi đến Venice đủ 10 ngày diễn ra liên hoan phim, một người tiêu hết 4.000 euro (97 triệu đồng). Với một đạo diễn như tôi, sau 2 năm làm phim thù lao khoảng 70 triệu đồng theo duyệt chi của nhà nước, khoản kinh phí đó quả là một câu hỏi to đùng.

Hệ thống thị trường cũng như sản xuất điện ảnh của chúng ta còn chưa phù hợp với những liên hoan phim tầm cỡ. Giờ tôi hiểu rõ hơn vì sao những đội vô địch giải ngoại hạng của bóng đá Việt Nam “ngại” tham dự giải C1 Châu Á và thường là thua.

Hải Yến – Duy Khoa vào vai một đôi vợ chồng trẻ vừa yêu nồng nàn ngây thơ, vừa ngoại tình một cách bản năng.

Anh đánh giá thế nào về các đối thủ của “Chơi vơi” ở liên hoan phim Venice?

– Tôi không quan tâm. Bản chất của một liên hoan phim chính là sự đánh giá và phát hiện những gì đặc sắc nhất của điện ảnh thế giới đương đại. Những phim được mời tham dự liên hoan đều có quyền tự hào mình là một sự đặc sắc được đánh giá và tuyển chọn. Với những liên hoan phim lớn như Cannes, Venice, Berlin hay Toronto, được mời trình chiếu phải là những phim mới hoàn thành lần đầu tiên được chiếu trên toàn thế giới.

Liên hoan phim không phải là một cuộc đấu. Có thi nhưng không có đấu. Vì thế theo tôi chẳng có khái niệm gì về cái gọi là đối thủ ở đây. Tôi vui vì nếu được đi dự, tôi sẽ được biết đến nhiều sự đặc sắc mới mẻ trong điện ảnh từ khắp nơi trên thế giới. Và tôi vinh dự là người đại diện cho Việt Nam, đóng góp một chút gì đó đặc sắc Việt Nam vào cuộc chơi lớn của điện ảnh thế giới tại Venice.

Cùng đi tham dự liên hoan phim Venice với anh có sự góp mặt của diễn viên nào trong “Chơi vơi”?

– Tôi mong nhiều diễn viên trong phim có thể tham dự liên hoan phim này. Có lẽ sẽ có Hải Yến và Linh Đan.

Lịch trình của anh trong lần tham dự liên hoan phim quốc tế này?

– Chúng tôi sẽ sang Venice vào ngày 5/9. Ngày 6 diễn ra buổi chiếu chính thức của Chơi vơi tại Venice. Chúng tôi sẽ ở Venice đến khoảng ngày 12, sau đó sẽ đi Toronto International Film Festival. Đây cũng là một trong những liên hoan phim lớn và quan trọng nhất thế giới. Chơi vơi vừa được lựa chọn vào trong chương trình Contemporary World Cinema.

Anh trông đợi kết quả thế nào trong lần so tài này?

– Có giải thì bao giờ chẳng tốt hơn không. Nhưng đừng có nghĩ nhiều về nó. Với bất cứ bộ phim nào, được Venice lựa chọn đã là vinh dự rồi, nhất là với Việt Nam.

Phim thấp thoáng mối tình đồng tính dằn vặt và câm lặng của Cầm (Linh Đan) và Duyên (Hải Yến).

Trong buổi họp báo, đoàn làm phim từ diễn viên, đạo diễn đến nhà sản xuất đều cho biết “chơi vơi” khi bước vào làm phim. Vậy trong quá trình thực hiện phim, cảm giác của anh ra sao?

– Chúng tôi nói vui như vậy thôi, chứ tôi hiểu rất rõ bộ phim của mình. Tất nhiên có khá nhiều sự bất ngờ trong quá trình thực hiện. Nhiều bất ngờ đến đau tim. Nhưng rồi mọi chuyện cũng tốt đẹp. Ngay từ đầu tôi biết đây sẽ là một bộ phim khó làm và bây giờ tôi cũng vẫn nghĩ thế. Những đóng góp của các đồng nghiệp tham gia trong bộ phim là rất quan trọng với tôi. Tôi biết ơn họ rất nhiều.

Khi đóng máy bộ phim, anh đánh giá thế nào về diễn xuất của bốn diễn viên chính: Duy Khoa – Hải Yến – Johnny Trí Nguyễn – Linh Đan?

– Có thể nói gì hơn là tôi đã có những diễn viên tuyệt vời nhất cho các nhân vật của mình. Đó chính là thành công lớn nhất. Tôi hy vọng phim sẽ ra mắt khán giả vào tháng 9 tới.

Có hay không yếu tố đồng tính trong bộ phim này vẫn còn là một điều chưa rõ ràng. Bản thân anh nói gì về điều này?

– Trong phim này không có điều gì là rõ ràng. Cả vấn đề đồng tính cũng vậy. Đây là một bộ phim về tình cảm. Tôi muốn nó phải có cảm giác chân thực nhất có thể. Mà tình cảm con người có bao giờ rõ ràng đâu. Luôn luôn là vậy.

“Chơi vơi” có nhiều cảnh nóng . Anh nghĩ sao về ý kiến cho rằng, sau “Sống trong sợ hãi” anh tiếp tục lạm dụng cảnh nóng để câu khán giả tới rạp?

– Chơi vơi không phải chỉ có nhiều cảnh nóng mà cả bộ phim nóng rực mới đúng. Vì nó thực sự sống động. Khán giả sẽ cảm nhận được những tình cảm cảm xúc rất riêng tư và rất con người trong bộ phim, kể cả những điều tế nhị nhất cũng được những diễn viên thể hiện thật chân thực. Nhưng không phải vì thế mà nó thiếu tinh tế và đẹp. Tôi từng nhận được những lời khen về những cảnh “nóng” trong Sống trong sợ hãi là vừa đủ và đẹp. Tôi chẳng sợ ai nghĩ xấu cho những cảnh phim đó của tôi. Trong Chơi vơi cũng vậy. Tôi tự hào về những gì chúng tôi đã làm.

“Chơi vơi” trải qua khá nhiều lận đận từ lúc khai sinh kịch bản đến khi bấm máy chính thức như ứng với cái tên của nó. Điều này khiến anh lo lắng thế nào cho số phận sản phẩm của mình?

– Tôi không mê tín nhưng quả thật làm phim là một công việc may rủi nhất trong các công việc mà tôi biết. Cái tên ban đầu là Tận cùng là biển. Cái tên này đi theo kịch bản tới 4 năm, không biết đâu là tận cùng. Sau đổi thành Mắc kẹt. Thế là kẹt lại một năm. Khi đổi ra Chơi vơi, nó chơi vơi trong 2 năm buộc phải đổi thành Đi mãi rồi cũng quay về. Thế là được duyệt, được nhà nước cho tiền. Rồi xin thêm được tài trợ. Chúng tôi đùa là xin mãi rồi cũng có tiền. Có lẽ cái tên nó vận vào phim thật. Nhưng khi làm thấy Chơi vơi là đúng nhất. Bây giờ xong rồi vẫn thấy nó đúng.

Chơi vơi là tên cuối cùng cho phim. Tôi nghĩ đó là một cái tên dễ nhớ. Cho cả khán giả ngoại quốc. Họ sẽ phát âm “Choi voi”. Như vậy cũng hay.

Trong cuộc sống riêng của mình, đã bao giờ anh bị rơi vào trạng thái “chơi vơi” chưa?

– Tôi vẫn còn trẻ mà. Đã già đâu mà hết chơi vơi. Có khi càng già càng chơi vơi cũng nên.

Ngọc Trần (Theo VNE)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Xin lỗi vì bài viết này không hữu ích cho bạn

Giúp chúng tôi cải thiện

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

Bình luận (0)