Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Sân khấu Kịch TP.HCM: Khan hiếm kép trẻ?

Tạp Chí Giáo Dục

Nếu như trước kia, một loạt các anh kép đã tạo được tên tuổi của mình trên Sân khấu Kịch TP như Quốc Thảo, Minh Hoàng, Thanh Hoàng, Thành Lộc, Bảo Anh… thì bây giờ, hầu hết họ đều “có tuổi” nên nhường “đất diễn” lại cho các bạn trẻ. Nhưng với thực trạng kép trẻ ngày càng khan hiếm như hiện nay quả là một vấn đề nan giải cho sân khấu kịch.
Thiếu kép trẻ trầm trọng
Chữ “thiếu” đúng nghĩa ở đây là thiếu những kép trẻ đẹp, khả năng diễn xuất tốt, có sức hút để vào các vai nam chính. Sân khấu Kịch Phú Nhuận “mất” kép trẻ Trương Minh Quốc Thái là một thiệt thòi lớn. Từ một diễn viên điện ảnh bước sang làng kịch, Quốc Thái may mắn có nhiều cơ hội thử sức mình trong nhiều vai kép chính, ngoại hình đẹp và khả năng nhập vai tốt anh đã tạo niềm tin với đạo diễn và nhanh chóng được khán giả yêu mến qua những vai thầy cai trong Mưa rừng, Hà Bảo Sơn trong Em và ngôi sao, Hoàng trong Thuê vợ, Tuấn trong Người vợ ma… Quốc Thái sẽ còn tiếp tục vào nhiều vai kép đẹp nữa cũng như còn phát huy hết khả năng của mình nếu như anh không liên tục rong ruổi theo các đoàn làm phim mà “xao nhãng” sân khấu. Hiện chỉ còn Hòa Hiệp là diễn viên tương đối sáng nhất. Ngoại hình đẹp, diễn xuất và đài từ tốt, Hiệp nhanh chóng khẳng định mình qua những vai nam chính trong các vở: Chuyện tình mùa thu, Ngôi nhà không có đàn ông, Nhiệm vụ bất khả thi, Tuổi dậy thì, Nhân danh công lý… Nhưng chẳng lẽ vở nào cũng có Hòa Hiệp?
Kép trẻ Khương Ngọc (giữa) vẫn chưa “lấy lòng” khán giả được
Nhiều năm qua, Minh Trí và Chi Bảo là hai người đóng vai kép đẹp trên Sân khấu IDECAF, nhưng cả hai cũng thuộc hàng có “thâm niên”. Diễn viên Quốc Khánh cũng đã từng đảm đương một số vai kép chính trên sân khấu này, nhưng anh hiện đã “dừng cuộc chơi” để lao vào kinh doanh. Nam diễn viên nhiều triển vọng Thanh Phương thường vào các vai chính nhưng đã qua đời đột ngột. Sân khấu nhỏ 5B trước đây có Cao Minh Đạt và Trung Dũng nhưng hiện Cao Minh Đạt hết phim này lại nhận phim khác, còn Trung Dũng bận làm MC Sức sống mới và dấn thân vào lĩnh vực ca hát nên cũng không xuất hiện đều đặn. Sân khấu Kịch Sài Gòn còn bi thảm hơn. Cách đây không lâu, sân khấu này có Quyền Linh, Hữu Nghĩa “cầm trịch” vai kép chính. Hiện nay, vị trí này được giao cho Tiết Cương, nhưng xem ra Tiết Cương diễn hài có duyên hơn là vào những vai có số phận bi kịch như Quỷ, Hồn ma báo oán. Trong vở Đến với tôi, vai chính do Trần Thành thủ diễn. Vốn là MC, Thành “với tay” sang kịch nhưng diễn xuất lại không có hồn… Nhà hát Kịch TP cũng lâm vào tình trạng tương tự, không có một gương mặt kép nào thật sự nổi bật. Sân khấu Nụ Cười Mới của “ông bầu” Hữu Lộc hiện đang tăng cường kép Trí Quang về tham gia một số vở. Sự ổn định của Trí Quang trên sân khấu kịch cũng đáng mừng. Nhưng một sân khấu mà chỉ có một kép đẹp thì quả thật… phải xem lại?
Biện pháp tạm thời
Diễn viên Ngọc Thuận được mời về Kịch Phú Nhuận đảm nhận một số vai chính. Đẹp thì có đẹp nhưng khả năng diễn xuất còn hơi… non, chưa thuyết phục khán giả. Thỉnh thoảng, các vai chính có dạng… tưng tửng cũng được “bà bầu” Hồng Vân chọn Thái Hòa, Đỗ Đức Thịnh, Văn Ruy đảm nhiệm, nhưng họ
NSƯT Hồng Vân cho biết: “Kép trẻ đẹp, diễn tốt vai nam chính rất quan trọng trong một vở diễn. Số người hội tụ được những yếu tố này chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Khi dựng một vở mới cho sân khấu của mình, tôi gặp khó khăn rất nhiều trong việc phân vai. Tìm một gương mặt kép mới phù hợp với phong cách và có khả năng nhanh nhạy quả không dễ một chút nào…”
cũng chỉ “lấy diễn xuất bù… ngoại hình”. Siêu mẫu Bình Minh cũng đầu quân về sân khấu này trong các vở Kỹ nghệ lấy Tây, Mẹ và người tình, Tiền ơi là tiền… nói chung là chỉ tròn vai và có yếu tố “lạ”, tạo sự tò mò với khán giả mà thôi.
IDECAF hiện nay đang “sở hữu” hai kép đẹp, trẻ là Võ Thành Tâm và Lương Thế Thành. Nhưng nếu ở lĩnh vực phim ảnh, họ đã có những vai diễn ấn tượng thì ở kịch nói, cả hai chàng trai này vẫn còn phải học hỏi nhiều mới có thể khẳng định mình. Trong vở Kẻ nói dối đa tình của đạo diễn người Hàn Quốc vừa ra mắt đã chọn Khương Ngọc vào vai kép chính. Ngoại hình của Khương Ngọc thì “bắt mắt” nhưng diễn xuất còn mờ nhạt, không ra được nhân vật lắm tật, nhiều mưu… Kịch Sài Gòn biết được yếu điểm trầm trọng của mình nên thời gian qua chỉ dựng những kịch bản hài không có những tuyến nhân vật đào kép chính làm nền, đó cũng chỉ là biện pháp nhất thời chứ không thể kéo dài lâu được… Mỗi năm, các sân khấu liên tục cho ra đời nhiều vở mới nhưng với một lượng kép trẻ hiếm hoi như thế (trong khi lực lượng đào đẹp lại rất đông) quả là đau đầu cho các đạo diễn. Các sân khấu kịch vẫn loay hoay chưa tìm được hướng đi mới để cân bằng tỉ lệ “âm thịnh dương suy”. Ngay cả Sân khấu Thế Giới Trẻ của Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP.HCM – nơi sản sinh ra nhiều đội ngũ đào kép thì kép vẫn hiếm hơn đào. Hàng năm tỉ lệ ra trường của Khoa Kịch có nhiều, nhưng lực lượng nữ vẫn trụ lại trên sân khấu nhiều hơn nam?
KHÔI NGUYÊN

Hãy đánh giá bài viết này!

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Xin lỗi vì bài viết này không hữu ích cho bạn

Giúp chúng tôi cải thiện

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

Bình luận (0)