Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Khổ vì cá lóc bị gù lưng

Tạp Chí Giáo Dục

Hàng chục hộ nuôi cá lóc ở H.Trà Cú (Trà Vinh) bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng do cá lóc nuôi bị gù lưng, phải bán với giá rẻ.

Hiện nay, toàn H.Trà Cú có 666 hộ nuôi cá lóc, với khoảng 26,8 triệu con giống được thả nuôi. Nếu so với năm 2010, số hộ nuôi cá lóc ở địa phương này tăng gần 230 hộ, diện tích nuôi tăng 20 ha và con giống thả nuôi tăng 15,5 triệu con.

Cá lóc khi thu hoạch bị gù lưng – Ảnh: Bảo Trung
Mặc dù được đánh giá là địa phương có điều kiện thổ nhưỡng, nguồn nước phù hợp cho việc nuôi cá lóc thương phẩm, nhưng năm nay, người nuôi cá lóc ở Trà Cú phải đối diện với tình trạng cá nuôi bị gù lưng trong giai đoạn từ 4 tháng tuổi đến khi thu hoạch. Chỉ tính riêng trong tháng 5.2012, trong số 249 tấn cá lóc thương phẩm của 30 hộ được thu hoạch, có đến hơn 44 tấn cá bị gù lưng, chiếm tỷ lệ gần gần 18%. Cá biệt có một số hộ tỷ lệ cá lóc bị gù lưng chiếm từ 60-70% tổng lượng cá thu hoạch. Ông Trang Văn Cường (ở ấp Vàm Bến Tranh, xã Định An) vừa thu hoạch được 5 tấn cá lóc thì có gần 4 tấn cá bị gù, mặc dù ông vẫn áp dụng quy trình nuôi như những vụ trước. Do tỷ lệ cá bị gù lưng quá cao, nên ông chỉ bán được với giá 29.000 đ/kg; trong khi giá cá trên thị trường cùng thời điểm từ 37.000-38.000 đ/kg. Như vậy, chỉ riêng ao cá vừa thu hoạch, ông Cường bị mất hơn 50 triệu đồng…
 Thạc sĩ Phạm Đặng Hữu Thành, một chuyên gia về dinh dưỡng sản xuất các loại thức ăn phục vụ cho nuôi thủy sản đã phân tích, cá lóc nuôi bị gù lưng có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu là cá nuôi bị thiếu chất đạm động vật- tức nguồn bột cá có trong thức ăn. Trong quá trình sản xuất thức ăn công nghiệp cho nuôi các loại cá có vảy, một số doanh nghiệp sản xuất vì muốn hạ giá thành sản xuất, nên đã thay thế tỷ lệ độ đạm bằng bột cá (tức đạm động vật) bằng tỷ lệ đạm thực vật là cám gạo, bột đậu nành… Mặc dù vẫn bảo đảm tỷ lệ độ đạm được ghi trên bao bì nhưng do tỷ lệ đạm động vật không bảo đảm nên xảy ra hiện tượng cá bị gù lưng với tỷ lệ khá cao.
Những hộ nuôi có lượng cá bị gù lưng nhiều cũng cho biết trước đây, khi cho cá ăn bổ sung cá vụn trong giai đoạn từ khi mới thả giống đến 2,5 tháng tuổi trở lên, thì hiện tượng cá bị gù lưng rất hiếm. Tuy nhiên, việc cho cá ăn thức ăn tươi sống làm ao nuôi bị ô nhiễm ngày càng trầm trọng nên bà con chuyển dần sang nuôi cá bằng các loại thức ăn công nghiệp.
Ông Trang Văn Cường cho biết trong vụ nuôi đầu năm nay, ông thả 40.000 con giống cá lóc và chỉ cho cá giống ăn thức ăn cá tạp trong 10 ngày đầu tiên rồi chuyển sang cho cá ăn các loại thức ăn công nghiệp. Sau 5 tháng nuôi, tỷ lệ cá bị gù lưng đã lên đến 70%… Nếu nguyên nhân chính khiến cá lóc bị gù lưng với tỷ lệ cao là do một số doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản đã thay thế tỷ lệ đạm động vật bằng tỷ lệ  đạm thực vật để hạ giá thành, thì các ngành chức năng cần phải vào cuộc để giúp người nuôi cá lóc ở Trà Cú không phải chịu những thiệt hại không đáng có.
Theo Bảo Trung (TN)

Bình luận (0)