Mọi người trong thôn đã về hết. Lễ ăn mừng nhà mới đã xong, mấy đứa con ông Vân Đình đang ngồi quây quần xem mẹ đếm tiền. Người ta đi lại dễ đến gần trăm triệu. Có thế chứ. Ông Đình nhoẻn miệng cười. Ông cầm lon bia ngửa cổ tu một hơi dài. Niềm vui chạy rần rật trong huyết quản. Thế là ông đã được đứng vào hàng ngũ các đại gia. Cái làng này đã được chứng kiến sự vươn mình trỗi dậy của gia đình ông.
Ông Đình ra đứng trước bờ sông. Gió Nam lồng lộng từ phía hòn Mộc thổi lại. Vạt ngô trên cồn Trốc Voi đang trổ cờ gió lay xao xác. Một chiếc thuyền máy chở cát nổ phành phạch giữa dòng. Chiếc thuyền lặc lè đi qua trước cửa nhà ông, những con sóng ào ạt đuổi nhau vào bờ. Ông mãn nguyện nhìn sang bên trái cổng, sáu chiếc xe của các con ông oai phong lẫm liệt đỗ bên đường. Nhưng vẫn thấy thiếu một cái gì đó rất mơ hồ mà chẳng nghĩ ra. Phải rồi! Nguyễn Đức Dưỡng, cái thằng bạn cùng xóm với mình. Mấy năm nay say sưa kiếm tiền nên quên khuấy mất. Ông quay lại hỏi thằng con trai cái số điện thoại của con ông Dưỡng. Hôm trước nó gọi về hỏi thằng con ông việc gì đó. À! Bây giờ phải chụp ảnh đưa lên Facebook. Lão Dưỡng mà trông thấy cơ ngơi mình chắc phải lác mắt.
***
Sau cải cách ruộng đất, ba đứa trong xóm Giữa gồm Vân Đình, Bích Hạnh, Đức Dưỡng bước vào lớp 1 cùng một ngày. Tốt nghiệp lớp 4, thằng Dưỡng với cái Hạnh được đi học cấp 2 ở một trường vùng nam của huyện. Đình chờ mãi đến khi thành lập trường phổ thông nông nghiệp trong xã mới được học. Đình tức lắm! Chỉ hơn nhau vài điểm thi tốt nghiệp lớp 4 mà chúng được ưu tiên. Mười lăm tuổi hai đứa được kết nạp Đoàn còn Đình phải đợi mãi đến mười sáu tuổi mới được đi học đối tượng. Nhìn cái Hạnh ngày nào cũng lẽo đẽo theo thằng Dưỡng đi học, Đình gai mắt không chịu được. Đình thường hay chế nhạo cái dáng thấp lùn xấu mã của Dưỡng mỗi khi gặp Hạnh. May mắn khi tốt nghiệp cấp 2, Ban tuyển sinh gọi Đình và Dưỡng đi học sư phạm hệ (7+3) còn Hạnh đi học trung cấp y sỹ. Chiến tranh ác liệt nên tỉnh gửi khóa sư phạm của Đình và Dưỡng ra học ngoài Hưng Yên còn Hạnh ở lại khu 4. Đình khấp khởi mừng thầm. Thế là chúng phải xa nhau. “Nhất cự li, nhì tốc độ”. Đình liên tục gửi mấy lá thư cho Hạnh nhưng chẳng thấy hồi âm. Đình dò hỏi Dưỡng xem có thông tin gì về Hạnh không. Dưỡng nói Dưỡng cũng chẳng nhận được thư từ gì ở quê hương cả.
Ra trường hai đứa cưới nhau. Gia đình hai bên nói cưới cho kịp để Dưỡng lên đường đi bộ đội. Thì ra cái thằng này nó lại lừa mình. Đình nghiến răng trèo trẹo. Đám cưới của Dưỡng và Hạnh tổ chức trong nhà kho hợp tác. Trên đầu là máy bay địch quần đảo, tiếng pháo cao xạ nổ rền trời, dưới đất bà con vẫn hát hò tổ chức đám cưới đời sống mới. Đình không thèm đến dự. Một năm sau Đình cũng cưới cô bạn người xã khác đến học phổ thông nông nghiệp nhưng trong lòng vẫn ấm ức. Cái gì mình cũng đi sau.
Chiến tranh kết thúc, Dưỡng bị thương, trở lại ngành giáo dục tiếp tục dạy học. Lúc đó Đình đã có ba con, hai trai một gái. Quả đất xoay tròn, họ lại gặp nhau trong một mái trường ở huyện bên. Dưỡng thi đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện rồi cấp tỉnh. Dưỡng được cân nhắc làm tổ phó rồi tổ trưởng. Năm 1985, học xong lớp cao đẳng sư phạm hoàn chỉnh anh được điều về làm hiệu phó của một trường “cấp 3 vừa học vừa làm”. Những năm đó hạt gạo, củ khoai không đủ mà ăn, giáo viên chỉ nhận được mấy cân mì hạt với sắn mốc.
Thập niên chín mươi, tách tỉnh, cả hai đều xin về làng. Ngày ngày lội suối trèo non, họ đi hái củi bán lấy tiền đong gạo. Dưỡng cũng kịp có ba mặt con, còn Đình lúc đó đã là sáu đứa. Phòng giáo dục có chủ trương cho một số giáo viên nghỉ dạy đi làm “kế hoạch 3” lấy tiền lương chia cho giáo viên đứng lớp. Tổ xã hội của Dưỡng gồm có bảy người, dạy tám lớp. Dưỡng vừa làm tổ trưởng vừa chủ nhiệm và cáng luôn cả hai cua văn, sử toàn trường.
Sinh hoạt tổ chuyên môn, anh em được phát thêm mỗi người hai mươi ngàn đồng. Ai cũng hoan hĩ có thêm mớ rau, con cá tươi tươi cho các con. Nhớ có hôm nào đứa con trai út mắc phải xương cá “long hội” (nói láy “lôi họng” – PV) mà Dưỡng ứa nước mắt.
Đếm xong tiền lương, Đình lấy cuốn sổ ra ghi chép, tính toán một hồi rồi đứng dậy: “Tôi xin có ý kiến. Đề nghị đồng chí Dưỡng trả lại hai trăm sáu mươi đồng cho anh em”. Dưỡng ngơ ngác: “Có khoản nào nữa đồng chí Đình nhỉ”. Đình đắc thắng nhìn cả tổ một lượt. Dưỡng rút chiếc khăn mùi xoa trong túi quần ra lau mặt. Mồ hôi anh vã ra như tắm. Giọng Đình kéo dài, chì chiết: “Đừng giả vờ nữa đồng chí tổ trưởng ạ! Hai trăm sáu mươi đồng dạy thay cho anh em làm kế hoạch ba”. Dưỡng cười to: “À ra thế! Đồng chí cứ yên tâm!”
Một buổi chiều cả tổ làm đồ dạy trong đợt thi đua chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam, Dưỡng cầm đến một chai rượu với chiếc túi xách đầy ổi chín và ba chiếc bánh đa nướng. Dưỡng nói: “Tôi xin khao cả tổ vì ngày này cách đây gần hai mươi năm tôi bị thương may mà sống sót trở về”. Thầy hiệu trưởng chỉ đùm ổi: “Các cô không uống được rượu thì ăn đi chứ”. Mấy cô giáo trẻ tranh nhau tìm mấy quả ổi ngon chấm muối nhưng không ai đụng đến bánh đa. Dưỡng nói: “Tiền dạy thay anh ạ. Hai trăm sáu mươi đồng mà chia cho bảy người thì không được nên tôi mua bánh đa. Ba cái thì thiếu tiền mà hai cái thì thiếu bánh. Bẻ ra mà ăn cho vui”. Đình nghe nói đến đó khuôn mặt đỏ lựng. Cái nốt ruồi có túm lông bên mép cứ giật liên hồi. Các cô ý tứ nhìn nhau cười khúc khích.
Năm học sắp kết thúc. Làng quê bé nhỏ bỗng nhiên sôi nổi hẳn lên. Lần đầu tiên trong làng có hai học sinh đạt giải Quốc gia. Mà cả hai em đó đều học môn văn với thầy giáo Nguyễn Đức Dưỡng. Thằng con thầy Dưỡng đạt giải nhì. Bạn bè các trường đến thăm Dưỡng rất đông. Có người còn đèo theo cả con mình đến tham quan học hỏi nữa. Xuân Tới, một “nhà báo không chuyên” trong làng đến viết bài. Trong cơn thăng hoa của hơi men thầy Dưỡng đã gật đầu nhận bừa mình là nhà giáo ưu tú. Một cái tít màu đỏ chạy dài trên trang 3, báo tỉnh: “Một nhà giáo ưu tú gặt hái hai giải văn quốc gia”. Vân Đình chộp ngay tờ báo và viết một bài dài gửi về tòa soạn. Vân Đình tố cáo Đức Dưỡng khai man. Đức Dưỡng lại còn bớt xén tiền dạy thay của anh em. Bài báo tuy không được đăng nhưng tòa soạn cử hai phóng viên về. Sự việc hai năm rõ mười, số báo sau phải đính chính Nguyễn Đức Dưỡng không phải là nhà giáo ưu tú. Xuân Tới bị treo bút hai năm. Dưỡng nhận được mẫu tin thông báo đính chính khi mới bước ra khỏi văn phòng nhà trường. Ông bị sốc, ngã xuống bậc tam cấp phải chở đi bệnh viện. Dưỡng bị tai biến nên về hưu non trước tuổi. Mấy năm sau các con ông đem cha vào sống trong thành phố Hồ Chí Minh.
***
– A lô! Cháu là con của bố Nguyễn Đức Dưỡng phải không? Cháu có hay chơi Facebook không? Làng mình nay đổi thay nhiều lắm cháu ạ! Để chú đưa lên Facebook một số cảnh làng mình xây dựng nông thôn mới cho cháu xem nhé! Vân Đình nói một thôi một hồi về làng. Dụng ý của ông là muốn cho ông Dưỡng thấy mình không còn nghèo đói như ngày xưa. Ngôi nhà bốn tầng của ông bây giờ to nhất xã. Ông cũng muốn khoe luôn cả sáu đứa con ông mới đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài về, tiền của cũng về như nước.
Một lúc sau ông nghe có tiếng sụt sịt trong điện thoại :
– Bố cháu mất hôm qua rồi! Bố cháu bị ung thư giai đoạn cuối. Mặc dù được các cháu đem đi chữa trị ở Singapore nhưng không qua khỏi. Có người nói có lẽ bố cháu bị bệnh do vết thương tái phát. Bố cháu biết làng mình hôm nay đổi mới, không còn ai nghèo đói như ngày xưa. Nhưng cái mà bố cháu quan tâm nhất là tình hình giáo dục hiện nay. Bố nói suốt đời bố băn khoăn về phong trào khuyến học khuyến tài ở xã mình chú ạ! Trước lúc chết bố đưa cho cháu một cuốn sổ tiết kiệm. Hôm sau về, cháu sẽ ủng hộ hội khuyến học xã!
Hoàng Minh Đức
Bình luận (0)