Trong những khoản lỗ lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng của Tập đoàn Điện lực VN (EVN), có sự “đóng góp” không nhỏ của nhánh viễn thông EVN Telecom. Không phải tới kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá XIII xới vấn đề lên EVN Telecom mới lỗ lã, mà nó đã “chết lâm sàng” từ vài năm nay.
Điện còng lưng vì… điện thoại
Năm 2010, EVN Telecom lỗ hơn 1.000 tỉ đồng. Trong đó, di động là một mảng quan trọng của EVN Telecom từ vài năm qua đã thoi thóp. Mạng lưới và thuê bao không mở rộng và tăng lên, nhưng chi phí vận hành và trả lương cho bộ máy thì không thể không có. Trong một bài đăng trên Lao Động hồi tháng 4.2011 nói về sự bất thành của thương vụ FPT mua cổ phần của EVN Telecom – Lao Động đã cảnh báo: “Hơn lúc nào hết, dư luận đang chờ đợi sự công bố từ EVN xem thương vụ EVN Telecom đang thua lỗ ra sao và liệu người dân có phải chịu thay gánh nặng EVN Telecom khi EVN tăng giá điện?”. Bây giờ, những con số lỗ lã trong hoạt động kinh doanh của EVN Telecom bước đầu được tiết lộ sau khi EVN đòi tăng giá điện từ 10-13%.
EVN Telecom sẽ đi về đâu? Ảnh: T.H.T
Thực ra từ lâu rồi chứ không phải bây giờ, giá điện phải gánh cả những khoản lỗ đầu tư kinh doanh ngoài ngành của EVN trong đó có viễn thông mà tiêu biểu là thương vụ đầu tư mạng di động CDMA đã bị thua lỗ. Tuy nhiên chưa bao giờ EVN công khai tình hình hoạt động đầu tư, kinh doanh ngoài ngành, nhằm nhập nhèm bắt người tiêu dùng điện gánh các khoản lỗ ngoài ngành của họ. Trong đó, người dùng điện còng lưng vì hoạt động tài chính, chứng khoán, địa ốc, du lịch, viễn thông di động của EVN.
Bán liệu có ai mua?
Hai nhà mạng mà thời gian qua muốn bán để nhẹ gánh thua lỗ là S-Fone và EVN Telecom. S-Fone cuối cùng đã bán được cổ phần cho Saigon Tel nhưng không biết bên mua nhằm mục đích gì vì không thấy S-Fone được tái cơ cấu, cải thiện và vực dậy.
Năm 2010 trong cao trào vụ Vinashin, EVN Telecom bất ngờ vớ được phao cứu sinh FPT khi Cty này ngỏ lời mua 60% cổ phần thông qua việc phát hành không quá 2.000 tỉ đồng cổ phiếu thưởng. Khi ấy nếu không có FPT thì có lẽ EVN Telecom đã bị kéo đắm theo Vinashin. Tuy nhiên, sau khi ông Trương Đình Anh lên chấp chính CEO FPT và một lý do nữa được lấy làm cớ là việc Thủ tướng chỉ cho phép EVN bán 49% cổ phần EVN Telecom ra bên ngoài, tỉ lệ bên muốn mua và bên bán không khớp nhau cho nên thương vụ không thành. Thế nhưng FPT lại bị mắc kẹt khoản tiền đặt cọc hơn 700 tỉ đồng với EVN Telecom.
Khi diễn ra thương vụ FPT đầu tư vào EVN Telecom, nhiều ý kiến cho rằng đó là quyết định khá vội vàng và thiếu thực tế. Khi thương vụ sáp nhập bất thành đối tượng vui mừng nhất chính là các cổ đông của FPT, bởi ai cũng thấy đổ tiền vào EVN Telecom chỉ có sa lầy mà thôi. Vào thời điểm đó, vốn điều lệ của EVN Telecom được cho là 2.963 tỉ đồng. Tuy nhiên con số vừa được công bố, vốn chủ sở hữu của EVN Telecom hiện chỉ còn 1.586 tỉ đồng, trong khi tổng các khoản nợ phải trả lên đến 7.760 tỉ đồng. Với tình trạng “Chúa Chổm” này của EVN Telecom, ai còn dám mua lại cổ phần?
Thế nhưng lại có thông tin Viettel sẽ mua lại cổ phần của EVN Telecom. Đã kinh doanh thì phải thấy được hướng khả quan thì mới tiến hành sáp nhập. Thế nhưng con đường phía trước EVN Telecom chỉ thấy mù mịt lối thoát. Thương vụ FPT – EVN Telecom ngẫm lại chỉ thấy toàn hư chiêu tạo nên một cuộc mua bán ảo. Liệu dư luận cho rằng Viettel sẽ mua EVN Telecom cũng sẽ cùng chiêu thức như vậy? Hoặc giả, nếu có mua rồi để đó như thương vụ Saigon Tel mua SPT thì sẽ giải quyết được vấn đề gì và giá bán liệu có bèo bọt? Rõ ràng EVN muốn thoái vốn khỏi dự án ngoài ngành, nhưng với “đứa con” èo uột EVN Telecom thì chắc là còn khó khăn lắm.
Thẩm Hồng Thụy
Theo Lao Động
Bình luận (0)