Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Phòng bệnh cho nợ công: Về tắm ao ta

Tạp Chí Giáo Dục

Giảm phụ thuộc vào vốn vay nước ngoài, huy động tối đa nguồn lực trong nước là phương thuốc bổ để tăng sức đề kháng cho nền kinh tế trước những cơn trái gió trở trời.

Cho đến nay, nhiều chỉ số nợ công đều trong ngưỡng an toàn. Ví dụ như tỉ lệ vay nợ nước ngoài chỉ ở mức trên 42% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), nợ chính phủ cũng dưới 50% GDP. Việt Nam dù không đến mức phải tái cấu trúc nợ công, nhưng rút kinh nghiệm từ khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và tại châu Âu hiện nay để phòng bệnh hơn trị bệnh là cần thiết.

Trong những thời điểm khó khăn, Chính phủ có thể dễ dàng vay từ trong nước hơn là kêu gọi nước ngoài để xử lý vấn đề nợ.
Vay trong nước là quyết định
Một kinh nghiệm rất đáng nghiên cứu trong quản lý nợ công ở Thái Lan để nước ta tham khảo. Đó là khi nước này khủng hoảng tài chính năm 1997, thì trên 80% nợ công của Thái Lan là nợ nước ngoài. Lúc đó kinh tế bất ổn, Thái Lan không dễ gì tìm được nguồn tài chính từ nước ngoài để trả nợ, bởi các tổ chức quốc tế cũng tỏ ra thận trọng trong việc cho vay tiếp. Sau khủng hoảng, Chính phủ nước này nhận ra điểm yếu của sự phụ thuộc vào vay nợ nước ngoài. Vì thế, chiến lược nợ công của Thái Lan đã đảo ngược, khi nợ nước ngoài chỉ chiếm 8% tổng nợ, còn nợ trong nước lên tới 92%.
Bà Rane Itarat, Trưởng phòng Nghiên cứu Chính sách nợ công, Vụ Kế hoạch và Chính sách, Cơ quan Quản lý nợ Thái Lan, chia sẻ kinh nghiệm: “Trước khi Thái Lan gặp khủng hoảng tài chính năm 1997 thì vay nợ nước ngoài chiếm đa số. Phụ thuộc nợ lớn từ bên ngoài khiến Thái Lan không thể trở tay kịp khi mất khả năng thanh toán. Trong những thời điểm khó khăn, Chính phủ có thể dễ dàng vay từ trong nước hơn là kêu gọi nước ngoài để xử lý vấn đề nợ”. Theo bà Itarat, để huy động được vốn trong nước, một yếu tố rất quan trọng là việc xây dựng thị trường trái phiếu, giúp trái phiếu, kể cả trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp thanh khoản tốt hơn. Và khi cần, dễ dàng huy động được nợ qua phát hành trái phiếu.
Nhìn vào cơ cấu vay nợ ở nước ta hiện nay, nợ nước ngoài chiếm khoảng 58%, còn lại 42% vay trong nước. Trước mắt, sự chênh lệch không lớn giữa vay trong nước và nước ngoài là điều đáng mừng. Song cũng không thể chủ quan, vì xu hướng sắp tới, nước ta vẫn phải vay nợ nhiều để phục vụ nhu cầu đầu tư phát triển. Theo tính toán của Chính phủ, nợ công nước ta ước tính đến năm 2015 sẽ tương đương 60-65% GDP. Theo ông Nguyễn Thành Đô, Cục trưởng Cục Quản lý Nợ công và Tài chính đối ngoại thuộc Bộ Tài chính, khoản nợ nước ngoài nào cũng đối mặt với rủi ro về mất khả năng trả nợ, rủi ro tỉ giá. Do đó, về lâu dài cần vay trong nước nhiều hơn. “Đây không phải câu chuyện nay mai phải làm ngay, nhưng là điều phải làm. Mục tiêu là giảm dần vay nợ nước ngoài, không phụ thuộc nợ nước ngoài, mà huy động trong nước”, ông Đô nói.
Thêm nữa, nếu như những gì đang diễn ra ở Thái Lan, thì vay thương mại trong nước có giá rẻ hơn vay nước ngoài. Việt Nam đã được xếp vào hàng các nước có thu nhập đầu người ở mức trung bình, do đó từ nay trở đi, lãi suất vay từ quốc tế sẽ cao hơn. Thêm vào đó, hệ lụy của khủng hoảng nợ ở châu Âu hiện nay sẽ còn dai dẳng nhiều năm nữa, nên dòng vốn cho vay cũng bị thắt chặt hơn. Điều này càng khẳng định việc cần thiết phải điều chỉnh để dần vay trong nước.
Vay bằng cách nào?
Vấn đề là trong nước có nguồn cho vay và nền kinh tế có đủ công cụ để vay hay không? Mức đầu tư toàn xã hội mỗi năm của Việt Nam khoảng 43% GDP, trong khi tiết kiệm nhỏ hơn, khoảng 30%. Mức tiết kiệm 30% này cũng đã là một nguồn vốn lớn phục vụ cho phát triển kinh tế. Nhưng thực tế cho thấy, chúng ta vẫn chưa tận dụng hết nguồn lực vốn của xã hội. Bằng chứng là trong nhiều cơn sốt, người dân đã bỏ ra rất nhiều tiền vào vàng, bất động sản. Tỉ lệ vàng găm giữ trong dân chúng được dự báo lên tới 500 tấn. Nếu khai thác được dòng vốn này thông qua phát hành trái phiếu, vừa có vốn dài hạn giúp dòng vốn dịch chuyển vào đầu tư phát triển, vừa tránh lũng đoạn thị trường, gây hệ lụy với chính sách tiền tệ và nền kinh tế. Tuy nhiên, theo Thạc sĩ Bùi Ngọc Sơn, chuyên gia Viện kinh tế Chính trị thế giới, nếu có vay trong nước, Chính phủ sẽ phải sử dụng nhiều tiền nội tệ hơn. Lúc đó lượng tiền dành cho nền kinh tế sẽ ít hơn, dẫn tới lãi suất vay vốn tăng theo.
Do vậy, với cách đánh giá tổng thể, ông Hà Huy Tuấn, thành viên Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cho rằng, khi đó cần thiết phải kết hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và tiền tệ. Và đây là bài toán của nhà điều hành vĩ mô. Ví dụ, nếu muốn vay được vốn từ thị trường trái phiếu thì lãi suất trái phiếu và lãi suất ở thị trường tiền tệ phải hài hòa.
Một yếu tố quan trọng để thu hút được vốn trong nước là thị trường trái phiếu. Trong khi đó, con đường phát triển thị trường trái phiếu chuyên biệt ở Việt Nam còn khá gập gềnh, cần thêm thời gian phát triển hạ tầng thị trường, hàng hóa có chất lượng, tạo tính thanh khoản cao cho trái phiếu. Nhờ thị trường trái phiếu phát triển, nên tại Thái Lan, lượng vốn mà thị trường trái phiếu chiếm 56% tổng vốn huy động hằng năm của nền kinh tế, cao hơn cả ngân hàng và thị trường chứng khoán.
Cái lợi của thị trường trái phiếu hoạt động chuyên nghiệp không chỉ đối với Chính phủ, mà toàn nền kinh tế. Vì khi đó, doanh nghiệp cũng có thể huy động vốn dài hạn, trực tiếp từ phát hành trái phiếu, thay vì bắt buộc phải vay ngân hàng hay phát hành cổ phần. Đây có lẽ là vấn đề cần được quan tâm trong chiến lược nợ công, đang được Bộ Tài chính xây dựng.
Việc vay trong nước còn có lợi ở chỗ, với những nước có đồng tiền chưa chuyển đổi như Việt Nam, vay bằng đồng nội tệ, trả bằng đồng nội tệ sẽ dễ dàng. Nếu vay nước ngoài bằng ngoại tệ thì phải trả bằng ngoại tệ. Nhưng trường hợp thiếu thanh khoản ngoại tệ, dự trữ ngoại tệ yếu, việc trả nợ sẽ khó khăn. Trong những lý do vỡ nợ của Argentina trước đây là nước này quá thiếu nguồn ngoại tệ trả nợ, trong khi vay nước ngoài nhiều. Khi đó, giá trị xuất khẩu thấp, chỉ chiếm 10% GDP. Giả sử nếu vay chủ yếu bằng đồng nội tệ, việc xử lý nợ sẽ dễ dàng hơn.

VŨ DŨNG – NCĐT

 

Bình luận (0)