Trong khi doanh nghiệp nước ngoài tích cực làm gia công cho những thương hiệu toàn cầu tại Việt Nam thì doanh nghiệp trong nước có vẻ chưa mặn mà lắm với mô hình này.
Doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có khả năng làm gia công cho các thương hiệu hàng đầu thế giới, tương tự như Trung Quốc gần 2 thập niên trước và hiện là công xưởng của thế giới. Đó là nhận định của ông Robert Trần, Tổng Giám đốc tập đoàn tư vấn Robenny tại Việt Nam.
Bỏ ngỏ tiềm năng
Ra đời năm 1983, Công ty May Thêu Thuận Phương ở quận 6, TP.HCM, vốn là doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm như quần áo có thêu, tấm trải giường, gối, khăn trải bàn xuất khẩu đi các nước Đông Âu. Đến năm 2001, ông Mai Đức Thuận, Giám đốc Công ty, cho biết doanh nghiệp của ông đã tạo được bước ngoặt lớn sau khi ký kết hợp đồng gia công áo jacket nam cho hệ thống siêu thị khu vực Bắc Mỹ của tập đoàn bán lẻ Wal-Mart.
“Ngành gia công có thể được gắn liền với thương hiệu quốc gia. Ngày nay, mọi người nghĩ ngay đến gia công khi nói về Trung Quốc, công nghệ cao khi nói về Đài Loan và ngành nào sẽ đại diện cho Việt Nam trong tương lai?”, ông Robert Trần nói.
Một chuyên gia ngành dệt may (đề nghị không nêu tên) nói: “Với năng lực sản xuất hiện từ 3-4 triệu sản phẩm jacket/năm, giá gia công FOB khoảng 3 USD/cái cộng với chi phí nguyên liệu, nhân công, vận chuyển hàng sang Bắc Mỹ hơn 10 năm qua, đây là thương vụ có lãi về kinh doanh lẫn thương hiệu đối với Thuận Phương do kênh phân phối này (tức Wal-Mart) quá lớn”.
Việc các doanh nghiệp trong nước ký hợp đồng gia công sản phẩm cho những thương hiệu toàn cầu như trường hợp Thuận Phương là khá ít vì văn hóa kinh doanh tại Việt Nam còn mang tư tưởng sản xuất từ A-Z với thương hiệu của chính mình hơn là gia công cho thương hiệu nước ngoài. Trong khi cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam chưa thể thoát khỏi ý tưởng này để từng bước đưa sản phẩm vươn ra thế giới thì các công ty gia công nước ngoài lại hoạt động khá mạnh tại Việt Nam.
Thương hiệu hàng thể thao nổi tiếng Nike là một ví dụ điển hình. Sau gần 17 năm hoạt động, hiện các đơn vị gia công cho Nike tại Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp của Hàn Quốc như Poongkook, Tae Kwang Vina Industrial. Mục tiêu của Nike là xuất khẩu khoảng 70 triệu đôi giày thể thao từ Việt Nam trong năm 2011, đưa Việt Nam trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Nike trên thế giới, sau Trung Quốc.
Ngoài các công ty gia công lớn của Hàn Quốc, Hồng Kông, Trung Quốc, một số công ty trung gian, kết nối giữa công ty đặt hàng và doanh nghiệp gia công, cũng đang có mặt tại Việt Nam. Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến William E.Corner của Singapore. Chức năng của doanh nghiệp này là nghiên cứu các nhu cầu về sản phẩm mới từ những thương hiệu toàn cầu như Wal-Mart, Ikea và sau đó tìm kiếm đối tác gia công khắp châu Á để đàm phán nhằm kết nối bên đặt hàng với đơn vị gia công. Họ còn có thể tham gia quá trình thiết kế, kiểm soát chất lượng và bán lại cho bên đặt hàng với mức chênh lệnh đến 50%. Những thương hiệu lớn như Wal-Mart có thể chấp nhận mức chênh lệch thậm chí còn cao hơn để giảm tối đa rủi ro, ông Robert Trần cho biết.
4 khâu chủ chốt của gia công
Chuỗi giá trị gia tăng của ngành gia công gồm 4 công đoạn chính. Đó là thiết kế, nghiên cứu tạo sản phẩm mới, tiếp thị; tạo năng lực sản xuất, gồm chế tạo máy móc, thiết bị, công cụ sản xuất và công nghệ, sản xuất nguyên phụ liệu; tổ chức sản xuất, gồm dây chuyền sản xuất, nguồn nhân lực và công nghệ tổ chức sản xuất và sau cùng là phân phối sản phẩm.
Theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM, trong 4 công đoạn trên, ngành gia công của Việt Nam chỉ mạnh nhất ở công đoạn sản xuất với hạ tầng nhà xưởng và lực lượng lao động dồi dào (còn gọi là gia công theo thiết bị gốc – OEM). Có rất ít doanh nghiệp gia công trong nước có thể tiếp cận 3 công đoạn còn lại. Thương hiệu da giày WT của ông Vương Văn Thịnh là một trường hợp đặc biệt.
Ông Thịnh cho biết WT đang dần khai phá thị trường nội địa ở phân khúc giày nam cao cấp với giá trung bình 1 triệu đồng/đôi, từng bước chuyển đổi từ mô hình gia công sang làm thương hiệu để xuất khẩu. Vì vậy, hiện WT là thương hiệu da giày Việt duy nhất có khả năng “sánh vai” cùng Valentino, Giovanni tại các trung tâm mua sắm lớn. “Mình không bỏ nhiều tiền quảng cáo, nhưng vẫn được nhiều người biết đến nhờ đã chen chân được vào các trung tâm thương mại sang trọng”, ông Thịnh chia sẻ. Được người tiêu dùng chấp nhận từ hơn 3 năm qua cùng tình hình kinh doanh tích cực, vị chủ nhân thương hiệu WT cho biết, mỗi năm doanh thu từ mặt hàng này tại 16 siêu thị, trung tâm thương mại tăng trưởng khoảng 20-30%.
Trong khi các công ty gia công trong nước chủ yếu đang ở mức OEM thì láng giềng Trung Quốc đã đi trước khoảng hơn 20 năm và đang hoàn thiện giai đoạn tự nghiên cứu thiết kế sản phẩm (ODM) cùng lúc với xây dựng thương hiệu (OBM).
Như vậy, bài học lớn nhất các doanh nghiệp Việt Nam có thể học được là không ngừng hoàn thiện 4 công đoạn trên đối với ngành gia công trong nước. “Ngành gia công có thể được gắn liền với thương hiệu quốc gia. Ngày nay, mọi người nghĩ ngay đến gia công khi nói về Trung Quốc, công nghệ cao khi nói về Đài Loan và ngành nào sẽ đại diện cho Việt Nam trong tương lai. Đó là một câu hỏi lớn”, ông Robert Trần cho biết.
Nguồn NCĐT
Bình luận (0)