Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Địa ốc Hà Nội: Trúng một vụ, ăn cả năm

Tạp Chí Giáo Dục

Đầu năm, dạo một vòng quanh các “chợ” bất động sản lớn của Hà Nội như Hà Đông, Trần Thái Tông, Hoàng Ngân, Mỹ Đình, Đông Anh, Gia Lâm… dường như vẫn chưa họp. Theo một chuyên viên tư vấn BĐS, mỗi năm giới đầu cơ bất động sản thường trông chờ vào 2 "vụ" làm ăn chính là khoảng tháng 4 và tháng 10 và chỉ cần trúng 1 vụ là đủ ăn cả năm.

Một số trung tâm giao dịch bất động sản mở lấy ngày từ mùng 6 Tết (8-2), còn đa số vẫn "cửa đóng then cài". Theo nhận định của các chuyên gia bất động sản, nhiều khả năng thị trường Hà Nội năm 2011 tiếp tục khởi sắc, giá sẽ tăng.
1 năm 2 "vụ"
Ngay ngày đầu tiên đi làm (mùng 6 Tết), phóng viên đã nhận được lời mời của một sàn giao dịch bất động sản tại Mỹ Đình: "chủ đầu tư vào tên hợp đồng chính chủ cho dự án B5 Cầu Diễn, có tặng quà, anh xem có nhu cầu thì đến sớm nhé".
Sàn giao dịch bất động sản Viglacera Land cũng "mở hàng" từ ngày mùng 6 Tết. Ông Trần Ngọc Tuấn Anh, phụ trách Phòng phát triển thị trường của Viglacera Land cho biết, mấy ngày qua có một số người đến thực hiện giao dịch, chủ yếu là nộp tiền theo tiến độ, chứ chưa có giao dịch mới. "Đầu năm, người thì kiêng không xuất tiền, nhưng có người thì lại xuất tiền mua nhà để lấy may, đúng là cũng tùy theo quan niệm của mỗi người", ông Tuấn Anh nói.
Nhưng đó là tại những sàn bất động sản lớn của các công ty, còn tại các trung tâm bất động sản nhỏ do tư nhân làm chủ thì hầu như chưa có hoạt động.
Chị Thu Nguyệt, nhân viên tư vấn của Trung tâm bất động sản Bảo Long tại quận Hà Đông "bật mí", mỗi năm giới đầu cơ bất động sản thường trông chờ vào 2 "vụ" làm ăn chính là khoảng tháng 4 và tháng 10. Còn thời điểm sau Tết này thì các nhà đầu tư chủ yếu còn đi du Xuân, lễ chùa cho đến hết tháng Giêng.
"Hồi tháng 4/2010 là sốt đất ở Ba Vì, đến tháng 10/2010 lại sốt đất dọc các con đường 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội", chị Nguyệt nói và nhận xét: "Không phải chỉ có năm 2010, mà năm nào cũng vậy, cứ vào 2 khoảng thời gian đó là bất động sản lại có sóng, không lớn thì bé. Giới đầu cơ chỉ cần trúng 1 vụ là đủ ăn cả năm".
Kế hoạch lớn cho 2011
Mặc dù các công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản chưa chính thức bước vào guồng quay của thị trường, nhưng lãnh đạo nhiều đơn vị đều tỏ ra hào hứng với những dự định lớn cho năm 2011.
Ông Lê Quốc Hưng, Giám đốc điều hành CTCP Phát triển đô thị Việt Nam (Vinacity) nhận định: "Năm 2011, theo quan điểm cá nhân tôi sẽ vẫn là một năm mà thị trường bất động sản phát triển tích cực, thuận lợi và ổn định. Bất động sản vẫn được coi là một kênh đầu tư an toàn và hấp dẫn. Nếu nhà đầu tư nào có tầm nhìn và chiến lược tốt trên đồng vốn của mình thì khả năng thu lời sẽ cao hơn".
Tuy nhiên, năm 2011 sẽ có nhiều thách thức, phân khúc sản phẩm sẽ phân hóa rõ, cạnh tranh gay gắt hơn để chiếm lĩnh thị phần. Đặc biệt là phân khúc cao cấp sẽ khó khăn và thị trường nghiêng về người mua nhiều hơn".
Ông Hưng cho biết, trong năm 2011 này, Vinacity dự định phát triển mạnh mảng dịch vụ và mạnh dạn tiếp cận với nhiều chủ đầu tư hơn nữa. Vinacity cũng hướng đến các dự án có pháp lý đảm bảo, vị trí, chất lượng và giá vừa phải…, đáp ứng được phân khúc cho những người có nhu cầu thực và các nhà đầu tư có lượng vốn hạn chế, vì đây là đối tượng đông đảo nhất.
Ông Lê Khắc Hiệp, Chủ tịch HĐQT CTCP Vincom cho hay, năm 2011, Công ty tiếp tục lấy kinh doanh bất động sản làm hướng phát triển trọng tâm. Cụ thể, Vincom sẽ tập trung đẩy mạnh các dự án bất động sản lớn tại Hà Nội và TP. HCM như Khu tổ hợp Eden A tại trung tâm quận 1, TP. HCM; dự án Royal City tại 72A Nguyễn Trãi, Hà Nội;
Dự án Eco City tại 460 Minh Khai, Hà Nội; dự án Vincom Village Sài Đồng, Hà Nội… "Giữ vững uy tín và vị thế của một thương hiệu Việt hàng đầu về đầu tư kinh doanh và quản lý bất động sản là mục tiêu của chúng tôi", ông Hiệp nói.
Năm 2010, nhiều công ty bất động sản miền Nam tiến quân ra Bắc, trong đó có Tập đoàn Him Lam. Ông Trương Chí Kiên, Phó tổng giám đốc của Him Lam Thủ đô cho rằng, thị trường bất động sản miền Bắc nói chung và thị trường Hà Nội nói riêng, tiềm năng vẫn còn rất lớn.
"Theo tôi, thị trường này có hai thuận lợi cơ bản là nhu cầu bất động sản cao và khả năng thanh toán của khách hàng tốt", ông Kiên nói và "bật mí": "Chúng tôi áp dụng chiến lược linh hoạt, đa dạng, tham gia sâu và toàn diện vào chuỗi giá trị bất động sản, vì vậy, Him Lam sẽ đầu tư vào tất cả các phân khúc thị trường có thể tối đa hóa lợi ích cho cả doanh nghiệp và cộng đồng".
Theo Diễn đàn kinh tế Việt Nam

Bình luận (0)