Ngay trong tuần đầu tháng 11, hàng trăm mặt hàng tiêu dùng đã được nhà sản xuất và phân phối tăng giá mà lý do chủ yếu được đưa ra là do tỷ giá và giá nguyên liệu tăng.
Tại các siêu thị, ngay từ đầu tháng 11 có hơn 500 mặt hàng nhập khẩu như đồ hộp, nước giải khát, hàng gia dụng, hoá mỹ phẩm… đã áp dụng giá mới với mức tăng từ 8 – 22%.
Mức tăng trên 20%
Một vòng siêu thị và chợ, không chỉ có các mặt hàng nhập khẩu vốn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tỷ giá điều chỉnh, mà các mặt hàng phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu cũng tăng giá. Mức tăng cao nhất thuộc về dầu ăn. So với hồi quý 2, giá mỗi lít dầu ăn từ đầu tháng 11 có mức giá khoảng 34.000 đồng, tăng 41%.
Chủ cửa hàng bách hoá thực phẩm trên đường Tô Vĩnh Diện, Thủ Đức cho biết: “Các công ty sữa đã thông báo, sẽ điều chỉnh tăng giá sữa bột thêm 10% vào tuần tới”. Các nhà nhập khẩu hàng đông lạnh cho hay, mức giá mới trong tháng 11 này tăng từ 8 – 18% so với tháng trước.
Cụ thể các sản phẩm dùng nguyên liệu thuỷ sản trong nước tăng 8%, loại dùng nguyên liệu nhập như cá trứng, cá saba, cá hồi… sẽ tăng giá 18%. Ngay đến món ăn bình dân như mì gói các loại, mỗi gói cũng tăng thêm 500 đồng, với mức tăng giá xấp xỉ 17%.
Hai sức ép lên giá
Dưới tác động của tỷ giá điều chỉnh cộng thêm giá nguyên liệu nhập từ nước ngoài cũng tăng, khiến cho hàng tiêu dùng tăng giá.
Ông Lê Văn Hùng, phó phòng kinh doanh tiếp thị công ty Vina Acecook cho biết: “Nguyên liệu sản xuất mì gói và dầu ăn các công ty ở Việt Nam đều nhập khẩu hoàn toàn. Áp lực tăng giá kép từ tỷ giá và giá nguyên liệu đã đẩy giá bán mì từ công ty tăng thêm khoảng 10%”. Ông Hùng giải thích việc tăng giá 17% là do phía bán lẻ có thói quen làm tròn số, nên mỗi gói mì “tăng chẵn 500 đồng”.
Quyết liệt kiểm soát, bình ổn giá
Tại phiên họp thường kỳ tháng 10 của Chính phủ hôm 6/11, Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung kiềm chế lạm phát, quyết liệt kiểm soát, bình ổn giá; chính quyền các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các nơi không niêm yết giá, không bán theo giá niêm yết.
Ngày 6/11, Thủ tướng Chính phủ có Công văn yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố thành lập ngay các đoàn kiểm tra việc tuân thủ các quy định về đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết…
|
Đại diện một số doanh nghiệp như Agifish, SG.Fishco, Hải Nam… cho biết, do tác động tỷ giá và giá nguyên liệu nhập khẩu nên giá cá, tôm, mực các loại tăng 15% so với tháng trước.
Nhóm hàng may mặc bắt đầu áp dụng giá mới từ đầu tháng 11 với mức tăng 10% và dự kiến đầu tháng 12 sẽ tăng tiếp 10 – 15%. Các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc cho biết do giá vải đã tăng từ 20 – 60%, cộng thêm tỷ giá tăng nên phải điều chỉnh giá bán lẻ.
Áp lực đời sống
Bà Nguyễn Thị Xuân, ngụ ở quận 8, cầm hoá đơn thanh toán 815.000 đồng trên tay nói: “Cũng bằng đó thứ, tuần nào tôi đi mua sắm chỉ khoảng 600.000 – 650.000 đồng, nay phải bù thêm gần 200.000 đồng nữa mới đủ, cho dù tôi đã cố gắng chọn hàng đang bán giá khuyến mãi, không mua món mới”.
Giá rau củ tại chợ đầu mối tăng một thì chợ lẻ tăng gấp hai, gấp ba, thậm chí là năm, sáu lần. Chẳng hạn, rau xàlách giá sỉ tăng 2.000 đồng so với hồi đầu tháng 10, lên 20.000 đồng/kg, nhưng người tiêu dùng phải mua lẻ tăng thêm đến 15.000 đồng/kg. “Rõ ràng, ở đây có vấn đề tiểu thương lợi dụng tâm lý thị trường để đẩy giá”, bà Nguyễn Thị Thanh Hà, phó giám đốc kinh doanh chợ đầu mối Tam Bình khẳng định.
Nhưng với người bán lẻ, chi phí đời sống tăng là nguyên nhân chính buộc họ phải tăng giá hàng hoá. Bà Liên, bán rau củ quả ở chợ Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình nói: “Một xe rau cải các loại trước đây lãi 80.000 đồng là đủ cho tôi mua thịt cá, mua sữa cho con, trang trải vừa đủ chi phí trong nhà, bây giờ phải trên 100.000 đồng mới đủ. Khách đi chợ mua rau lại ít đi, nên mình phải tính công tăng lên…”
Nguồn SGTT
Bình luận (0)