Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Hàng nhập khẩu tăng giá

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều mặt hàng nhập khẩu thiết yếu trong nước đã bắt đầu tăng giá do ảnh hưởng từ biến động tỷ giá.

Giá hàng hóa nhập khẩu đã bắt đầu có dấu hiệu tăng từ tháng Mười, tập trung vào các mặt hàng: phân bón, giấy, các loại chất dẻo nguyên liệu, vải may mặc…

DN thép phải bỏ thêm 600.000 đồng để nhập 1 tấn phôi thép – Ảnh: Quý Hòa

Thậm chí, nhiều mặt hàng tăng hàng trăm USD/tấn. Cụ thể, nếu tháng Chín, giá chất dẻo nguyên liệu nhập khoảng 1.440USD/tấn, thì tháng Mười tăng lên tới 1.600 USD/tấn; giá phân urê từ 270USD/tấn tăng khoảng 313 USD/tấn…

Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, do biến động của tỷ giá, từ cuối tháng Mười đến nay, các doanh nghiệp (DN) thép xây dựng tại TP.HCM đã tăng giá thép thêm 100.000 – 200.000 đồng/tấn.
Bởi vì, các DN sản xuất thép đã phải thêm khoảng 600.000 đồng để nhập một tấn phôi thép. Do đó, trong thời gian tới các nhà sản xuất có thể sẽ phải tăng giá bán thép xây dựng tối thiểu là 500.000 đồng/tấn mới đủ bù đắp chi phí.
Không chỉ nguyên liệu sản xuất, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cũng đã bắt đầu tăng giá. Thống kê sơ bộ, tại TP.HCM, từ ngày 1/11 đến nay, đã có 39 mặt hàng của một số công ty dược phẩm tăng giá bán từ 10% đến hơn 50%. Lý do giá thuốc tăng được các công ty lý giải là do giá nhiều nguyên liệu sản xuất, giá thuốc nhập khẩu tăng theo tỷ giá USD…
Theo các DN nhập khẩu, tăng giá bán ngoài lý do “bất khả kháng”, không ít DN còn đau đầu với cầu ngoại tệ, cụ thể là đồng USD. Theo lý giải, nhu cầu mua ngoại tệ của các DN nhập khẩu hiện vẫn ở mức cao do đây là thời điểm thanh toán đơn hàng và những DN chưa mua được ngoại tệ trong tháng Mười tiếp tục mua đăng ký mua trong tháng Mười một.
Trong khi đó, dù sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố sẽ bán ngoại tệ để bình ổn thị trường, nhưng một số ngân hàng thương mại đăng ký mua USD vẫn chưa được đáp ứng. Nguyên nhân lý giải từ NHNN là cần có thêm những hướng dẫn thủ tục.
Ngoài ra, theo giới phân tích, là do không công bố thời gian và số lượng ngoại tệ cụ thể mà NHNN dự định sẽ bán ra cho các ngân hàng. Trước động thái không rõ ràng này, nhiều DN vẫn chưa chấp thuận bán ngoại tệ cho ngân hàng.
Hơn nữa, mặc dù NHNN tăng lãi suất cơ bản tiền đồng nhằm làm tiền đồng hấp dẫn hơn so với các ngoại tệ khác, nhưng DN giữ ngoại tệ vẫn cần thêm một thời gian nữa để đưa ra quyết định bán ngoại tệ ra.
LÂM THAO / DNSG

 

Bình luận (0)