Dù nguồn cung lúa gạo được các doanh nghiệp khẳng định hoàn toàn đáp ứng nhu cầu trong nước, tuy nhiên, giá gạo trên thị trường vẫn đang tăng.
Tại các tỉnh ĐBSCL, giá lúa thu đông đang được thu mua khoảng 6.500 đồng/kg, lúa tươi tại ruộng là 5.500 đồng/kg. Diễn biến này cộng với ảnh hưởng của chu kỳ tăng giá cuối năm, khiến giá gạo tiêu dùng trong nước tăng khá nhanh.
Giá gạo Bắc Hương bán tại các chợ ở Hà Nội là 15.000 đồng/kg, còn tại các đại lý của Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) là 13.900 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với cách đây nửa tháng. Trong khi đó, thương lái vẫn tiếp tục đẩy mạnh thu mua.
Gạo không thiếu nhưng giá cứ tăng. |
Riêng ở TP.HCM, giá gạo khoảng 10 ngày trở lại đây tại các cửa hàng bán lẻ, chợ cũng tăng thêm từ 200 – 1.500 đồng/kg. Chủ sạp gạo tại chợ Bà Chiểu cho biết mức tăng phổ biến từ 200 – 500 đồng/kg, và tăng từ các điểm phân phối.
Riêng giá gạo của các đơn vị trực thuộc Tổng Công ty lương thực miền Nam vẫn ở mức thấp, khoảng 8.000 đồng/kg (gạo thường), 10.500 đồng/kg với gạo Jasmine. Trong khi đó, ngoài thị trường, giá gạo loại thường đều trên 9.000 đồng/kg. Riêng tại các cửa hàng hay sạp gạo ở chợ thì đều có giá trên 12.000 đồng/kg, cao hơn so với giá gạo thuộc các doanh nghiệp nhà nước và các điểm phân phối (siêu thị, cửa hàng lương thực của thành phố) từ 15 – 25%.
Mức tăng đáng chú ý thuộc về những loại nhập khẩu (như Đài Loan, thơm Thái, Thái Miên…). Chị Chi, chủ của hàng gạo chợ Chu Văn An, (Q.Bình Thạnh) cho biết giá các loại gạo ngoại tăng ít nhất 1.500 đồng/kg trong vòng một tháng trở lại đây. Loại gạo càng ngon giá càng tăng nhiều, như gạo Đài Loan đặc biệt một lần tăng là 500 – 700 đồng/kg…
Ông Huỳnh Công Thành, Giám đốc Công ty Lương thực TP.HCM, cho biết hiện tượng DN tiếp tục thu gom lúa nguyên liệu cho đủ hợp đồng đã ký là có, nhưng số này không nhiều. Vì hầu hết thời điểm này không có hợp đồng lớn, nên không ảnh hưởng nhiều đến việc phân phối tại thị trường trong nước. Ông Thành khẳng định, lượng gạo tồn kho tại Tổng Công ty Lương thực miền Nam hiện trên 700.000 tấn, “dư sức” cân đối cung cầu trong nước, nên giá gạo chỉ ổn định ở mức cao, chứ không thể tăng giá.
Lý giải chuyện giá gạo tăng, ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT, cho rằng: “Gạo tăng giá trong thời gian này, chủ yếu do sự tăng giá đầu vào, và tác động liên quan của chu kỳ tăng giá cuối năm, với các yếu tố như giá vàng, nhu yếu phẩm, lương tăng. Tuy nhiên, cung – cầu tiêu dùng trong nước không bị ảnh hưởng, bởi đang thu hoạch vụ lúa mùa của miền Nam. Đến khoảng tháng 1.2011 tiếp tục thu hoạch lúa Đông Xuân, nên gạo sẽ dồi dào.
Nguyễn Khải – Thu Hoài / Đất Việt
Bình luận (0)