Chưa bao giờ người tiêu dùng có nhiều cơ hội lựa chọn mua hàng khuyến mãi như hiện nay. Tại các siêu thị, số hàng hóa tham gia vào các chương trình khuyến mãi luôn chiếm từ 20%-30% trong tổng lượng hàng bày bán. Nhiều mặt hàng có mức khuyến mãi lên tới 50%.
Điều chỉnh giá
Từ Tết Nguyên đán đến nay, các siêu thị tại TPHCM liên tục chạy đua khuyến mãi bằng cách giảm giá trực tiếp trên các loại hàng hóa. Đây là cách các doanh nghiệp cũng như nhà phân phối cho rằng hiệu quả nhất trong bối cảnh giá cả nhiều mặt hàng đã và đang đứng ở mức rất cao so với thu nhập của đại đa số người tiêu dùng. Không tổ chức trong thời gian ngắn như trước đây, các chương trình khuyến mãi bây giờ được tổ chức rất dài hơi, bình quân khoảng 1 tháng trở lên và được họp báo công khai.
Những siêu thị lớn, các chương trình khuyến mãi còn được in thành các catalogue, các ấn phẩm rất công phu, đẹp mắt với các mặt hàng và thông số giảm giá rất cụ thể. Qua đó người tiêu dùng có thể chọn lựa những sản phẩm ưng ý trước khi đến siêu thị. Các mặt hàng khuyến mãi được tập kết ở một khu vực riêng và ở vị trí dễ nhận thấy nhất trong siêu thị.
Câu hỏi đặt ra, tại sao các chương trình khuyến mãi lại được tổ chức dày đặc như hiện nay? Đại diện một hệ thống siêu thị cho rằng, trên thực tế, khuyến mãi có 2 vế, ngoài yếu tố giảm giá để kích thích mua sắm và quay vòng nhanh đồng vốn, một số doanh nghiệp đã áp dụng việc khuyến mãi nhằm điều chỉnh giá hàng hóa của mình.
Ở vế thứ 2, cách áp dụng phổ biến nhất là mua một sản phẩm được tặng thêm một sản phẩm nhỏ hơn hoặc mua một sản phẩm kèm thêm một món hàng khác… Cách làm này người tiêu dùng tưởng “mua 1 được 2” nhưng trên thực tế, người mua phải trả đủ tiền cho 2 sản phẩm.
Trong khi đó, để tăng giá sản phẩm, nhiều doanh nghiệp cũng áp dụng một cách thông minh hơn. Nếu trước đây, giá một mặt hàng điều chỉnh dao động trong khoảng từ 10%-15%/lần, thậm chí từ 15%-20%/lần, thì nay phổ biến từ 5%-7%, rất hiếm khi tăng 10%. Nhờ đó, khách hàng ít bị sốc, một sản phẩm giá bán 40.000 đồng, phần tăng thêm chỉ 2.000/sản phẩm…
Người tiêu dùng chọn hàng khuyến mãi tại siêu thị (ảnh chụp ngày 26-5). Ảnh: CAO THĂNG
|
“Vũ khí” chiến lược
Nhiều nhà phân phối nhận định hàng hóa đã thiết lập một mặt bằng giá mới. Lý do chính, chi phí đầu vào của sản xuất đã tăng rất cao, chưa kể giá nguyên liệu nhập khẩu từ quý 4-2009 đã bắt đầu tăng vì kinh tế thế giới đã có dấu hiệu phục hồi. Điều này đã gây áp lực cho doanh nghiệp làm thế nào để bán được hàng nhưng phải tiết kiệm tối đa các chi phí marketing.
Để thực hiện được mục tiêu này, các chương trình khuyến mãi đã bắt đầu được xã hội hóa, bằng cách nhà sản xuất – nhà cung cấp và nhà phân phối cùng bắt tay thực hiện. Trong đó, mỗi bên cùng chấp nhận giảm lợi nhuận, để hạ giá bán cho người tiêu dùng. Phó tổng giám đốc phụ trách mua của một hệ thống siêu thị nhìn nhận, kinh tế khó khăn đã khiến nhiều doanh nghiệp trở nên năng động hơn, luôn tìm tòi nghiên cứu, sản xuất gì, mẫu mã ra sao, chất lượng giá cả thế nào… Cách làm này “kéo” doanh nghiệp đến gần với thị trường và người tiêu dùng hơn. Kết quả, hàng hóa rất phong phú, đa dạng về mẫu mã và chất lượng ngày càng được cải thiện. Khuyến mãi được xem như “vũ khí” chiến lược của các siêu thị để đảm bảo doanh thu, cạnh tranh và giành thị phần. Thông thường mỗi khi áp dụng khuyến mãi đối với một nhóm hàng, doanh thu tăng bình quân 20%-30% so với trước đó.
Hiện các nhóm hàng thường xuyên và có mức khuyến mãi lớn tới 50%, bao gồm hóa mỹ phẩm, may mặc, dụng cụ gia đình… Mới nghe tưởng giảm giá lớn, nhưng thực ra nhu cầu chi tiêu cho các nhóm hàng này từ năm 2008 đã giảm rất mạnh, trong khi thực phẩm và sản phẩm công nghệ vẫn tăng trưởng khá tốt. Tuy nhiên, từ đầu năm 2010 đến nay, cơ cấu tiêu dùng đã có dấu hiệu dịch chuyển, khoảng cách giữa các nhóm hàng đang được kéo gần, trong đó hàng phi thực phẩm chiếm tới 45% tổng doanh thu. Các nhà kinh doanh siêu thị cho rằng, chính khuyến mãi đã mang lại kết quả đáng kể nhằm cải thiện sức mua các nhóm hàng này.
Không thể phủ nhận, khuyến mãi đã tạo sức hút lớn đối với người tiêu dùng. Trong tình hình khó khăn hiện nay, người tiêu dùng sẵn sàng chia sẻ về giá đối với nhà sản xuất. Do vậy, trong chừng mực nào đó, việc tổ chức các chương trình khuyến mãi như hiện nay được xem là cách tốt nhất để hài hòa lợi ích 3 bên: doanh nghiệp – nhà phân phối – người tiêu dùng
THÚY HẢI / SGGP
Bình luận (0)