Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Vật vã vì mặn, hạn: Thoi thóp muối – tôm

Tạp Chí Giáo Dục

Bán hơn chục ký muối mới mua nổi một ký gạo. 130.000 tấn muối của người dân Bạc Liêu, Cà Mau còn để trắng đồng.
Những tưởng nắng nóng kéo dài là thời điểm thích hợp cho diêm dân thu hoạch muối, vậy mà huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu và huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau – hai địa phương có diện tích sản xuất muối cao nhất ĐBSCL – không khí ảm đạm đang bao trùm.
Muối rớt giá, diêm dân thẫn thờ bên sản phẩm mình đã đổ mồ hôi mới thu hoạch được. Ảnh: HOÀNG CHÂU
Nỗi khổ… diêm dân
Với diện tích sản xuất muối hơn 3.430 ha, chất lượng vượt trội nhưng đời sống của bà con diêm dân đến nay vẫn chưa được cải thiện. Vụ mùa năm 2009, những cơn mưa trái mùa làm hàng ngàn tấn muối trị giá hàng chục tỉ đồng tan theo bọt nước.
Nhưng bù lại, giá muối năm 2009 cao ngất: muối đen 2.000 đồng/kg, muối trắng cũng gần 3.000 đồng/kg. Cứ tưởng sản xuất muối tiếp tục thắng lớn, đầu vụ này nhiều người chuyển hàng trăm hecta nuôi tôm sang sản xuất muối. Thế nhưng, giá muối năm 2010 chỉ còn từ 400-700 đồng/kg.
Trước tình cảnh trên, nhiều diêm dân không còn thiết tha đến chuyện thu hoạch vì với giá muối trên nếu thuê nhân công thu hoạch thì lỗ càng thêm lỗ. Còn những người đã thu hoạch thì bỏ mặc muối nằm trắng cả đồng. Ông Trần Văn Mẫn, ngụ xã Điền Hải, huyện Đông Hải, bộc bạch: “Phần lớn diêm dân chúng tôi đều phải vay tiền nóng để phục vụ sản xuất.
Lợi dụng cơ hội này, thương lái thay nhau ép giá”. Hiện tại, tổng sản lượng muối do diêm dân Bạc Liêu và Cà Mau thu hoạch đã vượt lên con số khoảng 130.000 tấn nhưng phần lớn đều không tiêu thụ được vì giá thu mua quá thấp.
Tôm bị “nướng” dưới nắng!
Vụ nuôi tôm năm 2010 tại Bạc Liêu được khởi đầu khá chật vật, khi đến thời điểm này chỉ có khoảng 10% diện tích nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp được thả nuôi. Nguyên nhân chính của sự vào vụ trễ này là do thời tiết quá nóng, người nuôi không dám thả giống vì tỉ lệ thiệt hại rất cao.
Còn tại nhiều địa phương nuôi tôm theo mô hình quảng canh, người dân đã bước vào vụ sản xuất từ trước Tết Nguyên đán 2010. Nhưng đến nay số diện tích bị thiệt hại vì nắng nóng của mô hình này đã lên đến trên 4.000 ha. Nguyên nhân chính dẫn đến tôm bị thiệt hại được ngành nông nghiệp xác định là do nắng nóng, thiếu nước mặn, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm cao nên tôm bị “sốc”.
Ông Nguyễn Văn Còn, nông dân ấp 18, xã Phong Thạnh A, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Mấy ngày nay, người dân trong ấp tập trung đòi ngành nông nghiệp mở cống lấy nước mặn vì tôm đang chết từng ngày mà không có nước để bơm”.
Đầu vụ sản xuất tôm năm 2010, ông Còn thả trên 100.000 con giống xuống diện tích gần 5 ha. Đến nay, tôm mới được khoảng 2 tháng tuổi nhưng ông buộc lòng phải thu hoạch để bán tôm mè (tôm non) với giá chỉ 40.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Văn Tú, ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, ngậm ngùi: “Bây giờ mực nước chỉ còn vài tấc, cộng với cái nắng như đổ lửa thì con gì mà sống nổi. Tôi đã cho nạo vét lại ao, làm đường dẫn nước… nhưng vẫn không có nước để bơm”.
KHÁNH CHÂU – QUỐC DŨNG / NLĐ

Bình luận (0)