Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Trò chuyện với “Người vẽ hồn Đà Lạt”

Tạp Chí Giáo Dục

Họa sĩ Vi Quốc Hiệp bên cạnh tác phẩm biệt thự cổ của mình

Hơn 30 năm gắn bó và sáng tác bằng một niềm say mê, háo hức đối với vùng đất cao nguyên quanh năm hoa nở, họa sĩ Vi Quốc Hiệp (sinh năm 1948, dân tộc Tày thuộc tỉnh Lạng Sơn) được công chúng biết đến thông qua những tác phẩm mang đậm dấu ấn về phong cảnh và con người Đà Lạt, đặc biệt là những bức tranh vẽ biệt thự cổ ẩn mình giữa xứ sở thông reo. Giáo Dục TP.HCM đã có buổi gặp gỡ với “Người vẽ hồn Đà Lạt” tài hoa này.

PV: Từng sống và vẽ ở nhiều nơi, cơ duyên nào đưa anh đến Đà Lạt và chọn thành phố này làm điểm dừng chân?

Họa sĩ Vi Quốc Hiệp: Năm 1978, tôi được Bộ Văn hóa điều vào công tác tại Đà Lạt 3 năm. Ngay khi đặt chân lên mảnh đất này, tôi đã có ấn tượng rất mạnh, một sự “phải lòng” bởi phong cảnh nơi đây quá tuyệt vời. Đặc biệt, tôi khám phá ra Đà Lạt có rất nhiều những ngôi biệt thự theo thời gian rêu phong phủ kín ẩn mình trong rừng thông, trong sương lạnh, trên đồi xa hay lọt thỏm giữa một góc phố nào đó đã khiến tôi yêu say đắm. Tôi quyết định chọn Đà Lạt làm quê hương thứ hai của mình nên sau khi hoàn thành 3 năm công tác, tôi tiếp tục xin Bộ ở lại.

Và anh phát hiện biệt thự cổ Đà Lạt là một “kho báu”?

Phải! Quỹ biệt thự nơi này là một “kho tàng” kiến trúc. Điều đặc biệt là mỗi một ngôi biệt thự lại có một kiểu kiến trúc khác nhau. Chúng chảy trong tôi thành những dòng cảm xúc giúp tôi thăng hoa và khiến tôi nhanh chóng cầm cọ để kịp ghi lại những cảm xúc của mình.

Anh nghĩ sao về một Đà Lạt đang thay đổi?

Tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1971, họa sĩ Vi Quốc Hiệp về công tác tại Hà Giang. Những tác phẩm hội họa bấy giờ của anh thiên về phong tục tập quán những miền đất xa xôi và vẻ đẹp hồn hậu của cô gái miền sơn cước; nổi trội với tác phẩm Nữ dân quân Tày Đồng Văn (tranh sơn dầu).

Sau khi chuyển về Đà Lạt, tính riêng từ năm 1990 đến nay, anh đã tổ chức thành công 16 cuộc triển lãm cá nhân và tham gia nhiều cuộc triển lãm chung khác, tranh của anh nhận được nhiều giải thưởng mỹ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam, được lưu giữ trong các bảo tàng mỹ thuật trên cả nước và trong các bộ sưu tập cá nhân ở Anh, Pháp, Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Điều đó thật đáng tiếc! Hiện có những ngôi biệt thự xưa tôi vẽ trước đây nay đã không còn. Tôi sợ một ngày nào đó chúng sẽ biến mất hết và thay thế bởi những tòa cao ốc. Khi ấy Đà Lạt sẽ không còn mang một vẻ đẹp rất riêng, cổ xưa của vùng đất mà người Pháp đã đặt tên là một “Paris thu nhỏ” nữa.

Nên tranh của anh thường gợi một vẻ u hoài, cổ kính?

Bởi vì tôi đang cố gắng giữ lại những nét đẹp kiêu sa, tinh túy của Đà Lạt xưa. Phải nói thêm rằng những cuộc triển lãm của tôi, ngoài mục đích thể hiện lời tri ân đối với thành phố này, tôi còn muốn người xem hiểu thêm về một thời quá vãng của Đà Lạt, cũng như mong muốn mọi người biết quý trọng và gìn giữ vẻ đẹp riêng vốn đã là “thương hiệu” của cao nguyên này.

Ngoài biệt thự cổ, được biết anh còn những cuộc triển lãm về hoa và phái đẹp nữa phải không?

Tôi nghĩ rằng cuộc đời sẽ thật nhạt nhẽo nếu không có… “nửa kia” của thế giới! Vì vậy tôi vẽ phụ nữ là để tôn vinh và ca ngợi họ. Phái đẹp và hoa vốn là chất men, chất “xúc tác” rất lớn cho tôi nên vào tháng 2 vừa qua, tôi đã mang tranh về TP.HCM triển lãm chủ đề “Người đẹp và hoa” (tại Gallery Ý Ngọc – Sỹ Hoàng). Sắp tới đây, nhân dịp Đà Lạt tổ chức lễ hội hoa cũng như chào mừng 1000 năm Thăng Long, tôi lại triển lãm hoa và phái đẹp lần 2 tại Đà Lạt.
Cám ơn anh rất nhiều!

Tuyết Dân

Bình luận (0)