Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Hoàng Cầm mê Quang Trung, ai mê Kiều Loan?

Tạp Chí Giáo Dục

Cảnh trong vở Kiều Loan, tiết mục dự hội diễn kịch nói toàn quốc 2009. Ảnh: Trần Thanh

Kịch thơ Kiều Loan của thi sỹ Hoàng Cầm chuẩn bị bay vào Nam dự hội diễn kịch nói. Còn tại Hà Nội, buổi diễn miễn phí cũng lác đác người.

Kiều Loan được Hoàng Cầm viết khi mới ngoài 20 tuổi. Đầu năm 1945, nó trắc trở, nhà cầm quyền không cho công diễn vì bôi nhọ triều Nguyễn.

Năm 2005, Kiều Loan tiếp tục trắc trở khi NSƯT Anh Tú dựng vở để tốt nghiệp khóa học đạo diễn. Vở kịch được nhận xét tốt nhưng Nhà hát Tuổi trẻ lo ngại không thể bán vé, nên số lần sáng đèn từ bấy đến nay chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Tình hình hiện tại không khá hơn. Tối 9/9, khán giả đến xem vở ra mắt trước khi vào TPHCM dự hội diễn sân khấu kịch nói toàn quốc, rất lác đác và không đúng giờ. Giờ mở màn phải kéo thêm 15 phút đợi khán giả – phần lớn là ông già bà cả, đồng nghiệp và báo chí.

Vở diễn mở màn với chuyến đi tìm chồng của cô gái Kiều Loan. Chồng cô – Vũ Văn Giỏi – văn võ song toàn – vào Nam theo nhà Nguyễn, còn Kiều Loan theo ánh hào quang của Tây Sơn, ở lại đất Bắc. Nhà Nguyễn tìm diệt mầm loạn do Quang Trung để lại.

Hai vợ chồng gặp nhau tại Phú Xuân sau 10 năm cách biệt, nhưng sự xa cách giữa hai con người ở hai thể chế khác nhau không giúp họ tìm được tiếng nói chung. Kiều Loan liên tục ca ngợi Tây Sơn trước mặt chồng – một dũng tướng kiên trung của triều Nguyễn.

Kiều Loan và thầy học cũ của Vũ Văn Giỏi bị quân lính triều Nguyễn tống giam. Trước ngày tử hình, Vũ Văn Giỏi đến cứu Kiều Loan, đưa vợ về quê cũ nhân cuộc hành quân Bắc phạt.

Nhưng, những bất đồng chính kiến khiến mâu thuẫn vợ chồng dâng cao. Kiều Loan rút thanh đoản kiếm đã tặng chồng trước ngày ra đi, đâm vào ngực Vũ Văn Giỏi. Ước vọng cuối cùng của dũng tướng này là hai giọt lệ trên lá cỏ phía quê hương và một ngôi nhà trắng giữa vườn mai.

Kịch thơ Kiều Loan là vở bi kịch hấp dẫn, và người xem không có cảm giác lời thơ tiền chiến gò bó lời thoại. Đạo diễn Anh Tú khéo léo dùng ca khúc Trông chờ do nhóm AC&M thể hiện. Bên cạnh nhã nhạc, quan họ Bắc Ninh càng khiến Kiều Loan thật khó quên.

Bốn năm trước, Quách Thu Phương được Anh Tú dự đoán sẽ lên đai qua vở này. Anh Tú không nói quá. Quách Thu Phương – vai Kiều Loan – diễn xuất có hồn bên cạnh Quang Ánh – Vũ Văn Giỏi – chững chạc.

Mấy tháng trước, Quang Ánh không lép vế bên Lê Khanh trong Âm mưu và tình yêu, nay vẫn thấy anh phong độ, dù đôi lúc để tình cảm can thiệp hơi sâu. Một dũng tướng lúc nào cũng đề cao chúa Nguyễn làm sao có thể để nước mắt trào ầng ậc khi đối mặt vợ giữa chốn ba quân, trong đó có cả đám gian thần?

Nội dung kịch cho thấy, Hoàng Cầm mê Quang Trung Nguyễn Huệ đến thế nào. Thi sĩ Bên kia sông Đuống chứng minh, sự đối nghịch lý tưởng có thể khiến vợ cầm gươm giết chồng. Ý tưởng này dường như không thể tin nổi trong ngày hôm nay.

Ông Trương Nhuận – Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, cho biết, kịch thơ Kiều Loan mang tính nghệ thuật cao, nhưng bán vé lại là chuyện khác. Vở có một lớp công chúng riêng, đó là người lớn tuổi, sinh viên văn khoa, sân khấu, điện ảnh.

Theo Trần Thanh / Tiền Phong

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)