Thị trường ô tô trong nước lại giảm
Thống kê từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, trong tháng Bảy, toàn bộ các doanh nghiệp thành viên chỉ bán ra được tổng cộng 9.439 xe, giảm khoảng 8% so với tháng Sáu và 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Toyota đạt sản lượng bán hàng 2.452 chiếc, chiếm 26% thị phần ô tô trong nước, giảm hơn 16% nhưng vẫn dẫn đầu thị trường.
Trong khi đó, hãng xe trong nước Trường Hải với 2.257 chiếc được bán ra, đã tăng 11% so với tháng liền kề trước đó. Hãng xe thứ ba có sản lượng bán hàng vượt mốc 1.000 chiếc là Vinamotor với 1.044 chiếc, chiếm 11,1% thị phần.
Ba trường hợp bi đát nhất là Vinacomin, Vinacoal không bán được xe nào, giảm 100% so với cả cùng kỳ lẫn tháng liền kề, và Mitsubishi (Vinastar) chỉ bán ra được 90 chiếc, giảm đến 310% so với tháng liền kề và 66% so với cùng kỳ 2009.
Xét về phân đoạn thị trường, trong tháng Bảy vừa qua, các loại xe du lịch từ 9 chỗ ngồi trở xuống chịu sự sụt giảm mạnh nhất. So với tháng 7/2009, các loại xe đa dụng bị sụt giảm 20%, các loại xe du lịch 5 chỗ ngồi giảm 13%. Các mức giảm này cũng gần tương đương với các mức giảm so với tháng liền trước.
Cũng theo thống kê từ VAMA, cộng dồn 7 tháng đầu năm nay, tổng lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước bán ra đạt 59.717 chiếc, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hàng loạt dự án bị rút phép đầu tư
Hàng loạt dự án bị rút phép đầu tư
Một loạt dự án có vốn đầu tư nước ngoài và trong nước đã bị rút giấy phép ở một số địa phương. Riêng trong tháng Bảy, Ban Quản lý Các khu chế xuất – khu công nghiệp TP.HCM (HEPZA) quyết định thu hồi 8 giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) của 8 dự án đã hết hiệu lực của giấy phép, nhưng nhà đầu tư vẫn không triển khai trên thực tế.
Trong năm nay, theo Hepza, số dự án có khả năng bị thu hồi GCNĐT sẽ lên đến con số gần 80 dự án có vốn đầu tư cả trong và ngoài nước do không triển khai theo đúng tiến độ, hoạt động không hiệu quả, hoặc trì hoãn quá lâu.
Việc rút giấy phép đầu tư không chỉ diễn ra ở TP.HCM, mà còn ở nhiều địa phương khác trong cả nước, khi nhiều dự án đầu tư thuộc hàng “khủng” được cấp phép giai đoạn 2006 – 2007, nhưng nay do nhiều lý do cả chủ quan lẫn khách quan, nhà đầu tư đã không triển khai được dự án.Chẳng hạn, siêu dự án khu du lịch Bãi Biển Rồng (Quảng Nam), có tổng mức đầu tư 4,15 tỷ USD, do năng lực tài chính yếu kém của nhà đầu tư đã bị rút giấy phép.
Hay tại Ninh Thuận cũng đang vận động tích cực để tìm đối tác thay thế đối tác Tập đoàn Lion Group (Malaysia) liên doanh với Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) trong dự án Khu liên hợp thép Cà Ná có tổng vốn đầu tư lên tới 9,8 tỷ USD, dự kiến khởi công giai đoạn 1 cuối năm 2008, nhưng đến nay vẫn chưa thấy tăm hơi nhà đầu tư…
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng vừa thu hồi GCNĐT của Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển AJ Vietstar (Hàn Quốc) do công ty này không đủ năng lực tài chính.
DNSG
Bình luận (0)