Tác động của bão giá đến đời sống của người tiêu dùng ngày một tăng. Thái độ lạc quan của người tiêu dùng về tình hình kinh tế – xã hội trong năm 2011 cũng không còn như trước. Người làm marketing buộc phải có sự điều chỉnh phù hợp về mặt chiến lược trong bối cảnh kinh tế, xã hội hiện nay.
Cắt giảm chi tiêu mọi mặt
Cuộc nghiên cứu mới đây nhất do FTA Research & Consultant thực hiện trong tháng 3/2011 cho kết quả không có gì là bất ngờ: người tiêu dùng ở các địa phương tham gia khảo sát, bao gồm Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng đều thừa nhận, đời sống của họ chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi lạm phát. Trong đó, nhóm người tiêu dùng đã lập gia đình, tuổi từ 41 đến 50 tại khu vực Đà Nẵng là phải chịu ảnh hưởng của lạm phát nhiều nhất.
Cắt giảm chi tiêu đang là quyết định của phần lớn người tiêu dùng.
Vấn đề người tiêu dùng lo lắng nhất, quan ngại nhất hiện nay bao gồm giá điện, giá lương thực, giá xăng dầu, giá khí đốt, giá vàng và những biểu hiện suy thoái kinh tế. Đây được xem là những vấn đề ảnh hưởng tức thì và trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày. Kéo theo đó là những ảnh hưởng mang tính lâu dài hơn như thất nghiệp, tham nhũng…
Những lo toan trong đời sống khiến mức độ lạc quan của người tiêu dùng Việt Nam về nền kinh tế đang giảm dần. Hầu hết trong 600 người tham gia khảo sát đều cho rằng nền kinh tế Việt Nam sắp tới sẽ giữ nguyên (48%) hoặc xấu đi (36%). Bi quan về tình hình kinh tế Việt Nam nhiều nhất là những người đang sống tại khu vực TP.HCM.
Trong tình hình đó, cắt giảm chi tiêu đang là quyết định của phần lớn người tiêu dùng. Những lĩnh vực người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu khi có lạm phát là: du lịch, hàng xa xỉ, thời trang, dịch vụ thẩm mỹ, mua sắm điện máy, giải trí, thông tin liên lạc (điện thoại, internet). Nhóm ngành hàng thiết yếu là nhóm mà họ không thể cắt giảm, bao gồm: giáo dục, đi lại, ăn uống, điện nước, chăm sóc sức khỏe. Đáng chú ý là người dân Hà Nội quyết định cắt giảm chi tiêu ở tất cả các ngành hàng. Nếu như phải mua sắm, người tiêu dùng cũng có xu hướng cắt giảm việc mua sắm ở các kênh hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi… và chuyển sang chợ, kênh bán hàng có giá thấp hơn. Đặc biệt, họ sẽ tranh thủ mua sắm thường xuyên hơn khi có các chương trình khuyến mãi.
Với các hoạt động giải trí, gần như toàn bộ các hoạt động giải trí như đi xem film, ca nhạc, đi uống café, đi ăn ngoài, tiệc và đi nhậu cũng sẽ được cắt giảm.
Xây dựng chiến lược mới
Các ngành hàng có thể chịu nhiều ảnh hưởng từ lạm phát là bánh kẹo, sản phẩm từ sữa và sản phẩm chăm sóc da. Tuy nhiên, ngoại trừ mặt hàng bánh kẹo, hầu hết người tiêu dùng vẫn tỏ ra trung thành với nhãn hiệu mà họ đang sử dụng thường xuyên. Không có nhiều sự thay đổi trong việc lựa chọn kích cỡ bao bì trong tiêu dùng. Chỉ có vài ngành hàng như bánh kẹo, sản phẩm chăm sóc da, sản phẩm từ sữa và sản phẩm chăm sóc em bé, người tiêu dùng có xu hướng chọn kích thước bao bì bằng hoặc nhỏ hơn loại trước đây họ thường mua.
Như vậy, sống trong thời kỳ bão giá, người tiêu dùng buộc phải cắt giảm chi tiêu ở nhiều nhóm ngành hàng không thuộc nhu yếu phẩm. Các sản phẩm tiêu dùng nhanh (FMCG) có vẻ ít bị ảnh hưởng (ngoại trừ bánh kẹo), người tiêu dùng trung thành đối với các nhãn hàng cũng như loại kích cỡ bao bì các mặt hàng FMCG mà họ thường dùng. Điều này buộc ngành bánh kẹo cần năng động hơn để duy trì và vượt qua trong thời kỳ khó khăn này.
Bên cạnh đó, kênh mua sắm có sự thay đổi, người làm marketing buộc phải cân nhắc tăng cường hoạt động kích hoạt thương hiệu (brand activation), branding tại chợ, cửa hàng tạp hóa…
QUÝ YÊN / DNSG
Tin liên quan
Ngày 15-11-2024, UBND TP.Cần Thơ phối hợp Viện Kinh tế - Xã hội TP long trọng tổ chức Diễn đàn Kinh tế...
Ngày 14-11, tại TP.Đà Nẵng, UBND TP.Đà Nẵng phối hợp với Bộ Công thương tổ chức diễn đàn “Khu thương mại tự...
Tối 4-11-2024, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Việt Nam đã diễn ra lễ công bố “Thương hiệu quốc gia 2024-2026"...
Ngày 1-11-2024, TP.Cần Thơ long trọng khai mạc Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Việt Nam năm 2024. Ông Nguyễn Văn Hiếu...
Bình luận (0)