Có thể nói, Bình Dương có địa hình cảnh quan tương đối đa dạng với rừng, núi, sông, hồ, đồng bằng, hệ thống các di tích lịch sử văn hóa cách mạng, nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng… là cơ sở thuận lợi phát triển các loại hình dịch vụ du lịch phong phú, đa dạng; thế nhưng cho đến nay, các lợi thế du lịch này vẫn chưa được cụ thể hóa thành nguồn lợi kinh tế cho Bình Dương.
Tiềm năng lớn
Tiềm năng du lịch sinh thái ở vùng núi Cậu – hồ Than Thở – hồ Dầu Tiếng là không thể nghi ngờ. Các nghiên cứu về chiến lược cũng như các dự báo về phát triển du lịch ở khu vực này đã chỉ ra rằng: Cần ưu tiên phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng. Nó vừa là xu thế chung về sự phát triển của du lịch trong nước và khu vực, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của du khách; vừa đáp ứng yêu cầu về quản lý rừng phòng hộ núi Cậu… Mạng lưới đường nằm trong du lịch sinh thái núi Cậu đã mở ra, cho phép các du khách đi tham quan bằng xe đạp để khám phá nhiều điểm hấp dẫn mà không gây ra những náo động đối với môi trường. Không chỉ vậy, di chuyển bằng xe đạp còn có thể ngắm nhìn phong cảnh, nghe được âm thanh của thiên nhiên giúp cho chuyến đi trở nên hấp dẫn hơn.
Ngoài ra, nếu du khách dừng chân tại những bãi đá bên bờ suối tuyệt đẹp của hồ Than Thở, có thể trở về với cuộc sống nguyên thủy một cách hồn nhiên và cực kỳ độc đáo khi du khách được thưởng ngoạn các thắng cảnh quanh hệ núi đá vôi và rừng phòng hộ. Bình Dương có hệ thống các sông Sài Gòn, Đồng Nai, Thị Tính… Các sông này có tiềm năng phát triển các loại hình du lịch sinh thái theo mô hình miệt vườn ven sông, các tour du lịch sông nước để phục vụ du khách hay hệ thống các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng như Chiến khu Đ, rừng lịch sử Kiến An và nhất là di tích khảo cổ học Cù lao Rùa thuộc xã Thạnh Hội (Tân Uyên) còn ẩn chứa nhiều huyền bí về văn hóa thời kỳ đá mới.
Cù lao Rùa hay còn gọi là Cù lao Thạnh Hội có tổng diện tích 524 ha, được bao bọc bởi dòng chảy chính của sông Đồng Nai và dòng chảy phụ tẻ nhánh bao trọn cù lao, nhập vào dòng chính và chảy xuôi về Sài Gòn, tạo cho cù lao nét duyên dáng, gây nhiều tò mò cho du khách. Di tích tồn tại trên cù lao là một ngọn đồi nổi cao 15m so với mặt bằng khu vực, có cấu trúc như hình mu rùa và di tích khảo cổ học Cù lao Rùa đã góp phần quan trọng trong việc nghiên cứu văn hóa thời tiền sử vùng Đông Nam bộ.
Qua các cuộc khai quật, di tích này cung cấp những tư liệu mới về lịch sử văn hóa cổ Bình Dương nói riêng và cả Đông Nam bộ nói chung, góp phần vào hoạch định tổng thể xây dựng, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế, văn hóa, gìn giữ di sản văn hóa, nhất là văn hóa cổ – truyền thống Đông Nam bộ và của Việt Nam. Cù lao Rùa chính là nơi đáp ứng nhu cầu tò mò của du khách tìm hiểu văn hóa cổ Bình Dương thậm chí giá trị văn hóa truyền thống của người Việt…
Rõ ràng, dù có nhiều lợi thế nhưng thời gian qua, du lịch Bình Dương đóng vai trò mờ nhạt trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, chưa tương ứng với tiềm năng và điều kiện phát triển. Các lợi thế du lịch chưa có nơi nào được đầu tư thành sản phẩm du lịch hoàn chỉnh đủ để thu hút du khách; trong khi lượng khách tham quan ngày càng đông và doanh thu du lịch Bình Dương ngày càng lớn. Nếu năm 1997 chỉ có 179.541 lượt khách thì đến 2010 có trên 3,5 triệu lượt khách, tăng gấp 20 lần. Nếu năm 1997, doanh thu khoảng 57 tỷ đồng thì năm 2010 là 491 tỷ đồng.
Thế nhưng, xét góc độ tăng trưởng khách du lịch, du lịch Bình Dương chưa thấy sự tăng trưởng bền vững, khách du lịch đến Bình Dương tăng vọt nhưng chủ yếu là đến tham quan Khu du lịch Lạc cảnh Đại Nam Văn Hiến. Do vậy, du lịch Bình Dương đóng góp cho nền kinh tế của tỉnh vẫn còn thấp, chưa đáp ứng vai trò và vị trí của một ngành kinh tế quan trọng theo định hướng phát triển kinh tế. Nguyên nhân là do các quy hoạch phát triển du lịch chưa trở thành hiện thực. Quy hoạch phát triển ngành đã lạc hậu còn chưa tính được những sản phẩm mang tính đặc thù và chưa thu hút dự án đầu tư nào có quy mô lớn để khai thác các lợi thế.
Sẽ được đánh thức…
Tiềm năng du lịch Bình Dương rất phong phú và đa dạng. Với những lợi thế sẵn có, du lịch Bình Dương đang tạo tiền đề, cơ hội phát triển theo hệ thống quan điểm, mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ IX đề ra. Cụ thể, từ nay đến năm 2020, khi phát triển du lịch, Bình Dương cần gắn với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, trên cơ sở khai thác hiệu quả bền vững tiềm năng du lịch, chú trọng lợi thế vị trí địa lý, hình thành các sản phẩm du lịch phục vụ cho nhu cầu vui chơi giải trí của thị trường, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng.
Mục tiêu xây dựng du lịch cũng chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế thông qua tốc độ tăng trưởng nhanh, tỷ trọng trong GDP ngày càng tăng, đóng góp nhất định vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng cân bằng và bền vững. Du lịch không chỉ có ý nghĩa là một ngành kinh tế mà còn có vai trò là công cụ nâng cao chất lượng, nâng cao đời sống của nhân dân thông qua các sản phẩm dịch vụ du lịch đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi hưởng thụ của nhân dân địa phương. Trên cơ sở đó, phấn đấu đến năm 2015, du lịch Bình Dương sẽ đón 5 triệu lượt khách, năm 2020 là 6,8 triệu lượt khách. Doanh thu du lịch năm 2015 đạt 2.200 tỷ đồng, năm 2020 là 4.450 tỷ đồng; kèm theo đó là hàng loạt các giải pháp cụ thể hóa về vốn đầu tư, xúc tiến thương mại hợp tác trong nước và quốc tế; khai thác các lợi thế của các vùng sông nước, thắng cảnh, di tích lịch sử, làng nghề… vốn rất phong phú đang chờ được đánh thức.
Còn sớm khẳng định du lịch Bình Dương sẽ đạt được mục tiêu đề ra, tuy nhiên với sự quan tâm của hệ thống chính trị, tin chắc rằng trong tương lai, du lịch Bình Dương sẽ trở thành một trong những ngành kinh tế đem lại nguồn lợi lớn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nói riêng và Bình Dương nói chung.
Nguồn: Báo Bình Dương
Bình luận (0)