Năm 2011 số lượng khách đến Đà Nẵng đạt trên 2,35 triệu lượt người, bằng 111% kế hoạch năm, tăng 32,8%.
Đà Nẵng có nhiều lợi thế phát triển du lịch
|
Doanh thu đạt 1.800 tỷ đồng, đạt 119% kế hoạch năm, tăng 45% so với năm 2010.
Đây là con số rất đáng phấn khởi đối với ngành du lịch dịch vụ của Đà Nẵng, phản ánh đúng mục tiêu mà đảng bộ và chính quyền thành phố đặt ra là nhanh chóng chuyển Đà Nẵng trở thành một trung du lịch dịch vụ với chất lượng cao. Nhân tố khách quan là Đà Nẵng có quang cảnh thiên nhiên đẹp, có lợi thế là điểm đến thuận tiện cả về đường không, đường bộ và đường biển để du khách trong và ngoài nước có thể thăm các di sản thế giới tại Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam…
Không những vậy, sự chuyển hướng mạnh để đầu tư cơ sở hạ tầng cho du lịch đã và đang phát triển khá mạnh trong những năm qua. Hệ thống đường sá trong nội thành được xây dựng, nâng cấp; xây dựng thêm các cây cầu qua lại sông Hàn; các bãi biển được đầu tư các cơ sở dịch vụ, hệ thống ánh sáng, các đơn vị bảo vệ; các hoạt động vui chơi giải trí, nhất là sự kiện bắn pháo hoa hàng năm; nhiều khu du lịch – dịch vụ mới đã hình thành …
Chỉ trong năm 2011, hàng loạt các dự án du lịch lớn đã được đưa vào sử dụng như Fusion Maria Resort, Hyatt Regency, Khu nghỉ mát Vinpearl Luxury (vượt chuẩn 5 sao), Khu vui chơi giải trí Fantasy Park tại Bà Nà, khu du lịch Xuân Thiều…với chất lượng phục vụ cao cho các hội nghị quốc gia và quốc tế, rất hấp dẫn cho du khách tham quan, nghỉ ngơi. Ngoài ra, việc quy hoạch, xây dựng Khu công viên văn hóa Ngũ Hành Sơn, quy hoạch chi tiết Bán đảo Sơn Trà đã tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước lập các dự án lớn cả trước mắt và tương lai để nhanh chóng biến các khu vực này thành các trung tâm du lịch đa dạng và hấp dẫn.
Điều hết sức đặc biệt trong tháng 12 này lại có thêm sự kiện là Nhà ga mới của sân bay quốc tế Đà Nẵng bắt đầu đưa vào khai thác. Nhà ga mới có công suất phục vụ khoảng 4,5 đến 5 triệu lượt khách/năm và tiếp nhận từ 400.000 đến 1 triệu tấn hàng hóa/năm. Theo kế hoạch, từ năm 2015 trở đi Nhà ga sân bay quốc tế Đà Nẵng là nhà ga lớn thứ ba của cả nước sau Nội Bài và Tân Sơn Nhất, sẽ đạt công suất 6 – 8 triệu hành khách/năm.
Cùng với sự kiện này, thì ngành hàng không đã bắt đầu mở thêm hai tuyến bay quốc tế mới: Đà Nẵng-Seoul và Đà Nẵng-Malaysia, với tần suất khá lớn trong tuần, đưa khách đi và đến tới hai quốc gia này. Các tuyến bay này đang được các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và các đơn vị du lịch lữ hành quan tâm, vì qua khảo sát lượng du khách đến và đi từ Đà Nẵng với Hàn Quốc và Malaysia có nhu cầu rất lớn, sẽ tăng lên đáng kể.
Nó sẽ tạo nên sự hấp dẫn cho du khách có nhiều lựa chọn khi đến trực tiếp Đà Nẵng để thăm quan, du lịch hay làm ăn với các tỉnh ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên thay vì phải bay đến Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh. Đà Nẵng hiện đang làm việc với các đối tác nhằm mở thêm các đường bay mới tới Moscow, Bangkok, Tokyo, Bắc Kinh.
Những cơ sở vật chất nói trên là nhân tố vô cùng quan trọng để cho ngành du lịch – dịch vụ Đà Nẵng tăng tốc. Tuy nhiên, một khía cạnh khác không kém phần quan trọng và có vai trò quyết định chính là đội ngũ những người làm công tác trên lĩnh vực này và huy động cả cộng đồng dân cư cùng tham gia.
Đà Nẵng đã và đang tập trung xây dựng một đô thị xanh-sạch-đẹp, phát triển bền vững, con người sống chan hòa , thân thiện với môi trường, an ninh trật tự được giữ vững tạo sự an tâm cho mọi người. Đó chính là nét đặc trưng cơ bản để cho Đà Nẵng không những tạo ra sự khác biệt mà luôn hấp dẫn và ấn tượng với du khách. Làm sao để cho mỗi sản phẩm du lịch-dịch vụ được hình thành đều mang đậm nét Đà Nẵng và luôn có sức lôi cuốn mạnh mẽ du khách trong và ngoài nước.
Theo Nguyên Châu
(Chinhphu.vn)
Bình luận (0)