Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Trang phục trên phim: Đẹp nhưng vẫn… chưa phù hợp!

Tạp Chí Giáo Dục

Trang phục trong phim Bỗng dưng muốn khóc đẹp thì có đẹp nhưng vẫn chưa phù hợp với nhân vật

Đạo diễn Song Chi than thở rằng có một nữ diễn viên vào vai cô sinh viên hiền thục mà cứ nằng nặc “đòi” mặc quần ống túm, áo hai dây, giày cao gót, trang điểm đậm… khi lên giảng đường. Phân tích mãi mà cô này cứ như cố tình không hiểu vì sợ “xấu”. Ăn mặc như thế không phù hợp với vai diễn đã đành, mà còn gây phản cảm với khán giả khi phim lên sóng…
Đẹp thì có đẹp
Có thể nói, phim ảnh và các diễn viên “ngôi sao” có tác động khá lớn đến gu thời trang, thẩm mỹ và cách lựa chọn trang phục của số đông khán giả trẻ. Khán giả xem phim không chỉ bình luận nội dung phim, diễn xuất của diễn viên hay – dở mà còn quan tâm đến cả trang phục đẹp hay xấu. Ngoại trừ một số phim cổ trang, kinh phí dành cho trang phục của phim truyền hình hiện đại rất ít. Trước đây, việc xin tài trợ trang phục cho phim rất khó khăn vì phim ảnh chưa thu hút được người xem. Chỉ vài năm nay, phim truyền hình sản xuất nhiều, các người mẫu, hoa hậu thi nhau đóng phim, có thể xem đây là kênh tiếp thị sản phẩm hữu hiệu nên các nhãn hàng bắt đầu “nhảy” vào tài trợ trang phục. Dốc tình là bộ phim truyền hình dài tập đầu tiên có nhà tài trợ trang phục chính thức là Nino Maxx (khoảng 3.000 bộ các loại) nhờ dàn diễn viên chính là các người mẫu trẻ đẹp Huy Khánh, Tăng Thanh Hà, Bảo Hòa, Thành Được, Kim Hiền… Bộ phim Công ty thời trang xoay quanh chuyện các nhà thiết kế được Trương Ngọc Ánh, Quang Trí, Quốc Thái, Bình Minh… thủ vai nên có nhiều nhãn hiệu thời trang như Hồng Ty, Sadin… cung cấp trang phục. Focci thì tài trợ cho phim Hương phù saCô gái xấu xí; gấm Thái Tuấn thì “vào cuộc” với phim Miền đất phúc; Tuyết nhiệt đới thì được đặt hàng trang phục từ các nhãn hiệu Thuận Việt, Trương Thanh Long; Cuộc chiến hoa hồng thì có thời trang Wow… Ngoài các nhà tài trợ, nguồn trang phục thường xuyên khác cho phim là diễn viên “tự lo”. Ý thức về hình ảnh của mình nên không có diễn viên nào muốn luộm thuộm trên màn ảnh. Dù có mối quan hệ với các nhà thiết kế nhưng các diễn viên không dám mượn nhiều vì sợ hư hại trong quá trình quay phim. Hầu hết các diễn viên đều có một tủ quần áo đủ loại, nếu thấy không phù hợp nữa thì lùng mua trang phục mới. Chi phí cho trang phục của diễn viên nhiều khi còn bị âm vào tiền catxe sẽ nhận được. Việc được tài trợ hay diễn viên chịu khó đầu tư đã góp phần đáng kể cho nhiều bộ phim Việt được khán giả khen là có trang phục đẹp.
Nhưng vẫn… chưa phù hợp
“Lạm dụng” tâm lý khán giả thích mặc đẹp như phim Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… mà nhiều đạo diễn, diễn viên đã cố tình biến màn ảnh thành sàn diễn thời trang. Ai cũng biết rõ, trang phục cho vai diễn phải gần gũi với đời thường, phù hợp với nhân vật và thẩm mỹ chung của nhiều người, khác hẳn với trang phục biểu diễn. Nếu có tài trợ thì trang phục phải may riêng cho từng vai diễn và từng bộ phim, thời kỳ chứ không thể dùng mẫu thiết kế có sẵn hay đưa diễn viên đến shop tự chọn đồ. Thế mới có chuyện, nhân vật ở trong quán cà phê hay ngoài cánh đồng… thì vẫn chỉnh tề, bóng láng từ quần áo đến giày dép nên không được đa số khán giả trẻ chấp nhận. Phim Ván cờ tình yêu nói về nghề thiết kế quảng cáo, các nhân vật tính cách hiện đại, làm việc trong môi trường sáng tạo trẻ trung nhưng có nên để các nhân vật của Helen Thanh Đào, Ngọc Nga… hồn nhiên diện váy ngắn quá cỡ “tung tăng” nhiều lần trong công sở. Hương phù sa bị chê cũng không oan dù út Ráng và út Nhỏ là con nhà khá giả, tính cách trẻ trung nhưng không thể mặc váy ngủ, váy ngắn chạy ghe ào ào giữa sông nước miền Tây… Hay chuyện cô Trúc trong Bỗng dưng muốn khóc làm nghề bán sách cũ ngoài lề đường nhưng lúc nào cũng “diện” bộ áo dài màu trắng, một chuyện lạ “xưa nay hiếm”… Ngoài ra, nếu tinh mắt, khán giả sẽ nhặt được vô số lỗi về không gian và thời gian không phù hợp với trang phục. Trong phim Tuyết nhiệt đới, cảnh Lam và Hải đạp xe dưới những tán bằng lăng nở tím của Hà Nội rất lãng mạn, cả hai đều mặc quần áo mùa đông kiểu dáng và màu sắc tuyệt đẹp. Nhưng ở Hà Nội, thường hoa bằng lăng chỉ nở rộ vào mùa hè? Nhiều khán giả còn ngạc nhiên khi nhận thấy những chiếc áo bà ba của một số nhân vật trong phim Miền đất phúc trước năm 1975 được may bằng gấm Thái Tuấn chỉ có ở thời điểm làm phim – nghĩa là 30 năm sau. Trang phục không ăn khớp với bối cảnh và hoàn cảnh nhân vật sẽ khiến khán giả khi xem phim giảm đi ít nhiều cảm xúc…
“Chiếc áo không làm nên thầy tu”, thế nhưng qua cách ăn mặc người ta có thể đoán được phần nào tính cách, nghề nghiệp của nhân vật. Phim Hàn Quốc ngoài công dụng phục vụ cho phim, còn biết cách biến trang phục phim trở thành một khuynh hướng thời trang để đạt cả mục đích về văn hóa lẫn thương mại. Còn phim truyền hình Việt Nam, đã không phù hợp với nhân vật, mà nhiều bộ phim cũng chẳng lăng xê được mốt thời trang cho khán giả… mặc theo phim.
 
ĐAN KHANH

Bình luận (0)